Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016


THÁNH THẦN SẼ DẠY CÁC CON 



Trong triều đình nhà vua kia, có hai họa sĩ tài ba, nhưng luôn đố kỵ nhau. Một hôm nhà vua phán: “Ta muốn phán quyết dứt khoát ai trong hai là người giỏi nhất”. Vậy hai người vẽ mỗi người một bức tranh theo cùng một đề tài là “bình an”. Hai họa sĩ đồng ý. Một tuần sau họ trở lại đem theo bức họa của mình trình lên đức vua.
Bức họa của người thứ nhất vẽ một quang cảnh thơ mộng: đồi núi nhấp nhô bao quanh một hồ nước rộng lớn, mặt nước phẳng lặng, không gợn sóng. Toàn cảnh gợi lên một cảm giác thanh thoát, thoải mái. Xem xong, nhà vua nói: “Bức họa đẹp nhưng nó làm ta buồn ngủ quá”.
Bức họa của người thứ hai là một thác nước. Hình ảnh rất sinh động như nghe được tiếng thác nước đổ ầm ầm xuống vực thẳm. Nhà vua nói:
– Đây, đâu phải cảnh bình an.
– Xin bệ hạ nhìn kỹ chút nữa
Vua khám phá thấy một cành cây nép mình sau thác lũ, có một tổ chim. Trong tổ, chim mẹ đang ấp trứng, đôi mắt nửa nhắm nủa mở. Chim mẹ bình thản chờ các con mình nở ra. Nhà vua nói: “Ta rất thích bức tranh này, nó đã chuyển tải được ý tưởng độc đáo về bình an”. Sống bình an giữa những xáo trộn của cuộc đời. Vua đã tôn vinh họa sĩ này là họa sĩ tài giỏi nhất triều đình.
Bình an của Chúa Giêsu ban là sự an lành trọn vẹn cả tâm hồn lẫn thể xác. Bình an là tình trạng thoải mái, an vui của một tâm hồn sống trong tương quan hài hòa với Chúa và với anh em! Đó là sự bình an đích thực. Sự bình an đặt nền tảng trên tình thương và sự công chính. Thực tế cho thấy không thể có bình an cho kẻ dữ, người gian ác, tội lỗi, người bất lương. Lương tâm họ luôn bị cắn rứt, dày vò như kẻ sát nhân, chẳng hạn như trường hợp Cain giết Abel.
– Có những người luôn sống bình an giữa bao thăng trầm sóng gió của cuộc đời như ông Gióp có sự bình an, khi ông gặp gian khổ, tai họa trong đời “Chúa cho, Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng Chúa. Mình biết đón nhận những ơn lành của Chúa, tại sao những điều dữ lại không biết đón nhận”.
– Thánh Phaolô, thánh Phêrô bị bắt bớ, tra tấn, tù đầy… Các ngài luôn có sự bình an trong tâm hồn “Chúng tôi vui mừng vì được chịu bách hại vì danh Đức Giêsu Kitô”.
– Các Thánh Tử Đạo Việt Nam rất hạnh phúc và an bình khi bị đưa ra pháp trường hành hình. Các ngài còn ao ước được chết tử vì đạo để được về thiên đàng như thánh Phêrô Cao đã cầu nguyện: “Xin cho con chịu đau khổ vì danh Đức Giêsu Kitô, được đón nhận nghành lá tử đạo để về tới thiên đàng”. Như thế, bình an trong tâm hồn là hệ quả của việc chiếm hữu Nước Trời” (Tv 85, 11; 119; 165).
Chúa Nhật VI mùa Phục Sinh - Năm C
Lời Chúa: 
 Ga 14,23-29
23 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy.24 Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Đấng đã sai Thầy. 25 Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con.  26 Nhưng Đấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. 27 Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. 28 Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. 29 Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin".
Lạy Chúa Ba Ngôi, xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Người trong lòng chúng con, trong lòng Giáo hội, và trong lòng thế giới:
Để chúng con luôn yêu mến và tuân giữ Lời Người.
Để chúng con được soi sáng và hướng dẫn bởi Thánh Thần.
 Xin ban Thánh thần là nguồn mạch tình yêu xuống cho chúng con, để Người giúp chúng con luôn sống bác ái yêu thương như Chúa đã dạy. Amen

THẦY ĐÃ CHỌN CÁC CON 


Bác sĩ phân tâm học lừng danh C. Jung đúc kết những phát kiến của mình trong một câu nói nổi tiếng: “Điều duy nhất ta phải sợ trên thế gian này là con người.” Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su đã báo trước cho các môn đệ biết số phận của họ: bị ghét bỏ, bị bách hại, thậm chí bị giết chết. Thầy của họ bị người đời đối xử thế nào, số phận của họ cũng sẽ như vậy. Thế gian ghét bỏ họ, vì họ sống giữa thế gian, nhưng lại không thuộc về thế gian: Họ lại được Thầy mình được sai vào thế gian, để biến đổi thế gian. Muốn biến đổi thế gian hư  hỏng ấy, họ phải sống khác người, một điều tối kỵ với người đời, một lý do khiến họ bị ghét cay ghét đắng, bị nghi kỵ, và rốt cuộc bị loại trừ.
 “Với thế giới này, bạn quá tốt lành, và vì thế cuối cùng thế giới ấy sẽ nghiền nát bạn” (nhà văn P. Auster). Sống tốt lành theo niềm tin Ki-tô giáo hôm nay là thật sự lội ngược dòng đời, một dòng đời chạy theo cá nhân chủ nghĩa, ích kỷ hưởng thụ, tôn sùng vật chất. Bị cười chê, chống đối... bạn đừng ngạc nhiên và thối chí, nhưng hãy kiên vững, vì giúp bạn giống Thầy mình hơn.

Sứ mạng của Đức Kitô bao gồm một sự hiểu biết cụ thể về những ai thuộc về Người. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng” (Ga 10,27). Đây là một sự hiểu biết đến từ đức tin và sự tín nhiệm. Thực vậy, người mục tử là người duy nhất mà đàn chiên tín nhiệm. Đó là lý do tại sao chiên đi theo người ấy. Người ấy biết chính xác từng con chiên. Mỗi con chiên đều ở trong tâm tư của người ấy. Và chỉ người ấy mới có thể trả giá cho mỗi con chiên.
Giá ở đây, với Đức Kitô, là Thập Giá: “Người mục tử thí mạng mình vì chiên”. Đức Kitô biết rằng chiên của Người được định liệu để chia sẻ sự sống vĩnh cửu trong Người: “Chúng theo tôi. Và tôi ban cho chúng sự sống đời đời.” (Ga 10,27-28).
Thứ Bảy tuần V mùa Phục sinh
Lời Chúa: 
 Ga 15,18-21
18 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước. 19 Nếu các con thuộc về thế gian, thế gian sẽ yêu những gì thuộc về nó, nhưng các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con. 20 Các con hãy nhớ lại lời Thầy đã nói với các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ đã bắt Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con; nếu họ tuân giữ lời Thầy, thì họ cũng tuân giữ lời các con. 21 Tại vì danh Thầy mà họ sẽ làm cho các con tất cả những điều đó, bởi vì họ không biết Đấng đã sai Thầy".
 Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã thẳng thắn báo trước số phận bi hùng của những người muốn làm môn đệ Chúa. Xin cho con ý thức mình sống giữa thế gian, nhưng không thuộc thế gian, mà thuộc về Nước Trời. Xin ban thêm sức mạnh để con can trường sống khác cung cách thế gian, và chỉ theo cung cách môn đệ Chúa. Amen.

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016


HÃY YÊU MẾN NHAU 


http://tgpsaigon.net/suy-niem/20160428/34627http://tinvuixuanloc.vn/Watch_- suy-niem-thu-sau-tuan-v-phuc-sinh-nam-c-yeu-nhu-chua-yeu-nt-madalena-nguyen-thi-lan-.o.p_503.aspx
Từ 23 tháng chạp đến tết, đất nước Trung Quốc nhộn nhịp hẳn lên vì chuẩn bị cầu phúc. Trong những ngày này, Lố Tấn gặp thím Tường Lâm. Thím là một nông dân cần cù. Chồng trước thì chết sớm, chồng sau chết vì bị thương hàn, thằng con nhỏ thì bị chó sói vồ... Họ còn đồn rằng mai sau thím sẽ bị cưa đôi để chia cho hai con ma chồng. Thím luôn phải sống trong sợ hãi. Ai cũng coi thím là đồ ô uế. Chủ nhà không cho thím sờ tay vào các lễ vật, dù đó chỉ là cái chân đèn... Thím từ từ suy sụp và sinh hoảng loạn.
Lỗ Tấn thấy thím, tóc trắng toá, tay sách cái làn tre, trong có cái bát mẻ không đựng gì, tay kia cầm cây gậy trúc đầu dưới toe toé, lang thang trên đường, miệng lẩm bẩm gọi tên đứa con mình...
Tiết trời lạnh lẽo, thím nằm chết trên một đống tuyết vừa lúc giao thừa đến, pháo nổ vang trời. Các gia đình giàu có mở cửa ra, thấy vậy quát lên: "Tại sao chết vào lúc tao đang cầu phúc?"
Trong cuộc sống hôm nay, hơn bao giờ hết, con người cần “nhân chứng” hơn là “lời chứng”.Vì vậy muốn yêu như Chúa yêu chúng ta, chúng ta phải hành  động như Chúa đã làm gương cho chúng ta qua đời sống trần thế của Ngài “yêu đến cùng”, hy sinh cả “tính mạng” vì chúng ta. Bởi “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2, 17). Hơn nữa, “Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20). 
Vậy là những môn đệ của Chúa, những người được Chúa tuyển chọn, những người muốn theo Chúa, tuân giữ luật Chúa. Chúng ta đã và đang làm gì để bày tỏ tình yêu của mình “yêu như Chúa yêu” qua tha nhân, những người mà chúng ta gặp gỡ, tiếp xúc
Thứ Sáu tuần V mùa Phục Sinh - 29/4: Thánh Catarina Siêna
Lời Chúa: 
 Ga 15,12-17
12 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. 13 Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. 14 Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. 15 Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. 16 Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi, và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. 17 Thầy truyền cho các con điều này là: các con hãy yêu mến nhau".
Lạy Chúa, “yêu như Chúa yêu”, nói thì dễ nhưng thực hành không dễ tí nào vì khoảng cách xa nhất là khoảng cách từ “đầu” đến “tay”. Như Thánh Phao lô đã từng có kinh nghiệm: “điều tôi muốn thì tôi không làm nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm”(Rm 7,15). Xin Chúa ban cho chúng con một đức tin vũng mạnh để chúng con vượt qua những thử thách của thời đại khoa học văn minh nhưng thiếu tình người. Một đức mến trung kiên để biết yêu Chúa qua tha nhân, biết bênh vực, yêu thương và tôn trọng phẩm giá mọi người nhất là những người bị ruồng rẫy, bị đẩy ra bên lề xã hội, những người con khó ưa, đặc biệt là những kẻ ghét con hay kẻ thù con. Đồng thời ban cho con lòng cậy trông , phó thác vào tình yêu của Chúa để chúng con sống quảng đại, vị tha và biết chia sẻ, cho đi tất cả sức lục, thời gian, tiền của cho tha nhân với một tình yêu thương chân thật trìu mến là“yêu như Chúa yêu chúng con” 

Lạy Chúa, đặt biệt hôm nay con cầu xin Chúa cho các nhà lãnh đạo VN, biết yêu thương con dân mà họ đang cai quản. Nhất là những vùng Biển dân cư sinh sống, đang nhiễm độc trầm trọng....
Cho họ thấy được trách nhiệm của mình ... là làm sao cho dân được sống An Cư Lạc Nghiệp. Đừng vô cảm trước sự thương tâm của dân lành đang phải gánh chịu... Amen

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016


TÌNH YÊU CỦA THẦY 


Sứ điệp ‘Tình Yêu’ hôm nay lại một lần nữa Chúa muốn gửi đến mỗi người chúng ta. Không còn sự chọn lựa nào khác nếu chúng ta muốn ở trong Thầy, thì “phải giữ lời Thầy”; mà sứ điệp của Chúa nhắn gửi là giới luật “yêu thương”.
Theo Tin Mừng Ga 15,9-11, Chúa Giêsu nói cho các môn đệ của Ngài về tình yêu. Tình yêu này bắt nguồn từ Chúa Cha -Đấng là cội nguồn tình yêu. Tình yêu có tính chuyển thông. Lý luận của Chúa Giêsu thật rõ ràng: Chúa Cha đã yêu mến Chúa Con và Chúa Con cũng yêu mến các môn đệ của Ngài bằng chính tình yêu này. Tuy nhiên, Ngài còn cho biết thêm điều kiện này, là để “ở lại trong tình yêu” thì phải tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa. Chính Ngài đã ở trong tình yêu này bằng cách tuân giữ giới răn của Chúa Cha. Thánh Phaolô cũng chứng minh về Chúa Giêsu như sau: “phận là Con, Ngài cũng học biết vâng phục, vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá”. Nhờ yêu mến và vâng phục Chúa Cha, Ngài đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng. Cũng thế, Ngài muốn các môn đệ của Ngài ở lại trong tình yêu này bằng cách tuân giữ giới răn của Ngài. “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy".
Khi lãnh nhận phép rửa tội, chúng ta trở nên Kitô hữu, nên môn đệ của Đức Kitô. Chúng ta ở lại trong Ngài khi chúng ta tuân giữ luật Chúa được tóm lại trong hai giới răn mến Chúa - yêu người. Tuy nhiên, trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta tự mình xa cách Chúa bằng các việc làm tội lỗi trái với các giới răn Chúa dạy, nhất là giới răn yêu thương. Trái tim chúng ta quá nhỏ để trải lòng ra với anh chị em mình. Đôi tay chúng ta qúa ngắn để không vươn tới những người thân cận.  Đôi chân của chúng ta quá ngắn để không thể đi đến với anh chị em mình nhất là những người đang cần chúng ta. Và đôi môi chúng ta cũng quá ngượng ngùng để nói lời yêu thương, xin lỗi, tha thứ với anh chị em mình.
Thứ Năm tuần V mùa Phục sinh
Lời Chúa: 
 Ga 15,9-11
9 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. 10 Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. 11 Thầy nói với các con điều đó, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn".
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa tha thứ cho chúng con vì nhiều lần chúng con xa cách Chúa. Xin cho chúng con luôn biết ở lại trong tình yêu của Chúa bằng thái độ yêu mến và tuân giữ luật Chúa. Đặc biệt trong Năm Thánh Hồng Ân này, là cơ hội để chúng con thực thi lời Chúa dạy một cách thiết thực hơn. Có như thế đời sống chúng con hôm nay phản chiếu tình yêu của Ngài cho mọi người chúng con gặp gỡ. Amen.

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016


GẮN LIỀN VỚI CHÚA 


Dụ ngôn cây nho và cành nho cho thấy rằng để được sống và trổ sinh hoa trái, người Ki-tô hữu phải liên kết mật thiết với Chúa Ki-tô. Đón nhận Lời Chúa, ở lại trong tình yêu của Chúa, đó là những điều kiện để đời sống người tín hữu sinh nhiều hoa trái.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu nói lên một tương quan bền chặt, cần thiết và hữu ích giữa ta với Ngài, như cành nho gắn liền với cây nho. Như thế, sự triển nở của đời ta sẽ hệ tại ở thái độ “ở lại” của ta trong tương quan với Chúa, như chính sức sống của cành nho khi còn tháp chặt vào cây nho.
Phải chăng, đây đó vẫn còn những Kitô hữu còn nặng nề trong niềm tin vào sự bói toán, rủi may? Trong những khốn khó của đời mình, ta dễ rơi vào thái độ cậy dựa vào sức mạnh của những thế lực trần gian hay một thế lực ngoài Chúa. Có những lúc, niềm tin của ta trở nên chao đảo hay nhợt nhạt, như cành nho khô héo
Mong sao, ơn thánh qua các bí tích mà ta siêng năng nhận lãnh, sẽ giữ ta luôn bền chặt trong ân nghĩa Chúa.
Mong sao, ngày sống của ta luôn có những khoảnh khắc “ở lại trong Thầy”: đó là những phút giây ta kết hiệp, hướng lòng, tiếp xúc với Chúa khi khởi sự một ngày mới và khi khép lại một ngày đã qua.

Thứ Tư tuần V mùa Phục sinh
Lời Chúa: 
 Ga 15,1-8
1 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2 Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. 3 Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. 4 Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy. 5 Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. 6 Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được. 8 Đây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy".
Lạy Chúa, chỉ vì muốn cho con được sống mà Chúa kêu mời con kết hiệp với Chúa. Con cảm nhận tình yêu cao vời của Chúa dành cho con. Xin Chúa cho con luôn sống xứng đáng với tình yêu thương vô cùng của Chúa.  Amen

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

BÌNH AN


Một trong những cuốn phim nói về sự bí ẩn của tuổi thơ: đó là cuốn phim có tựa đề "người sói". Cuốn phim xây dựng trên một câu chuyện có thực xảy ra tại Pháp vào cuối thế kỷ 18. Một đứa trẻ đã bị thất lạc trong rừng từ lúc lọt lòng mẹ.
Mười hai năm sau, khi người ta tìm gặp nó giữa rừng, thì đứa bé không khác nào một con thú. Người ta không thể nào giao thiệp gặp gỡ với nó được. Tất cả những gì một nhà giáo, một bà vú nuôi có thể làm được chỉ là chuẩn bị thức ăn và đặt vào trong xó bếp để đứa bé tìm đến và liếm thức ăn như một con thú... Mọi người dường như bó tay, không còn cách nào để đưa nó ra khỏi đời sống hoang dã của nó.
Và một ngày kia, nó đã trốn thoát. Mọi người thở dài trước thất bại của mình... Tình cờ, vì đói, nó đã trở ra xóm làng và một lần nữa người ta đã bắt lại được nó. Người ta mang nó đến nhà giáo và người được chỉ định đến gần nó để hỏi han, trò chuyện chính là vú nuôi. Bà cố gắng dùng ngôn ngữ thô sơ của mình để nói chuyện với đứa bé. Gương mặt của nó như bất động. Nhưng bỗng nhiên, trước sự ngạc nhiên của mọi người, đứa bé nắm tay người đàn bà. Nó nhìn bà một hồi lâu và trong thinh lặng. nó cầm hai tay người đàn bà áp lên mặt mình...
Lúc đó, người ta chỉ còn thấy những giọt nước mắt từ từ lăn trên gò má của hai khuôn mặt...
Cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người cũng diễn ra như thế. Nó nằm ra bên ngoài tất cả những dự đoán và tính toán của chúng ta. Thiên Chúa không bao giờ là đối tượng của những tính toán khoa học. Thiên Chúa cũng không là kết luận của những suy tư uyên bác. Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta trong những cái bất ngờ nhất. Thiên Chúa ở trong chúng ta, nhưng đồng thời cũng thoát khỏi tầm tay với của chúng ta... Nói tóm lại, chúng ta không thể chiếm hữu Thiên Chúa như một sự vật, nhưng trái lại chúng ta phải chiến đấu không ngừng để nhận ra Ngài trong những cái tầm thường và bất ngờ nhất của cuộc sống...
Tin Mừng cho chúng ta thấy nhiều phản ứng khác nhau của con người đối với Chúa Giêsu. Phần đông dân chúng chỉ nhìn thấy nơi Ngài như một người dân quê xuất thân từ cái miền nghèo nàn là Galilê. Những người trí thức thì nghiên cứu Kinh Thánh để rồi áp dụng những hiểu biết sách vở của họ vào con người Chúa Giêsu. Và, sĩ nhiên, những gì đã được Kinh Thánh nói đến, họ không tìm thấy nơi Chúa Giêsu... Một số khác thì đề nghị bắt giữ Chúa Giêsu vì Ngài là một tên lừa bịp...
Chúa Giêsu vẫn mãimãi là câu hỏi của chúng ta: "Còn các con, các con bảo Ta là ai?". Một câu hỏi như thế, chúng ta không chỉ trả lời bằng những kiến thức đã lĩnh hội được qua giáo lý, thần học, Kinh Thánh... Một câu hỏi như thế chỉ có thể được trả lời bằng một cuộc gặp gỡ thân tình với Ngài.
Cũng giống như người vú nuôi già và đứa bé người sói đã cảm thông với nhau trong thinh lặng và vượt lên trên tất cả những ngôn ngữ của loài người, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta đi vào thông hiệp với Ngài trong Ðức Tin.

Thứ Ba tuần V mùa Phục sinh
Lời Chúa: 
 Ga 14,27-31a
27 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. 28 Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy sẽ trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. 29 Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin. 30 Thầy không còn nói nhiều với các con nữa, vì thủ lãnh thế gian đã đến. Nó không có quyền lực gì đối với Thầy. 31 Nhưng để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Cha, thì Thầy làm như Cha đã truyền dạy".
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con bình an của Chúa, để chúng con sẵn sàng làm chứng tá của Chúa trên trần gian. 

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016


HÃY ĐI ... 



"Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy". Ðức Giêsu muốn nhấn mạnh mối liên kết giữa lòng yêu mến và sự trung thành với giáo huấn của Ngài. Không thể nói yêu Ngài nếu không nghe lời Ngài. Không thể thi hành lời Ngài trọn vẹn nếu không vì yêu Ngài. Tình yêu được biểu hiện cụ thể qua hành động tuân giữ trong sự tự nguyện.
Ðiều khát mong của Ðức Giêsu được bày tỏ qua lời trăn trối: "hãy yêu thương nhau". Yêu Chúa thật là yêu thật mọi người.

Thánh Macco là con của Maria. Một góa phụ giàu có ở Giêrusalem có một người giúp việc và căn nhà rộng rãi làm nơi tụ họp các tín hữu.
Năm 43, sau khi thoát khỏi ngục tù, thánh Phêrô đã chọn nhà này làm nơi trú ngụ (Cv 12,12-17). Như thế, Marcô sớm quen thuộc với những ghi nhận của thánh Phêrô. Hai năm sau, tức là năm 45, chúng ta thấy Marcô và thánh Barnaba cùng đi trong cuộc hành trình thứ nhất của Phaolô. Nhưng khi đoàn truyền giáo đi về hướng bắc, Marcô đã từ giã để trở về Giêrusalem (Cv 13,13). Phaolô bất bình và không muốn nhận cho Marcô đi theo trong cuộc hành trình thứ hai. Năm 50, như Barnaba đề nghị, Barnaba về phe với Marcô, và đáp tàu về Cyprus là quê hương của Barnaba (Cv 15,36-39).
Chúng ta không thấy nói gì đến Marcô nữa cho tới năm 61 khi Ngài ở Roma với Phaolô (Cl. 4,10), ba năm sau tức là năm 64 thánh nhân vẫn có mặt ở Roma vì Phêrô có nhắc tới tên Người trong các lời chào của mình (1Pr 5,13). Đây là năm thánh Phêrô chịu tử đạo. Ít lâu sau đó có lẽ thánh Marcô đã bắt đầu viết sách Phúc âm ở Roma, dầu một số tác giả mới đây cho rằng ngài ở Alexandri. Năm 67, thánh sử ở Ephesô vì một ít tháng trước khi qua đời, thánh Phaolô dặn dò Timothêô đưa theo Marcô đến Roma (2Tm 4,14). Mối bất hòa xưa đã được hàn gắn hoàn toàn.




Thứ Hai tuần V mùa Phục sinh - 25/04: Thánh Máccô, tác giả sách Phúc Âm
Lời Chúa: 
 Mc 16,15-20
15 Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi thụ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. 17 Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, 18 cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh".
19 Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa.20 Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban Thánh Thần đến dạy dỗ chúng con, để chúng con biết yêu Chúa một cách chân tình, biết trung thành thực thi giáo huấn của Chúa vì tình yêu mến chứ không phải do sợ hãi bó buộc. Chỉ có một điều làm chúng con lo lắng băn khoăn là chúng con sợ làm buồn lòng Chúa mà thôi. Amen.

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

NHƯ THẦY YÊU THƯƠNG 


Nếu kiểm điểm lại đời sống, xét mình về những lời nói, những cử chỉ và những việc làm đối với những người chung quanh, chúng ta sẽ thấy mình đã sai lỗi rất nhiều giới luật yêu thương của Chúa. Tôi nghĩ rằng Lời Chúa phán: Ngươi phải yêu thương anh em như chính mình ngươi, sẽ bao gồm tất cả và chi phối mọi liên hệ giữa người với người. Nếu chúng ta hiểu thấu đức bác ái và cố gắng thực hiện, chúng ta sẽ trở nên những người lịch sự, tế nhị và dễ thương.
Yêu thương anh em, nhiều người trong chúng ta cho rằng, lệnh truyền này có tính cách giáo điều, mang nặng tính chất đạo đức, không còn gây được những ấn tượng mạnh mẽ. Trong khi đó, cuộc sống thì biến đổi từng ngày và từng giờ. Người ta chú trọng đến những vẻ hào nhoáng bên ngoài. Những lời nói tuyên truyền. Tất cả làm thành như một lớp sơn, phết trên thanh gỗ mục. Trong khi đó tinh thần bác ái, tinh thần yêu thương vẫn cứ bị quên lãng, và không có một chỗ đứng quan trọng nào trong sinh hoạt thường ngày.
Bên Phi châu, có những bộ lạc, khi gặp nhau người ta chào nhau bằng câu: Tôi nhìn thấy bạn. Câu nói này đối với chúng ta không mang một ý nghĩa gì đặc sắc, nhưng nếu suy nghĩ một chút, chúng ta sẽ thấy được cả một quan niệm sống của dân bản xứ. Tôi nhìn thấy bạn, có nghĩa là tôi không tập trung cái nhìn ích kỷ trên bản thân tôi, tôi không coi tôi như là cái rốn của vũ trụ, nhưng tôi nhìn thấy bạn, với tất cả địa vị và giá trị của bạn.
Tôn trọng người khác, có lẽ đó là điều mà hiện nay chúng ta còn thiếu sót rất nhiều. Người khác không phải là một hòn đảo để cho tôi thám hiểm, cũng không phải là một trái chanh cho tôi vắt kiệt. Người khác là anh em của tôi, là hình ảnh của Thiên Chúa. Dù họ có xấu xa và tệ bạc đến đâu chăng nữa thì họ cũng đã được cứu chuộc bằng Máu Thánh Đức Kitô, thuộc về gia đình Thiên Chúa cũng như tôi. Trong gia đình này, Thiên Chúa là Cha và chúng ta là anh em với nhau. Nếu nhìn người khác như thế, chúng ta sẽ trở nên người Kitô hữu trưởng thành và sống đạo.
Một người ngoại quốc bước xuống xe điện. Ông ta hỏi thăm về địa chỉ với người mà ông ta gặp đầu tiên. Người ấy đã chỉ vẽ cặn kẽ rồi lại đi theo và xách hành lý cho ông ta tới tận địa chỉ mà ông ta định đến. Tò mò, ông ta bèn hỏi người ấy: Tại sao ông lại làm cho tôi như thế, đang khi tôi chỉ là một kẻ xa lạ. Rất đơn sơ và thành thật, người kia đã trả lời: Vì tôi là người Kitô hữu.
Là người Kitô hữu, chúng ta hãy yêu thương người khác trong Đức Kitô và vì Đức Kitô. Hãy yêu thương người khác, vì tất cả đều là anh em, đều có chung một Cha là Thiên Chúa ở trên trời.

Chúa Nhật V mùa Phục sinh - Năm C
Lời Chúa: 
 Ga 13,31-33a.34-35
31 Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: "Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. 32Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển.
33a "Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. 34 Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. 35 Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau".
Chúa Thánh Thần là Tình Yêu của Thiên Chúa. Xin Người đổ tràn Tình Yêu của Người xuống lòng chúng con, giúp chúng con sống điều răn Yêu Thương mới của Chúa Giêsu cho xứng danh môn đệ Chúa hơn. Amen

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016


CHA Ở TRONG THẦY


Truyện cổ Nhật Bản kể có đôi vợ chồng rất yêu thương nhau, họ sinh được một cô con gái hiền dịu và xinh đẹp giống mẹ như đúc. Một ngày người mẹ qua đời và trao lại cho con gái một chiếc gương soi với lời dặn “Khi soi gương con sẽ nhìn thấy mẹ và mẹ sẽ phù hộ con”. Hằng ngày cô gái cố gắng làm việc tốt và nói chuyện với mẹ trong gương: “Hôm nay con đã làm được điều tốt như mẹ mong muốn”.

Như bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu vừa cởi bỏ sợi dây thắt nút cho các tông đồ vừa giúp các ông mở mang hiểu biết tinh thần của Thiên Chúa. Sự kiện, ông philipphê thắc mắc: Xin Thầy tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha? Chúa Giêsu bắt đầu gõ rối: Philipphê, sao con lại hỏi xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, con không tin Cha ở trong Thầy và Thầy ở trong Cha hay sao, như Thầy đã nói: Ai thấy Thầy là thấy Đấng đã sai Thầy…còn bằng không cũng hãy nhìn các việc Thầy làm mà tin rằng đó là sự thật về Đấng đã sai Thầy. Đây là Mầu Nhiệm Ba Ngôi ? Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần: Cha – Con – Ơn sủng…ơn Ta đủ cho con…sự thông hiệp giữa các ngôi vị.
Thứ Bảy tuần IV mùa Phục sinh
Lời Chúa: 
 Ga 14,7-14
7 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người".
8 Philipphê thưa: "Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con". 9 Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: "Philipphê, Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha? 10 Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. 11 Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin, vì các việc Thầy đã làm. 12 Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm; người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha. 13 Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. 14 Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho".
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã từng nói: “ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Xin cho đời sống chúng con cũng phản ánh hình ảnh yêu thương của Chúa cho thế giới hôm nay. Amen.

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016


ĐẾN VỚI CHA


Trên hành trình về Nhà Cha của người Kitô hữu có rất nhiều chướng ngại vật do những tư tưởng và quyền lợi của thế gian; đôi khi cũng làm chao đảo, lung lay và xao xuyến đức tin. Chúa Giêsu biết rõ điều đó, nên Người mời gọi mỗi người chúng ta hãy vững tin vào Người. Vững tin vào Thiên Chúa. Niềm tin của mỗi người phải nhờ đến ơn Chúa Thánh Thần. Chính Bảy Ơn Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta có sự khôn ngoan, thông hiểu, sức mạnh; đặc biệt ơn Kính Sợ Thiên Chúa. Bởi vì Ngài là Tình Yêu luôn chờ đợi để tha thứ cho mỗi một người chúng ta.
Con người ham sống và sợ chết. Nếu phải đổi tất cả những gì con người có để khỏi phải chết và được sống muôn đời, họ sẽ sẵn sàng đổi; nhưng cái chết là một thực tại mà mọi người phải đương đầu với. Con người tự hỏi: Tại sao khát vọng sống ở trong con người mà cái chết luôn đeo đuổi họ? May mắn cho con người, Chúa Giêsu đến để cung cấp câu trả lời cho con người bằng cách cho mặc khải cho con người ý định của Thiên Chúa: Ngài dựng nên con người cho cuộc sống bất tử và có sẵn Kế Hoạch Cứu Độ để thực hiện điều này.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải cho các Tông-đồ biết về những gì sắp xảy ra cho các ông: Ngài về trời để dọn chỗ và sẽ trở lại đón các ông về ở với Ngài. Toàn bộ Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa có thể được tóm gọn trong câu tuyên bố của Chúa Giêsu: "Ta là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy."

Thứ Sáu tuần IV mùa Phục sinh
Lời Chúa: 
 Ga 14,1-6
1 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. 2 Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. 3 Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. 4 Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi". 5 Ông Tôma thưa Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?" 6 Chúa Giêsu đáp: "Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy".

Lạy Chúa Giêsu. Cùng đích của cuộc sống của chúng con là được gặp lại Chúa Cha và được sống hạnh phúc với Ngài. Xin cho chúng con vững tin là chúng con đã được Chúa dọn chỗ cho chúng con và ngày sau Chúa lại đến để đem chúng con về ở với Chúa để hưởng hạnh phúc đời đời. Amen

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016


ĐÓN CHÚA 


Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, chữ “tin” không phải là một khái niệm lý thuyết mà là một hành động. Tin là tiếp nhận Đấng mà Thiên Chúa sai đến cũng như những lời Đấng ấy truyền dạy. Trong khung cảnh Tin Mừng hôm nay, hành động “tin” là chấp nhận mang lấy thân phận của Đức Ki-tô. Thật vậy, “tôi tớ không lớn hơn chủ”: Thầy bị bạc đãi thì môn đệ cũng bị bạc đãi, Thầy phải chịu khổ nạn thì môn đệ cũng phải “vác thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy” (Lc 9,23). Chính nhờ việc chung chia thân phận với Đức Ki-tô mà người môn đệ cũng sẽ được chung phần vinh quang với Ngài nơi Chúa Cha vì: “Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Ga 13,20). Đón nhận Đức Ki-tô, “Dung Mạo của Lòng Thương Xót” chính là đón nhận Chúa Cha, Đấng Thương Xót”.
Món quà tặng lớn nhất của Thiên Chúa tặng ban cho loài người đó là chính Người Con Một; và thái độ đáp lại tốt nhất của con người là tin, là đón nhận món quà đó. Chính thái độ tiếp nhận này làm thay đổi tận căn cuộc sống của người nhận, vì “ai tin vào Con của Người, thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời” (x. Ga 3,16-17). Thật diễm phúc khi bạn tin, khi bạn tiếp nhận một món quà vô giá như vậy.
Thứ Năm tuần IV mùa Phục sinh
Lời Chúa: 
 Ga 13,16-20
16 Sau khi đã rửa chân các môn đệ, Chúa Giêsu phán với các ông: "Thật, Thầy bảo thật các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ, kẻ được sai không trọng hơn đấng đã sai mình. 17 Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì có phúc. 18 Thầy không nói về tất cả các con, vì Thầy biết những kẻ Thầy đã chọn, nhưng lời Thánh Kinh sau đây phải được ứng nghiệm: Chính kẻ ăn bánh của Ta sẽ giơ gót lên đạp Ta. 19 Thầy nói điều đó với các con ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy đến, để một khi xảy đến, các con tin rằng: 20 Thầy là ai. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy".
Lạy Chúa Giêsu, xin gìn giữ chúng con trong ơn gọi của Chúa, để chúng con luôn biết hy sinh chính mình, yêu thương và phục vụ nhau; như Chúa đã yêu thương hy sinh và phục vụ vì phần rỗi của chúng con. và cho toàn thế giới. Amen