Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015


GÍA TRỊ NƯỚC TRỜI


Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu được đầy tràn Thánh Thần, 
khiến Ngài vui sướng dâng lên Cha lời cầu nguyện tự phát (c. 21). 
Như thế có sự hiện diện của cả Ba Ngôi Thiên Chúa trong giây phút này. 
Trong Thánh Thần, Con dâng lên Cha lời ngợi khen chúc tụng. 
Lời cầu nguyện của Con bao giờ cũng bắt đầu bằng câu Abba, Lạy Cha. 
Abba là người Cha gần gũi thân thương, 
nhưng Abba cũng là Chúa tể trời đất, đầy quyền năng siêu việt. 
Đức Giêsu ngợi khen Cha, vì Cha giấu kín nhóm này, 
nhưng lại mặc khải cho nhóm kia về Con của Cha. 
Thật ra, Cha không ghét bỏ những người khôn ngoan thông thái. 
Nhưng sự giàu có tri thức đã khiến một số người tự mãn, tự hào, 
đi đến chỗ khép lại và từ chối tin vào Đức Giêsu. 
Những người bé mọn, đơn sơ mới là những người khôn ngoan thật sự. 
Họ mềm mại mở ra như trẻ thơ, để đón nhận Tin Mừng về Nước Trời.
Bảy mươi hai môn đệ mới đi sứ vụ trở về, là những người bé mọn ấy. 
Họ là những người có phúc vì được thấy, được nghe 
những điều mà bao thế hệ khác ước ao, nhưng không được (cc. 23-24). 
Họ là những người được đưa vào thế giới thân tình giữa Cha và Con. 
Thế giới ấy thật là riêng tư, nơi Cha và Con hiểu biết nhau trọn vẹn. 
“Không ai thực sự biết Con là ai, trừ Cha;
cũng không ai thực sự biết Cha là ai, trừ Con” (c. 22). 

Nhưng thế giới tưởng như khép kín ấy cũng là thế giới mở ra cho con người. 
Cha mặc khải cho những người bé mọn (c. 21). 
Và Con cũng mặc khải cho người nào Con muốn (c. 22). 
Rốt cuộc Cha mặc khải về Con, và Con mặc khải về Cha. 
Chỉ Thiên Chúa mới mặc khải được cho ta về Thiên Chúa.
Mừng lễ Giáng Sinh là mừng Quà Tặng của Cha là Đức Giêsu. 
Ngài là Đấng duy nhất biết Cha thâm sâu, 
nên cũng là Đấng duy nhất có thể mặc khải về Cha trọn vẹn. 
Ngài là Đấng Trung Gian duy nhất và là Người Con Một của Cha. 
Thiên Chúa Cha đã bắc cho chúng ta một nhịp cầu. 
Cha mời chúng ta qua nhịp cầu ấy mà đến với thế giới Thiên Chúa, 
nơi Cha và Con khăng khít với nhau trong tình yêu. 
Hãy để Cha lôi kéo ta đến với Con của Ngài (Ga 6, 44). 
Hãy để Con là đường đưa ta đến với Cha (Ga 14, 6). 
Hãy là người khôn ngoan thật sự, biết mở ra để nghe Cha, Con mặc khải. 
Biết được Cha và Con là ai, đó là hạnh phúc của người Kitô hữu. 
Đó cũng là ước mơ ngàn đời của Cha và Con cho nhân loại.
Thứ Ba Tuần I Mùa Vọng
Lời Chúa: 
 Lc 10,21-24
21 Khi ấy, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ. Vâng lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế. 22 Cha Ta đã trao phó cho Ta mọi sự. Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết!" 23 Rồi Chúa Giêsu quay lại phía các môn đệ và phán: "Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều chúng con xem thấy; 24 vì chưng Ta bảo các con: có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem những điều chúng con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều chúng con nghe, mà đã chẳng được nghe.

Lạy Chúa, Xin hãy cho chúng con biết sống thế nào là đơn sơ đẹp lòng chúa. Cho chúng con cũng được diễm phúc làm tôi tớ Chúa để được Chúa Cha nhớ đến chúng con. Và được Chúa Cha sẽ mặc khải cho những điều mà các Tiên tri, các người thông thái khôn ngoan... đều không được biết. 
Chúa  rất nhân từ và hay thương xót, Chúa thương tất cả các con cái nhỏ bé của Chúa. Xin cho chúng con luôn trung thành, và ôm ấp tình yêu cao siêu ấy cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời chúng con . Amen

THEO THẦY


Cuộc sống trần gian đầy sóng gió, bão tố với những chuyện tang thương, khổ đau, buồn bã, và khủng hoảng. Đây chính là lúc chúng ta đang bay trong sương mù của cuộc đời. Nếu muốn có sự sống để bay lên cao thì phải đặt trọn vẹn niềm tin tưởng vào Chúa Giêsu và sự hướng dẫn của Ngài. Còn nếu theo sự phán đoán và ý thích của riêng mình thì rất dễ bị lầm lẫn, thay vì hướng cuộc đời lên cao, chúng ta lại lao đầu xuống vực thẳm. Từ bỏ chính mình là điều kiện để làm môn đệ của Chúa. Người ta không thể theo Chúa mà không từ bỏ. Đứng trước những chọn lựa, ta không thể chọn hết. Chọn bên này phải bỏ bên kia. Từ bỏ chính mình là từ bỏ ý riêng, từ bỏ những xu hướng cá nhân, và từ bỏ cái tôi chủ quan để Chúa hướng dẫn tâm hồn và cuộc đời của mình. Từ bỏ mình để có chỗ cho Chúa sống trong tâm hồn chúng ta như lời thánh Gioan tiền hô đã khởi xướng cho các môn đệ của mình: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3:40).

Theo Thầy là từ bỏ ý thích riêng của mình, từ bỏ cuộc sống mà mình thấy không xứng đáng làm đệ tử của Chúa. Để mặc lấy chiếc áo mới, mang lấy cuộc đời mới luôn có Chúa đồng hành...
Thứ Hai Tuần I Mùa Vọng - Ngày 30/11: Thánh Anrê, tông đồ
Lời Chúa: 
 Mt 4,18-22
18 Khi ấy, nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. 19 Người bảo hai ông rằng: "Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta". 20 Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. 21 Ði xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai ông. 22 Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.

Lạy Chúa , xin chọn con, như năm xưa Chúa đã chọn các Thánh Tông Đồ. Để cuộc đời con luôn được đồng hành bên Ngài. Như các Tông đồ xưa, thiếu thốn mọi điều nhưng Chúa vẫn chấp nhận và rèn luyện.  Lạy Chúa , xin rèn luyện con để con được  trở nên Tông đồ dấu yên của Chúa. Chúa ơi! Amen


ĐỨNG DẬY VÀ NGẨNG ĐẦU LÊN


Trước những hiểm họa được báo trước sẽ  xảy đến, ai là người run sợ, hoảng hốt và ai là người can đảm “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”? Ai là người vội vàng chè chén say sưa cho thỏa thích và ai là người mừng vui hy vọng cứu rỗi?
Vì đâu người ta run sợ,và vì đâu người ta có can đảm để đứng thẳng và ngẩng đầu lên?
Đứng trước những biến cố ấy, làm sao chúng ta tránh khỏi hoảng sợ! Có người đã lo lắng mua sắm đèn cầy, thức ăn thức uống để chuẩn bị cho những ngày “mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển”.
Nhưng Chúa Giêsu lại căn dặn chúng ta: “Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, chúng con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên”.
Chúng ta chỉ có thể đứng dậy và ngẩng đầu lên trước những biến cố ấy khi chúng ta có một lý tưởng để theo đuổi, có một niềm tin để phó thác cậy trông. Động cơ để con người có thể “đứng dậy và ngẩng đầu lên” trước những hiểm nguy ấy là vì “Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả”; vì “Giờ cứu rỗi chúng con đã đến gần”.
Ai thực sự hằng mong đợi Đấng Cứu Thế đến để giải thoát con người, để cứu rỗi khỏi kiếp sống diệt vong của tội lỗi, lại thất kinh, hoảng sợ khi Đấng ấy đến! 
“Đứng dậy và ngẩng đầu lên”, đó là thái độ dứt khoát của những ai đặt tất cả niềm tin vào Thiên Chúa. 
Chúa đã đến trong lịch sử nhân loại. Chúa đến trong ngày phán xét riêng và chung. Đi vào cuộc sống của mỗi người, sống và cái chết là hai lần Thiên Chúa đến. Cuộc đời của mỗi người là một cuộc lữ hành giữa hai lần Chúa đến. 
Chúa Nhật I Mùa Vọng - Năm C
Lời Chúa: 
 Lc 21,25-28.34-36
25 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. 26 Người ta sợ hãi kinh hồn, chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. 27 Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. 28 Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến. 34 Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, 35 như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. 36 Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!"

Lạy Chúa, Xin cho chúng con hôm nay  luôn hướng về Chúa , trung thành với Chúa, và sống tốt với anh chị em như lời Chúa dạy bảo. Để bất cứ giờ nào Chúa đến, Chúa vẫn thấy sự trung thành của chúng con. Vẫn thấy còn những đứa con luôn chờ đợi và ao ước được theo bên chân Chúa. Amen

TỈNH THỨC & CẦU NGUYỆN




Tỉnh thức không có nghĩa là cứ ngồi đó mà chờ đợi. Tỉnh thức là bắt tay vào hành động.  Chúa như ông chủ đi vắng.  Người cho ta được toàn quyền khi Người vắng nhà.  Người giao trách nhiệm cho ta trông coi gia đình ta, giáo xứ ta, địa phương ta, đất nước ta và cả thế giới nơi ta đang sống. Ta được tự do hành động. Ta có trách nhiệm làm cho gia đình, xứ đạo, địa phương, đất nước, và cả thế giới được phát triển về mọi mặt.  Vì thế, tỉnh thức là nhìn thấy những nhu cầu của anh em, và đáp ứng những nhu cầu đó. Tỉnh thức là nhìn thấy ý Chúa trong những trào lưu thời đại. Tỉnh thức là nhận biết Chúa hành động trong những tâm hồn thiện chí thuộc các niềm tin, mầu da, quan điểm khác nhau để biết cộng tác trong việc xây dựng xã hội. Tỉnh thức là dấn thân hy sinh phục vụ anh em trong quên mình.
Hãy tỉnh táo phân định để nhận ra dung mạo thực sự của Ðức Kitô.  Ðừng chạy theo những khuôn mặt mang dáng vẻ cao sang quyền quý. Ðừng chạy theo những khuôn mặt nặng về quyền lực.  Ðừng chạy theo những lời hứa hẹn giàu sang.  Dung mạo đích thực của Ðức Kitô là nghèo hèn, là khiêm nhường, là bé nhỏ.
Hãy tỉnh thức để làm việc không ngừng, để quên mình, hy sinh phục vụ cho lợi ích của đồng loại.
Như thế, tỉnh thức không phải là việc dễ dàng. Tự sức ta sẽ khó mà tỉnh thức. Nên ta phải tha thiết cầu nguyện xin ơn Chúa trợ giúp.  Có ơn Chúa thúc đẩy, ta mới có thể dứt bỏ con đường tội lỗi xưa cũ.  Có ơn Chúa soi sáng, ta mới đủ tỉnh táo nhận ra dung mạo đích thực của Ðức Giêsu.  Có ơn Chúa trợ giúp, ta mới đủ hăng hái ra đi phục vụ trong quên mình
Thứ Bảy Tuần XXXIV Thường Niên
Lời Chúa: 
 Lc 21,34-36
34 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời, 35 mà ngày đó thình lình đến với các con như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. 36 Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!"
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết luôn sẳn sàng chờ đón Chúa. Cho con biết làm hết bổn phận của con mà Chúa đã giao cho. Và luôn giữ tâm hồn sạch trong hân hoan đón Chúa, bất cứ giờ phút nào Chúa đến Amen

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015


DẤU HIỆU


Người sắp chết có những dấu hiệu gì báo trước?

Thật kỳ lạ, xưa nay đã ai chết hai lần đâu mà biết trước rút kinh nghiệm, thế nhưng, có những cụ cao tuổi có kinh nghiệm "Tri thiên mệnh", biết trước được ngày mất của mình, mặc dầu ngày hôm trước vẫn khoẻ mạnh, thậm chí có người còn tính trước được giờ mất, đánh điện cho con cháu xa về. Trong trường hợp đó gia đình phần nào đã chủ động chuẩn bị tang lễ, nhưng những trường hợp đó rất ít.
Đối với những người già yếu, có những dấu hiệu gì báo trước giờ hấp hối mà ta có thể quan sát được ?
  • Xem thần sắc : chủ yếu xem hai đáy mắt còn tinh anh không hay đã đục mờ.
  • Sờ chân tay xem còn nóng hay đã lạnh, người sắp chết thường lạnh từ đầu đến chân. Có người còn nhận biết mình đã chết đến đâu.
  • Mạch rất trầm, có khi người còn sống nhưng không bắt mạch được nữa. Đối với người suy tim, sờ tưởng như tim đã ngừng đập, nhưng vì đập yếu nên không phát hiện được.
  • Để một ít bông vào lỗ mũi mà bông không còn động đậy tức là đã tắt thở.
Có người đau ốm lâu dài, bỗng nhiên mạnh khoẻ trở lại rất tỉnh táo, nhiều khi đó là dấu hiệu của ngọn đèn hết dầu loé sáng lên để rồi tắt ngấm. Các cụ già thường bỏ ăn, hoặc là rất muốn ăn nhưng ăn được rất ít trước khi mất.
Cũng có trường hợp, mệnh đã tuyệt nhưng có lẽ vì nuối tiếc con cháu ở xa chưa gặp được, hoặc do được bổ xâm hồi dương với hy vọng trong muôn một có thể qua khỏi hoặc kéo thêm ít giờ để tránh ngày xấu như trùng tang, trùng phục... thì có thể kéo dài thêm chút ít.

Thiên Chúa vì yêu thương con người nên bất cứ việc gì Ngài cũng báo trước  cho con người một dấu lạ. Dấu lạ để báo trước, dấu lạ để cảnh báo.... Nhưng con người vẫn mê muội không nhận ra điều gì. Vẫn dìm mình trong bóng đêm, trong tội lỗi... 
Thứ Sáu Tuần XXXIV Thường Niên
Lời Chúa: 
 Lc 21,29-33
29 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ thí dụ này rằng: "Các con hãy xem cây vả và mọi thứ cây cối. 30 Khi chúng đâm chồi nảy lộc, thì các con biết rằng mùa hè đã gần đến. 31 Cũng thế, khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến. 32 Thầy bảo thật các con, thế hệ này sẽ chẳng qua đi cho đến khi mọi sự ấy xảy đến. 33 Trời đất sẽ qua đi; nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu".
Lạy Chúa ! chúng con là những con ngựa bất kham , khó trị. Xin Chúa vì lòng xót thương mà cho chúng con thêm một cơ hội quay về khi còn kịp giờ phán xét của Chúa. Xin thay đổi lòng dạ chai đá của chúng con, để chúng con sớm quay về tạ tội cùng Chúa, được Chúa dủ lòng thương xót trước khi quá muộn Chúa ơi!

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015


THỜI KỲ DÂN NGOẠI & THỜI KỲ CỦA CHÚA


Tại Jerusalem, Chúa Jesus và các môn đồ đi vào thăm Thánh điện. Khi bước ra ngoài Thánh điện, các môn đồ của Chúa Jesus vẫn bị choáng ngợp bởi sự huy hoàng của nó.
Việc xây dựng Thánh điện bắt đầu vào thời Vua Solomon. Tuy nhiên, nó đã bị phá hủy bởi những người Babylon vào năm 586 TCN. Sau khi xây dựng một điện thờ mới, nó được biết đến là Đệ nhị Thánh điện. Trong thời kỳ của Chúa Jesus, Thánh điện mà các môn đồ của Ngài thấy có những cây cột bằng đá cẩm thạch và cao 40 feet. Thánh điện cũng được xây bằng đá cẩm thạch. Mái điện màu vàng kim và gần như tất cả phần bên ngoài Thánh điện được phủ một lớp vàng. Khi được ánh sáng mặt trời chiếu rọi, vẻ rực rỡ và huy hoàng của nó là không sao mô tả được.
Khi các môn đồ Chúa Jesus thấy công trình bằng đá cẩm thạch huy hoàng này, họ trở nên rất kích động. Một môn đồ nói với Ngài:
“Thưa Thầy, xin Thầy xem, những tảng đá này thật to lớn biết bao! Những tòa nhà này hoành tráng dường nào!” (Mark 13:1)
Đức Chúa Jesus nói với ông:
“Ngươi thấy những tòa nhà to lớn này chăng? Rồi đây sẽ không còn một tảng đá nào chồng trên một tảng đá nào. Tất cả sẽ bị đổ xuống.” (Mark 13:2)
Khi các môn đồ của Ngài bị choáng ngợp trước sự huy hoàng của Thánh điện, Chúa Jesus đã nói ra một lời tiên tri đáng kinh ngạc: trong tương lai, Thánh điện ở Jerusalem sẽ bị hủy diệt hoàn toàn, và sẽ không còn lại một tảng đá nào chồng lên tảng đá nào ngoài đống phế tích.
Và rồi Chúa Jesus tiên tri về thời điểm Thánh điện bị phá:
“Khi các ngươi thấy Giê-ru-sa-lem bị các đạo quân vây hãm, hãy biết rằng thời kỳ hoang tàn của nó đã gần. Bấy giờ ai đang ở Giu-đê, hãy trốn lên núi; ai đang ở trong thành, hãy tìm cách thoát ra; ai đang ở ngoài đồng, đừng trở vào thành, vì đó là những ngày báo trả, để tất cả những gì đã viết có thể được ứng nghiệm. Khốn thay cho những phụ nữ mang thai và những người mẹ có con còn bú trong những ngày ấy, vì sẽ có cơn đại nạn giáng xuống trong xứ, và cơn thịnh nộ nghịch lại dân này. Họ sẽ bị ngã chết bởi lưỡi gươm và bị bắt đem lưu đày giữa các nước…” (Luke 21:20-24)
Không lâu sau, Chúa Jesus bị bắt trên đỉnh núi Olives. Ngài bị đưa đi và bị thẩm phán phi pháp trước Sanhedrin (Tòa án tối cao của Do Thái giáo) và các đại chủ tế. Rồi Ngài bị đưa tới Pontius Pilate, Tổng đốc Judaea của La Mã từ năm 26 đến năm 36 SCN. Những người Do Thái đã yêu cầu Pilate kết án Chúa Jesus. Pilate không đồng ý với quyết định xử tử Chúa Jesus của Sanhedrin và không muốn xét xử Chúa Jesus. Do đó Pilate đã gửi Chúa Jesus tới Herod, và rồi Herod lại gửi lại Chúa Jesus cho Pilate. Pilate tuyên bố rằng Chúa Jesus vô tội và muốn thả Ngài. Nhưng dưới áp lực mạnh mẽ của đám đông dân chúng Do Thái bị kích động, Pilate cuối cùng đã phán Chúa Jesus tội tử hình.
Sau khi Chúa Jesus chết, lời tiên tri của Ngài đã trở thành hiện thực. Năm 70 SCN, người Do Thái phản kháng lại Đế quốc La Mã và binh lính La Mã đã bao vây Jerusalem. Nhiều người Do Thái đã quay trở lại giúp đỡ. Không có nhiều lương thực ở Jerusalem, và dịch bệnh cũng bùng phát khắp thành phố. Kết quả là, vô số người đã bị chết bởi đói và dịch bệnh. Người ta nói rằng trong một đêm, 40 thi thể được quẳng ra ngoài thành. Mặc dù người Do Thái đã cố hết sức bảo vệ thành phố, cuối cùng họ vẫn thất thủ. Người La Mã tràn vào thành phố và phá hủy ngôi điện. Đại quân La Mã thấy rằng rất nhiều vàng bạc đã bị tan chảy bởi ngọn lửa và len vào kẽ giữa những tảng đá cẩm thạch. Do đó Tướng quân La Mã đã ra lệnh quân lính đục hết vàng bạc ra khỏi khe và họ đã tách từng tảng đá một. Kết quả là lời tiên tri của Chúa Jesus đã được hoàn tất: “Rồi đây sẽ không còn một tảng đá nào chồng trên một tảng đá nào. Tất cả sẽ bị đổ xuống.” Toàn bộ Thánh điện bị phá hủy và trở thành đống hoang phế.
Người ta nói rằng một triệu người Do Thái đã bị giết trong cuộc chiến và những ai sống sót thì bị bắt và trở thành nô lệ. Họ phân tán tại rất nhiều quốc gia. Điều này lại ứng nghiệm với lời tiên tri của Chúa Jesus: “…sẽ có cơn đại nạn giáng xuống trong xứ, và cơn thịnh nộ nghịch lại dân này. Họ sẽ bị ngã chết bởi lưỡi gươm và bị bắt đem lưu đày giữa các nước…”
Còn có một sự thật kinh người khác. Trong số hàng triệu người bị giết chết, không có ai là tín đồ Cơ Đốc giáo. Tại sao? Bởi vì tất cả tín đồ của Chúa Jesus đều nhớ lời Ngài: “Khi các ngươi thấy Giê-ru-sa-lem bị các đạo quân vây hãm, hãy biết rằng thời kỳ hoang tàn của nó đã gần. Bấy giờ ai đang ở Giu-đê, hãy trốn lên núi; ai đang ở trong thành, hãy tìm cách thoát ra; ai đang ở ngoài đồng, đừng trở vào thành, vì đó là những ngày báo trả, để tất cả những gì đã viết có thể được ứng nghiệm.”
Do đó khi những tín đồ Cơ Đốc thấy quân La Mã đến, họ đều làm theo lời Chúa Jesus. Những ai ở trong thành thì chạy ra ngoài thành, còn những ai không ở trong thành thì không có ai chạy vào trong thành cả. Một số người di tản lên núi, một số người qua bờ Đông sông Jordan, còn những người khác thì chạy sang các vùng khác. Vì thế khi dân chúng trong thành Jerusalam bị chết bởi nạn đói, dịch bệnh và chiến tranh, thì chỉ những ai tin Chúa Jesus mới được bình an.
Thứ Năm Tuần XXXIV Thường Niên
Lời Chúa: 
 Lc 21,20-28
20 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi các con thấy Giêrusalem bị các đạo binh bao vây, các con hãy biết rằng đã gần đến lúc thành ấy bị tàn phá. 21Bấy giờ những ai ở trong đất Giuđa, hãy chạy trốn lên núi, những ai ở trong thành, hãy rời xa, và những ai ở vùng quê, chớ có vào thành; 22 vì những ngày ấy là những ngày báo oán, để ứng nghiệm mọi lời đã ghi chép. 23 "Khốn cho những đàn bà đang mang thai và nuôi con thơ trong những ngày ấy: vì chưng sẽ có sự khốn cực cả thể trong xứ và cơn thịnh nộ trút xuống dân này. 24 Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ phải bắt đi làm tôi trong các dân, và Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho dân ngoại chấm dứt. 25 "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. 26 Người ta sợ hãi kinh hồn, chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. 27 Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. 28 Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến".
Lạy Chúa, ngày nay Chúa vẫn báo cho chúng con biết những trừng phạt sắp xảy đến cho chúng con, nếu chúng con không biết ăn năn sám hối tội lỗi của mình. 
Không khác gì ngày xưa, chúng con vẫn hoài nghi không tin vào lời cảnh báo.
Lạy Chúa lòng dạ chúng con vẫn còn sỏi đá. Xin cứu vớt chúng con bằng cách cho chúng con biết ăn năn sám hồi tội lỗi của mình, sớm quay về bên Chúa, Chúa Ơi! Xin thương đến chúng con, con cái tội lỗi của Chúa đây. Xin giúp chúng con quay về tạ lỗi ,và được Chúa nhận lời Chúa ơi! Amen

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015


KIÊN TRÌ



Victor Huygo đã mô tả hình tượng tuyệt vời về sự kiên trì đền thành công:“Trong mỗi thời kỳ, những người tài năng leo lên cao. Từ phía dưới, thế giới nhìn theo họ. Những người này leo lên đỉnh núi, đi vào những đám mây, biến mất, rồi xuất hiện trở lại. Người ta quan sát họ, cho điểm họ. Họ đi bên bờ vực.
Họ liều lĩnh đi theo con đường của mình. Quan sát họ trên cao, quan sát họ ở đằng xa, họ chỉ là những cái chấm đen nhỏ xíu. Họ vẫn tiếp tục đi. Con đường thật gồ ghề, các khó khăn không ngừng xuất hiện. Cứ mỗi bước lại có một bức tường, mỗi bước lại có một cái bẫy. Khi họ leo lên, không khí càng giá lạnh. Họ phải làm thang cho mình bằng cách cắt nước đá ra và đi trên nó, bước chân thật vội vã. Một cơn bão đang thét gào. Thế mà họ vẫn tiến lên trong sự điên rồ của mình. Không khí càng lúc càng khó thở. Vực sâu ngoác miệng phía dưới họ. Vài người rơi xuống. Những người khác dừng lại và thoái lui. Tình trạng của họ là tình trạng kiệt sức đáng buồn.
Những người táo bạo lại tiếp tục. Những con diều hâu trừng trừng nhìn họ. Tia chớp loé lên trên dầu họ. Trận cuồng phong rất hung hãn. Chẳng hề gì, họ vẫn kiên trì tiến bước”
Khi người ta nghĩ thất bại chỉ là tạm thời và là những bài học đáng giá phải trả cho thành công, thì sẽ không có lý do gì để từ bỏ mục tiêu đã đặt ra.

Chuyện đời là thế. Chuyện kiên trì theo Chúa của các Thánh Tử Đạo VN càng làm cho chúng ta cảm phục hơn.
Trước những thử thách, cam go đang đón chờ, các Thánh Tử Đạo Việt Nam, kiên trì, bền lòng bền chí Theo Chúa, cho dù biết là mình sẽ gặp gian nan, đau đớn cũng một lòng theo Chúa.
Quân lính kiên trì trong sự kêu gọi giáo dân phản Chúa.
Các Thánh tử Đạo kiên trì trong việc giữ Đạo Chúa
Thấy Giảng Anre' là tấm một trong nhiều tấm gương kiên trì bền vững trong Ơn Chúa để chúng ta noi theo:
Thầy Giảng Anrê, gốc tỉnh Phú Yên (giáo xứ Mằng lăng, Giáo phận Quy Nhơn), là con út của một phụ nữ tên thánh là Gioanna. Tuy góa bụa nhưng bà đã giáo dục con cái với tất cả lòng tận tụy và khôn ngoan. Anrê là một cậu bé mảnh khảnh, nhưng tư chất rất thông minh, có óc phán đoán tốt và tâm hồn hướng chiều về sự thiện. Do lời năn nỉ của bà mẹ, cha Ðắc Lộ, vị Linh Mục thừa sai dòng Tên nổi tiếng, đã nhận cậu Anrê vào số các môn sinh của ngài. Anrê chăm chỉ học chữ Nho và chẳng bao lâu trổi vượt các bạn đồng môn.
Anrê được lãnh nhận bí tích Rửa Tội cùng với mẹ ba năm trước khi bà qua đời, tức là năm 1641, khi Anrê được 15 tuổi. Anrê sinh năm 1625 hay 1626, không rõ ngày tháng, và lúc chịu chết năm 1644, Thày trạc độ 19 hay 20 tuổi.
Rời dinh quan Nghè Bộ, cha Ðắc Lộ đi thẳng xuống nhà tù nơi giam giữ một thầy giảng già 63 tuổi tên là Anrê, mới bị bắt hai ngày trước đó. Trong khi ấy, quan ra lệnh cho lính tới nhà cha lùng bắt một thầy giảng khác tên là Ignatio. Nhưng thầy Ignatio đã đi làm việc tông đồ. Lính chỉ tìm thấy Thày Anrê trẻ: để khỏi trở về dinh quan Bộ tay không, lính đánh đập Thầy Anrê, trói Thầy lại, rồi giải xuống thuyền đem về dinh quan trấn thủ. Chiều ngày 25 tháng 7 năm 1644, Thày đựơc dẫn tới trước mặt quan. Lính thưa với quan rằng họ không tìm thấy thầy Ignatio, nhưng đã bắt được một "thầy giảng khác giống như vậy, vì suốt cuộc hành trình, anh ta luôn nói về đạo Kitô và khuyến khích họ theo đạo".
Nghe vậy quan tìm mọi cách làm cho Thầy Anrê "từ bỏ cái đạo điên rồ đó và bỏ lòng tin".
"Nhưng thanh niên can trường ấy trả lời quan rằng mình là Kitô hữu, và rất sẵn sàng chịu mọi khổ hình chứ không từ bỏ đạo mình tuyên xưng: nên xin quan cứ tùy ý chuẩn bị các hình cụ, chàng vui lòng đón nhận, với xác tín rằng, vì đức tin, càng chịu khổ đau chừng nào thì càng chết vinh quang chừng ấy".
Vào khoảng 5 giờ chiều, một viên chỉ huy cùng với 30 người lính vào nhà tù, nơi vị Tôi Tớ Chúa bị giam giữ, và ra lệnh cho Thầy phải đi theo tới nơi hành quyết. Thầy Anrê cảm tạ Chúa vì giờ hiến tế đã tới, và sau khi chào mọi người hiện diện trong tù, Thầy nhanh nhẹn bước đi. Quân lính vây chặt chung quanh và dẫn Thầy Anrê đi qua các đường phố ở Kẻ Chàm, tới một cánh đồng ngoài thành. Cha Ðắc Lộ, nhiều Kitô hữu Bồ Ðào Nha và Việt Nam cũng như nhiều người lương đã đi theo và chứng kiến cuộc xử tử vị Tôi Tớ Chúa.
Theo thói quen tại đây, cha Ðắc Lộ xin và được phép trải một tấm chiếu dưới người Thầy Anrê để hứng lấy máu Thầy, nhưng Thầy Anrê không muốn nhận điều ấy, Thầy muốn máu mình thấm xuống đất, để được giống như máu cực trọng Chúa Kitô đã đổ ra. Trong khi đó, Thầy Anrê nhắn nhủ các Kitô hữu hiện diện hãy luôn kiên vững trong đức tin, đừng buồn phiền vì cái chết của Thầy, và hãy giúp lời cầu cho Thày được trung thành tới cùng.
Cuộc hành quyết Thầy Anrê được thi hành bằng mấy nhát lao đâm thấu cạnh sườn bên trái, và sau cùng khi một người lính sắp dùng đao chém đầu, Thày lớn tiếng kêu lên "Giêsu".
Cho tới hơi thở cuối cùng, Thầy Anrê đã chứng tỏ lòng kiên trung trong việc chấp nhận dâng hiến tế cuộc sống vì lòng tin yêu Chúa Kitô.http://tinmung.net/CACTHANH/118ThanhTDVN/INDEX.htm

Thứ Tư Tuần  Thường Niên
Lời Chúa: 
 Lc 21,12-19
12 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy: 13 các con sẽ có dịp làm chứng. 14 Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. 15 Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con.
16 "Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. 17 Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. 18 Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. 19 Các con cứ bền đỗ, các con cũng sẽ giữ được linh hồn các con".
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết noi gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là Tổ tiên, Cha Ông của chúng con mà vững tin vào Chúa, kiên trì theo Chúa đến cùng, dù có gặp nhiều khó khăn đau khổ cũng không hề nản chí, dù bị chính những người thân của mình phản bỗi vẫn một lòng phó thác, tin vào Lời Chúa đã nhắn nhủ của Chúa: "dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. 19 Các con cứ bền đỗ, các con cũng sẽ giữ được linh hồn các con"." Amen

BỀN ĐỖ ĐẾN CÙNG


Can đảm nói không với tội lỗi.
Trong thời kỳ bách hại đạo Công giáo tại Việt Nam, một trong những thử thách mà các kitô hữu bị bắt bớ phải trải qua là bước qua thập giá. Quan quân thời đó thường đặt một cây thập giá dưới đất rồi bắt các kitô hữu bước qua. Ai không bước qua thì phải chịu đủ mọi cực hình. Còn ai chấp nhận bước qua thì được thoát cảnh ngục tù, được trả lại những tài sản bị tịch thu, được ban thưởng bỗng lộc, được sống đời tự do, được đoàn tụ với gia đình.
Nói không trước những lời dụ dỗ và thúc ép
Vậy mà các bậc cha ông tử đạo của chúng ta ngày trước đã can đảm khước từ tất cả những hứa hẹn hấp dẫn đó, và đã kiên quyết nói không: Không bước qua thập giá, không bỏ đạo, không chối Chúa, không từ bỏ niềm tin.
Cũng có những vị được quan quân khuyến dụ hãy giả vờ bước qua thập giá để cho quan có cớ mà tha, còn sau đó về nhà thì muốn sao tuỳ ý; nhưng các thánh tử đạo vẫn không chấp nhận một thoả hiệp như thế. Các ngài vẫn khẳng khái nói không. Không bước qua thập giá, không bỏ đạo, không chối Chúa.
Nói không trước những cực hình dã man và khủng khiếp nhất
Ðể uy hiếp các kitô-hữu và ép buộc các ngài bỏ đạo, ngoài những lời thuyết phục và dụ dỗ, vua quan ngày xưa còn áp đặt những cực hình man rợ và hết sức khủng khiếp để uy hiếp các ngài: bắt mang gông cùm nặng nề, bị giam nhốt trong ngục tối với rắn rết, muỗi mòng ghê sợ, chịu thiêu đốt, chịu thắt cổ, chịu chém đầu, chịu phanh thây, chịu án lăng trì (tức bị chặt tay, chặt chân trước rồi mới chém đầu sau), và khủng khiếp hơn cả là án bá đao như quan quân đã bắt cha Marchand Du phải chịu: chịu xẻo từng miếng thịt theo tiếng trống, cho đủ trăm miếng rồi mới chém đầu, moi ruột moi gan...
Dù vậy, các thánh tử đạo đã kiên quyết nói không: không chối Chúa, không bỏ đạo cho dù phải đổ máu, phải chịu xẻ thịt phanh thây, phải hy sinh mạng sống mình.
Nói không với tội lỗi
Ngày hôm nay, không ai dùng bạo lực, dùng những cực hình man rợ bắt chúng ta bỏ đạo hay chối Chúa như các thánh tử đạo ngày xưa. Vì thế, chúng ta không cần nói không trước những hăm doạ, đòn vọt hay án chết như các ngài.
Nhưng chúng ta cũng phải đương đầu với những thách thức mới. Ðó là những cám dỗ, những lôi cuốn của tội lỗi làm chúng ta đi trệch con đường của Chúa Giê-su, đi lạc ra khỏi đạo lý của Người.
Noi gương các anh hùng tử đạo Việt Nam, chúng ta hãy can đảm nói không với các tệ nạn xã hội, với các thói hư tật xấu, với những lời quyến rũ của bạn bè xấu...
Muốn nâng lên được những tạ nặng, các lực sĩ cử tạ phải tập nâng những tạ nhẹ trước. Muốn giải được những bài toán khó, các học sinh phải tập làm những bài toán dễ trước. Những lực sĩ muốn nhảy thật cao thì trước tiên phải tập băng mình qua những mức thấp trước.
Tương tự như thế, để có thể nói không trước những cám dỗ lớn lao sẽ đến trong cuộc đời, trước những cái ác, cái xấu lôi kéo quyến rũ chúng ta nay mai, chúng ta phải tập nói không với các cám dỗ nho nhỏ xảy ra hằng ngày trước.

Thứ Ba Tuần XXXIV Thường Niên - Ngày 24/11: Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo (Các Thánh tử đạo Việt Nam, Bổn mạng Hội Thánh tại Việt Nam)
Lời Chúa: 
 Mt 10,17-22
17 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, 18 và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. 19 Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: 20 vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. 21 Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. 22 Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ".
Nguyện xin các anh hùng tử đạo Việt Nam cầu bầu cùng Chúa cho chúng con, để chúng con luôn biết noi gương các ngài, anh dũng nói không với tội lỗi và các cơn cám dỗ, cho dù phải chịu mất mát thua thiệt trong cuộc sống đời nầy, để mai sau xứng đáng được lãnh vòng hoa chiến thắng và chung hưởng vinh quang với các Ngài trên Thiên quốc.

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

BỎ VÀO TẤT CẢ

Khi Cha Sở Gioan Maria Vianney xây nhà thờ có một bà cụ nghèo đến nhà thờ xin bỏ tiền giúp nhà thờ. Cha biết nhiều về hoàn cảnh khó nghèo của Bà. Cha nói : "Con đem về đi, có nhiều người phụ giúp cho nhà thờ rồi". Nhưng bà cụ nhà nghèo trả lời với Cha Gioan Maria Vianney.
"Thưa Cha, nếu tiền con không đủ mua được một vật dụng gì cho nhà thờ, thì xin cho con góp vào một viên gạch lát nền nhà thờ, để khi Chúa đến trong nhà thờ, Chúa cũng thấy viên gạch con đóng góp vào nhà thờ" (Bài giảng của Cha Sở Bình Lợi sáng 23/11/2015)

Mẹ Têrêsa Calcuta cũng có lần kể lại một câu chuyện tương tự: "Một năm nọ, có một người phụ nữ nghèo đến gõ cửa xin giúp đỡ. Người đàn bà cho biết rằng bà có tám đứa con nhỏ và từ nhiều ngày qua, trong nhà không còn một hột gạo. Mẹ Têrêsa lấy gạo trao cho người đàn bà. Số gạo vừa đủ cho bà và các con bà. Nhưng trước sự ngạc nhiên của mẹ, người đàn bà xin một bao trống, chia số gạo làm hai rồi giải thích rằng bên cạnh nhà bà còn có một gia đình Hồi giáo cũng không còn gạo ăn từ nhiều ngày qua".
Người đàn bà nghèo muốn chia sẻ một nửa những gì mình đang có cho người láng giềng của mình. Chúng ta có thể học được nhiều bài học từ những câu chuyện trên đây. Những người đàn bà góa và người nghèo nói chung, có thể dạy chúng ta ý thức về sự lệ thuộc vào Chúa. Họ nói với chúng ta rằng sống qua ngày quả là một nỗi khốn khổ, nhưng có Chúa luôn lo liệu mọi nhu cầu cần thiết cho chúng ta. Họ nhắc nhở chúng ta rằng mỗi ngày qua đi không biết bao nhiêu ân phúc Chúa ban, nhưng không được chúng ta nhìn nhận và đáp trả với lòng biết ơn, và cho chúng ta thấy rằng của cải vật chất có thể là những xiềng xích đang trói buộc chúng ta, và càng có ít, con người càng có cơ may để sống hạnh phúc hơn. Nhưng quan trọng hơn cả, bài học mà chúng ta có thể học được nơi những người đàn bà góa trên đây, cũng như từ những người nghèo nói chung là càng trao ban, chúng ta càng hạnh phúc. Trao ban những gì mình có đã đành, nhưng trao ban chính bản thân mới đích thực là trao ban. Một quà tặng không bao hàm người tặng thì chỉ là một món quà chơi trội. Cho là cho chính bản thân. Ðó chính là cách cho của Chúa Giêsu. Ngài trao ban thịt máu Ngài cho chúng ta. Ðược Ngài nuôi dưỡng bằng thịt máu Ngài, ước gì các tín hữu Kitô chúng ta cũng trở thành những kẻ trao ban một cách quảng đại.https://www.catholic.org.tw/vntaiwan/hangngay/ngay205.htm
Chúa muốn dạy chúng ta, khi cho đi là cho tất cả. Mọi sự đã có Chúa lo liệu, không lo sợ điều gì trước mặt Chúa. Của cải, sự sống, sự chết... tất cả những gì ta có, đều là Chúa ban cho, nhưng khi trao lại cho Chúa, cho kẻ khác, ... ta luôn toan tính đủ mọi cách ... Vì lòng tin ta còn ở xa Chúa nhiều lắm...
Lời Chúa: (Lc 21,1-4)
Ngước mắt lên nhìn, Đức Giê-su thấy những người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền.2 Người cũng thấy một bà goá túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm.3 Người liền nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết.4Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”
Lạy Chúa, xin thêm lòng kính yêu Chúa thật nhiều trong Đức Tin của chúng con, để chúng con không còn ngần ngại khi làm việc gì cho Chúa. Để chúng con luôn tin là Chúa đang dõi theo chúng con từng phút , từng giây... 
Không bao giờ Chúa để chúng con phải thất vọng trong niềm tin tuyệt đối của chúng con luôn dâng về Chúa.
 (Kinh dâng hiến của thánh I-Nhã)
Lạy Chúa,
xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,
và trọn cả ý muốn của con,
cùng hết thảy những gì con có,
và những gì thuộc về con.
 Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,
lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.
 Tất cả là của Chúa,
xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.
 Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.
Ðược như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen.

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015


VUA CHÂN LÝ


CHÚA GIÊSU KITÔ LÀ VUA VŨ TRỤ
Ngày lễ tuyên thệ nhậm chức của tổng thống Hoa Kỳ là một đại lễ, cũng là một biến cố lịch sử của quốc gia, được nhiều người theo dõi. Trong ngày đó, sau những lời tuyên thệ nói lên tự do, quyết tâm và lòng trung thành tuyệt đối với tổ quốc, tổng thống có một bài phát biểu hết sức quan trọng để ngỏ lời với toàn thể quốc dân, cũng như nói lên những quan tâm và mục tiêu mà ông sẽ theo đuổi. Có lẽ chỉ có cuộc nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ là cuộc lễ được thế giới quan tâm nhiều nhất, vì tổng thống Hoa Kỳ là người có ảnh hương lớn nhất trên thế giới. Mặc dù là một quốc gia dân chủ, tổng thống không phải là vua, nhưng ông lại là một trong những người quyền lực nhất thế giới không khác gì một vị vua ngày xưa.

Hôm nay, Kinh Thánh cũng kể về một ngày lễ đăng quang của một vị vua trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Vị vua này dõng dạc tuyên bố: Tôi là Vua, trong khi hai tay đang bị trói, thân hình đã bị bầm giập vì những trận đòn. Đó chính là Vua Giêsu mà chúng ta tôn vinh Ngài là Vua Vũ Trụ. Trong ngày Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là vua, thì trước mặt Ngài không phải là cử tri ủng hộ, mà là một đám dân đang điên cuồng gào thét đòi giết Ngài. Bên cạnh Ngài không phải là những vị quan cận thần, mà là Philatô, kẻ đang hạch hỏi Ngài, và những đám lính hung tợn đã đánh đập Ngài. “Bài diễn văn” nói lên mục tiêu của Ngài không phải là những hứa hẹn về đường lối chính trị, kinh tế, nhưng là làm chứng cho Sự Thật. Trong khi đó, người Do Thái la hét phản đối vì họ không chấp nhận Chúa là vua của họ.
Chúa Giêsu không phải vị vua quyền lực theo kiểu thế gian, nhưng Ngài là Vua vũ trụ. Ngài là vua vì chính Ngài là Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên vũ trụ và muôn loài muôn vật. Ngài đã dựng nên vũ trụ từ hư vô, Ngài còn tiếp tục quan phòng và điều khiển vũ trụ theo một trật tự lạ lùng kỳ diệu. Ngài nắm giữ giềng mối sự sống của hết mọi vật mọi loài, Ngài “buông tay” ra, mọi vật sẽ trở về hư không. Chính vì thế, Ngài là Vua và muôn vật cùng cả vũ trụ này hoàn toàn lệ thuộc vào Ngài.  
Nếu như một vị vua trần gian là người có công đem lại tự do và hạnh phúc cho dân tộc và xây dựng nên quốc gia, thì Vua Giêsu cũng thế. Khi cả nhân loại và vũ trụ chìm ngập trong đau khổ của tội lỗi và sự chết, Hoàng Tử Giêsu đã vâng lời Thiên Chúa Cha đến trần gian. Ngài loan báo cho nhân loại Tin Mừng giải thoát, Ngài cũng loan báo cho mọi người biết họ được Thiên Chúa là Cha yêu thương, và mỗi người phải sống tình con thảo với Thiên Chúa. Hoàng Tử Giêsu đã miệt mài xây dựng và mời gọi tất cả mọi người gia nhập vương quốc Nước Trời, trở thành công dân của Nước ấy. Ngài chỉ cho mọi người biết sống đúng với tư cách là công dân Nước Trời qua việc thực thi các điều luật của Tin Mừng và Hiến chương Nước Trời. Ngài đã cứu thế giới bằng cách chấp nhận cái chết trên thập giá và đã sống lại để tiêu diệt sự chết và quyền lực của ma quỷ, đem lại cho con người sự tự do của con cái Thiên Chúa. Sau khi phục sinh, Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Ngài và đặt Ngài làm đầu và làm trưởng tử của mọi loài mọi vật.

Ngày nay có nhiều người, nhiều gia đình đã đặt tiền bạc, công việc, quyền lợi... vào các thần của dân ngoại tôn họ làm vua, làm chúa của mình. Họ dễ dàng quỳ gối, cúi đầu trước sức mạnh của các thứ vua vật chất mà bỏ cả giới răn, lề luật cuả Vua Giêsu.
Có người còn ngần ngại phải tỏ ra mình là công dân Nước Trời, là thần dân của Vua Giêsu. Vì thế họ không dám mạnh dạn làm chứng về vị Vua Chân Lý, Vua Sự Thật ấy, mà chính họ là thần dân. 
Họ sống trong gian dối. Gian dối với chính lương tâm của mình, và gian dối với người khác. Nhất là trong thời buổi tràn lan sự gian dối này.

Chúa Nhật 34 Thường Niên Năm B - Lễ Chúa Giêsu Kitô - Vua vũ trụ
Lời Chúa: 
 Ga 18,33b-37
33 Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: "Ông có phải là Vua dân Do-thái không?" 34 Chúa Giêsu đáp: "Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?" 35 Philatô đáp: "Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?" 36 Chúa Giêsu đáp: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này". 37 Philatô hỏi lại: "Vậy ông là Vua ư?" Chúa Giêsu đáp: "Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi".
Lạy Chúa, xin cho con suốt đời được làm thần dân của Ngài. Nếu có một lúc nào đó con đi sai con đường con đã chọn, thì xin hãy cứu vớt con, xin hãy bắt con quay về chịu hình phạt dưới chân Chúa. Xin đừng để con phải thờ bái một vị thần nào của thế gian. Mà phải luôn trung thành với Vua Giê su của con. Vị Vua đầy tình yêu, công minh và dạy dỗ chúng con phải sống trong sự thật đầy yêu thương.
Xin Chúa Giêsu làm Vua luôn mãi ngự trị trong tâm hồn chúng con, trong gia đình và trong cộng đoàn của chúng con. Xin Ngài hướng dẫn chúng con luôn sống xứng đáng là thần dân của Ngài. Amen

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015


THỰC THI Ý CHÚA


Khi danh tiếng của Minh Sư đã lan rộng khắp vùng, có một thanh niên thiện chí đã băng rừng vượt suối đi tìm gặp Minh Sư để kiểm chứng cho rõ thực hư về danh tiếng đã đồn đãi về Ngài. Người thanh niên tìm đến tu viện và hỏi một đệ tử:
- Minh Sư của anh đã làm được những phép lạ nào?
Người đệ tử trả lời rằng:
- Này ông bạn, có những phép lạ khác nhau. Trong xứ của bạn, có lẽ người ta cho rằng phép lạ xảy ra khi Thiên Chúa làm theo ý muốn của một người. Còn trong xứ chúng tôi, người ta tin rằng phép lạ xảy ra khi một người thi hành Thánh Ý của Thiên Chúa
(Anthony de Mello – trích trong One Minute Wisdom)
Thi hành Thánh Ý Chúa, không phải là chuyện dể. Chính Chúa Giêsu năm xưa trong vườn Cây Dầu cũng đã thốt lên: "Lạy Cha xin cất chén đắng này đi, nhưng xin theo ý Cha đừng theo ý Con". 
Vì thế hằng ngày trong giờ cầu nguyện chúng ta phải liên lĩ xin: Xin cho con được làm theo Thánh Ý Cha" Nhờ Chúa giúp sức để chúng ta biết vâng nghe lời Chúa mà vác thánh giá cuộc sống hằng ngày của chúng ta cho tốt đẹp.
Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta gặp nhiều bất hạnh, nhiều phiền não ... nhiều đến độ chúng ta chỉ biết gục đầu xuống khóc than ...tất cả những điều đó cũng là Thánh Ý Chúa. Hãy ngước trông lên Chúa và thưa với Chúa "Xin giúp con , cho con biết chu toàn những điều Chúa sắp đặt trong cuộc sống con.
Chính Mẹ Maria là tấm gương Vâng Phục Thánh Ý Chúa tuyệt đối để ta noi theo. Cuộc đời của Mẹ chỉ gói trong trong câu thưa cùng Thiên Sứ: "Tôi xin vâng như lời Sứ Thần truyền cho tôi...".
Những kẻ bất tuân Thánh Ý Chúa thì chịu hậu quả vô cùng đớn đau, như Ông Adong vì tội không vâng nghe Thánh Ý Chúa mà mang tội Tổ Tông truyền cho đến đời con, đời cháu, đời đời...

Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên - Ngày 21/11: Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ
Lời Chúa: 
 Mt 12,46-50
46 Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. 47 Có kẻ thưa rằng: "Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia". 48 Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?" 49 Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: "Đây là mẹ Ta và là anh em Ta, 50 vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy".
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn tròn bổn phận là người con ngoan trước mặt Thiên Chúa. Cho chúng con  biết dâng tất cả những khổ đau những bất hạnh của cuộc sống này mà phó thác về Chúa, để Chúa dìu dắt,  chỉ bảo những việc chúng con phải làm. 
Làm theo Thánh Ý Chúa, là trở thánh thân yêu của chúa, là gia đính của Chúa, chi thể của Chúa. Xin giúp chúng con noi gương Mẹ sống xứng đáng là con của Chúa như Mẹ đã sống. Đã làm cho Chúa hài lòng về Mẹ . Mẹ ơi! Xin giúp chúng con! Amen