Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016


VÌ NGƯỜI TỘI LỖI 


Để minh họa cho chủ đề của năm Thánh về Lòng Chúa thương xót, Logo của năm Thánh được trình bày với hình ảnh Thiên Chúa vác người tội lỗi trên vai, trong đó một trong những nét độc đáo là đôi mắt của Chúa hòa quyện vào đôi mắt của người tội lỗi.

Hình ảnh này diễn tả cái nhìn của Chúa, vị Mục Tử nhân lành, như không chỉ chạm trái tim, mà còn chạm đến cách sâu xa tận tâm hồn của người có tội bằng tình yêu mãnh liệt đến nỗi đủ sức công phá thành trì tội lỗi tấn công linh hồn và làm thay đổi diện mạo, sức sống của linh hồn.

Cái nhìn của Thiên Chúa, nơi những trang Tin Mừng càng nổi bậc khi Chúa Giêsu, “Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến”, đã trao ban cho con người, nhất là những người đau khổ, tội lỗi, bị bỏ rơi…
Tin Mừng hôm nay, lại một lần nữa, giới thiệu cái nhìn xót thương của Thiên Chúa được thể hiện nơi Chúa Giêsu, khi Người nhìn và kêu gọi người thu thuế Lêvi và chọn Lêvi thành tông đồ của Chúa.
Bằng hành động lập tức đứng dậy và đi theo Chúa, Lêvi, sau này là tông đồ Mathêu cho thấy, hình như thánh Mathêu đã cảm nhận được trong lời kêu gọi Chúa dành cho mình: “Hãy theo Ta”, là cả một tấm lòng đầy tình yêu thương xót của Chúa.

Có lẽ thánh nhân đã thấy trong đôi mắt Chúa nhìn ông, không giống bất cứ cái nhìn của người Dothái nào. Nó không hàm chứa sự khinh khi, miệt thị. Nó không tìm ẩn đâu đó sự loại trừ, lên án, hay phân biệt đối xử. Nó càng không hề là cái nhìn trên một người bị coi là tội lỗi, bất chính như ông.

Thánh nhân đã nhận ra nơi Chúa là cả một cái nhìn chứa chan lòng thương xót, bao dung và độ lượng. Trong ánh mắt Chúa chứa đầy sự yêu thương, cảm thông, tha thứ và mời gọi hoán cải.
Cái nhìn của Chúa Giêsu đem lại cho Mathêu sự bình an, tin tưởng, không còn mặc cảm về tội lỗi của mình. Cái nhìn đó đã soi chiếu một luồng ánh sáng hy vọng vào tâm hồn người thu thuế, khiến người thu thuế ấy hồi sinh.

Cái nhìn của Chúa có sức chữa lành, đem lại sức sống mới và niềm lạc quan cho kẻ bị xã hội coi khinh, bị lề luật ruồng bỏ, để hướng ông về một đời sống mới. Cái nhìn, đã làm thay đổi cuộc đời từ người thu thuế Lêvi trở thành thánh tông đồ Matthêu.



Thứ Sáu tuần XIII mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Mt 9,9-13
9 Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: "Hãy theo Ta". Ông ấy đứng dậy đi theo Người. 10 Và xảy ra là khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. 11 Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như thế?" 12 Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: "Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! 13 Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: 'Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải là hy lễ'. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi".

Lạy Chúa, chúng con  tin tưởng Chúa vẫn yêu bao dung, lượng thứ. Xin cho chúng con, biết noi gương thánh Mathêu, đáp trả tình yêu của Chúa bằng trọn một đời để làm sáng danh Chúa, xứng là tông đồ của Chúa. Amen.

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016


LÒNG TIN VÀ SỰ THA TỘI 


Đức tin vào sự quan phòng thần linh vẫn luôn gắn kết chặt chẽ với chính ý nghĩa của đời sống con người. Người ta có thể đối diện với cuộc sống khi họ nắm chắc rằng mình không phó mặc cho định mệnh mù quáng. Thay vào đó, người ta có thể cậy dựa vào Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo và là Cha của mọi người. Như vậy, đức tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa giải phóng chúng ta khỏi sự sai lầm của thuyết định mệnh. Đức tin này được tóm tắt trong phần mở đầu Kinh Tin Kính: “Tôi tin vào Thiên Chúa, là Cha Toàn Năng.”
Khi ấy, Đức Giêsu xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình. Người ta liền khiên đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!”
Trong câu chuyện Chúa Giêsu chữa người bại liệt cho chúng ta thấy được tình thương những người lân cận của người bại liệt, họ đã không ngại khó nhọc và dư luận của những người chứng kiến; sẵn sàng hy sinh để phục vụ người thân cận, và tất cả đặt trọn niềm tin vào lòng thương xót đầy quyền năng chữa lành vào Chúa.


Thứ Năm tuần XIII mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Mt 9,1-8
1 Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thuyền, vượt biển mà về thành của Người. 2 Bấy giờ người ta đem đến cho Người một kẻ bất toại nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: "Hỡi con, con hãy vững tin, tội con được tha rồi". 3 Bấy giờ mấy luật sĩ nghĩ thầm rằng: "Ông này nói phạm thượng". 4 Chúa Giêsu biết ý nghĩ của họ liền nói: "Tại sao các ngươi suy tưởng những sự xấu trong lòng? 5 Bảo rằng 'Tội con được tha rồi', hay nói 'Hãy chỗi dậy mà đi', đàng nào dễ hơn? 6 Nhưng (nói thế là) để các ngươi biết rằng trên đời này Con Người có quyền tha tội". Bấy giờ Người nói với người bất toại: "Con hãy chỗi dậy, vác giường mà về nhà con". 7 Người ấy chỗi dậy và đi về nhà. 8 Thấy vậy dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người quyền năng như thế.
Lạy Chúa Giêsu. Chung quanh chúng con không thiếu những con người đang cần chúng con giúp đỡ. Xin cho chúng con học được những đức tính của những người đã khiêng người bại liệt đến với Chúa và đã được Chúa chữa lành.Amen.

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016


HỘI THÁNH CỦA THẦY



HAI CỘT TRỤ CỦA HỘI THÁNH
Khi đọc lại lịch sử của hai vị thánh Phêrô và Phaolô, nhân loại không khỏi ngạc nhiên vì hai con người này hai tính khí khác nhau, hai nền giáo dục khác nhau, nhưng đã bổ túc cho nhau khiến hai Đấng trở nên cột trụ vững chắc cho Giáo Hội của Chúa Kitô ở trần thế. Thánh Phêrô, vị tông đồ trưởng đã bộc trực thưa với Chúa Giêsu ba lần “Ngài yêu mến Chúa”, nhưng sau đó lại chối Chúa ba lần. Còn thánh Phaolô, một con người bắt bớ Giáo Hội của Chúa, đã bị Chúa làm cho tan nát trên đường đi Đamas.
HAI KHUÔN MẶT. MỘT NIỀM TIN:
Tin mừng Matthêu thuật lại, các môn đệ sau khi theo Chúa một thời gian khá dài, có nhiều dư luận nói về Chúa Giêsu, người thì bảo là Êlia, người bảo là Giêrêmia hay là một ngôn sứ nào đó, còn các môn đồ nghĩ sao? Chúa Giêsu muốn biết tấm lòng và sự hiểu biết của các tông đồ đối với Chúa Giêsu như thế nào và đây là điều Ngài muốn biết. Ông Simon Phêrô vẫn nhanh nhảu, nóng nảy, bộc trực đã thưa với Chúa Giêsu: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Chúa Giêsu đã rất hài lòng về câu trả lời của Phêrô và đây là câu trả lời Chúa Giêsu muốn biết. Đức Giêsu nói với Simon Phêrô: “Này anh Simon, con ông Gio-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16, 17). Đức tin của Phêrô đã giúp Ông thốt lên và tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Chính nhờ đức tin, sự xác tín và sự tuyên xưng của Simon Phêrô, Chúa Giêsu đã đatë thánh Phêrô làm đầu Hội Thánh (Mt 16, 18). Còn Phaolô, sau khi bị Chúa đánh cho ngã ngựa trên đường Đamas đang khi thực hiện ý đồ triệt hạ các môn đệ và Giáo Hội của Chúa, Phaolô đã nghe tiếng Chúa nói: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta ?. Ông nói: “Thưa Ngài, Ngài là ai ? Người đáp:” Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ. “(Cv 9, 4-5). Sao-lô tức Sa-un đã được Khanania đặt tay chữa lành và làm cho Sa-un được sáng  mắt do quyền năng của Chúa và Ông đã lại thấy được, Ông đứng dậy và lãnh  nhận phép rửa (Cv 9, 17-19). Từ hôm đó Ông đã mạnh dạn rao giảng về Chúa khiến nhiều người Do Thái ngạc nhiên tự hỏi: “Ông này chẳng phải là người ở Giêrusalem vẫn tiêu diệt những ai kêu cầu danh Giêsu sao ? Chẳng phải ông đã đến đây với mục đích bắt trói họ giải về cho các thượng tế sao?” (Cv 9, 21). Phaolô đã làm bẽ mặ tnhững người Do Thái ở Đamát, khi minh chứng rằng Đức Giêsu là Đấng Mêsia (Cv 9, 22).
Thánh Phaolô đã được các tông đồ tin tưởng nhờ đó Ông và các tông đồ đi lại hoạt động tại Giêrusalem. Ông mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa (Cv 9, 28). Thánh Phêrô và thánh Phaolô mỗi người một cách suy nghĩ, mỗi người một tính khí nhưng dưới ánh sáng của Tin Mừng, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, hai Ngài đã trở thành hai cột trụ vững chắc cho Giáo Hội nhờ đức tin của các Ngài được Chúa củng cố.
THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ NÊU GƯƠNG TÔNG ĐỒ CHO TA:
Dù thánh Phêrô đã chối Chúa tới ba lần, dù trước đó Ngài đã cương quyết theo Thầy tới cùng, nhưng khi nghe Chúa loan báo cuộc thương khó Ngài phải chịu để cứu độ nhân loại, Phêrô không thể hiểu được Thầy mình, Ông đã cản ngăn đường Chúa đi, Chúa đã khiển trách Phêrô rất nặng lời, cho ông là Satan, ma quỉ. Nhưng Phêrô đã  nhận ra con người của Chúa sau ba lần chối Thầy. Phêrô cũng chỉ nhận ra tình yêu và lòng xót thương của Chúa sau những giọt nước mắt tang thương, ăn năn, sám hối. Còn Phaolô chỉ nhận ra Chúa khi Ông hăm hở, lấc cấc, hăng say truy lùng, bắt bớ các môn đệ của Chúa. Ông chỉ hiểu được lòng tha thứ và tình thương của Chúa khi Ông ngã ngựa và đôi mắt bị mù lòa trên đường Đamas. Hai thánh nhân đều ý thức việc quay trở lại với Chúa, đều cảm nghiệm tình thương xót hải hà của Chúa. Hai Ngài đã rất thực, sống hoàn toàn như mình nghĩ và cũng hồi sinh mau chóng khi hiểu được con người  đầy xót thương của  Chúa Giêsu. Nên, dù hai tính khí, hai nền giáo dục, hai khả năng, hai cách làm việc khác nhau, thánh Phêrô và thánh Phaolô đã bổ túc cho nhau để xây dựng Giáo Hội của Chúa vững chắc ở trần gian này. Hai vị thánh tông đồ đã nêu gương sáng cho nhân loại, cho Hội Thánh, cho từng người về lòng nhiệt thành, sự can đảm và sự say mê truyền giáo của các Ngài. Hai Ngài còn cho nhân loại thấy dù yếu hèn, dù tội lỗi, dù kém tài, Chúa vẫn luôn dùng tới nếu con người biết tin, cậy và quay trở về với Chúa. Mỗi một con người đều có chỗ đứng trong trái tim Chúa. Chúa thương yêu con người không chung chung, có lệ, nhưng Chúa gọi tên từng người một vì “Ta biết chiên và chiên biết Ta “. Chúa dùng mọi người, dùng mỗi người với tất cả những gì đang có, những khuyết điểm, những hạn hẹp của con người, Chúa xử dụng tất cả để làm phong phú, đa dạng và làm nổi bật quyền năng, uy dũng của Ngài. Lễ hai thánh Phêrô và Phaolô là lễ kính mầu nhiệm Hội Thánh đặt nền tảng trên các Ngài.

Thứ Tư tuần XIII mùa Thường Niên - 29/6: Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, tông đồ
Lời Chúa: 
 Mt 16,13-19
13 Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: "Người ta bảo Con Người là ai?" 14 Các ông thưa: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó". 15 Chúa Giêsu nói với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" 16 Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".
17 Chúa Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. 18 Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. 19 Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở".
 “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con được vui mừng hoan hỷ nhân ngày đại lễ kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Chính nhờ các Ngài, Hội Thánh đã bắt đầu đón nhận đức tin, xin cho Hội Thánh cũng luôn trung thành tuân giữ lời các Ngài giảng dậy”   
Lạy Chúa, xin Chúa thương nhìn đến Hội Thánh là đàn chiên của Chúa. Xin ban cho Hội Thánh sự hợp nhất và yêu thương, để làm chứng cho Chúa giữa một thế giới đầy chia rẽ. Xin cho Hội Thánh không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin Chúa đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước, đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên. Xin Chúa cho Hội Thánh trở nên men được vùi sâu trong khối bột loài người để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh. Và xin cho Hội Thánh thành cây to bóng rợp để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ. Amen

CỨ ĐI


Tin Mừng Mát-thêu hôm nay thuật lại cho chúng ta việc chữa lành hai người bị quỷ ám. Chúng ta cũng thấy nơi Mác-cô (Mc 5, 1 tt) tường thuật về việc này. Chúa Giêsu dùng quyền năng trục xuất ma quỷ ra khỏi hai người ấy, trả lại cho họ cuộc sống bình thường và cũng đem lại bình an cho dân thành Giêrasa.
Trong đoạn Tin Mừng, ma quỷ kêu la lên rằng "Lạy Ông Giêsu, Con Thiên Chúa, chúng tôi có can chi đến ông? Ông đến đây để hành hạ chúng tôi trước hạn định sao?". Theo truyền thống Do Thái, vào thời sau hết Thiên Chúa trừng phạt ma quỷ bởi vì chúng rảo khắp thế giới để làm hại con người. Giây phút này xảy ra với việc Chúa Giêsu ngự đến. Ma quỷ biết rằng hoạt động của chúng có giới hạn và kéo dài bao lâu Chúa cho phép. Với quyền năng của mình, Chúa Giêsu đã chiến thắng quyền lực sự dữ và mở ra sự sống mới. Ma quỷ biết điều đó, nhưng con người dường như không hiểu.
Việc chữa lành bệnh tật là một dấu chỉ cho thấy Nước Thiên Chúa đang ngự đến nơi Đức Giê-su Ki-tô. Chúa Giêsu mang ơn cứu độ đến cho chúng ta. Ngài đến chỉ cho chúng ta con đường đến sự sống đời đời. Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta tin tưởng và tín thác vào Chúa Ki-tô, Đấng chiến thắng tử thần và chiến thắng mọi quyền lực sự dữ.


THỨ TƯ TUẦN XIII MÙA THƯỜNG NIÊN
LỜI CHÚA(Mt 8,28-34):
Khi ấy, Chúa Giêsu lên thuyền sang bờ bên kia, đến miền Giêrasa, thì gặp hai người bị quỷ ám từ các mồ mả đi ra, chúng hung dữ đến nỗi không ai dám qua đường ấy.Và chúng kêu lên rằng: "Lạy Ông Giêsu, Con Thiên Chúa, chúng tôi có can chi đến ông? Ông đến đây để hành hạ chúng tôi trước hạn định sao?"Cách đó không xa có một đàn heo lớn đang ăn. Các quỷ nài xin Người rằng: "Nếu ông đuổi chúng tôi ra khỏi đây, thì xin cho chúng tôi nhập vào đàn heo".Người bảo chúng rằng: "Cứ đi".Chúng liền ra khỏi đi nhập vào đàn heo. Tức thì cả đàn heo, từ bờ dốc thẳng, nhào xuống biển và chết chìm dưới nước.Các người chăn heo chạy trốn về thành, báo tin ấy và nói về các người bị quỷ ám. Thế là cả thành kéo ra đón Chúa Giêsu. Khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng của họ.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con tin tưởng và phó thác vào Chúa, và xin cho chúng con ý thức rằng Chúa đến để mang lại cho chúng con sự sống đời đời. Amen.

SỢ YẾU LÒNG



http://giaoxuhanoi.com/suy-niem-loi-chua-hanh-cac-thanh/nguoi-van-ngu-2769.html
Nếu mức nước biển dâng lên thêm một mét do nạn toàn cầu ấm lên,
 
nhiều vùng đất của nước Việt Nam sẽ bị chìm dưới mặt nước.       
 
Bão lụt, hạn hán, động đất, núi lửa, vẫn là những thảm họa cho con người.
 
Ngày nay người ta biết rằng phần lớn thiên tai không do Trời,
 
nhưng do con người phá hoại trái đất là công trình tốt đẹp của Trời cao.
 
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy uy quyền của Đức Giêsu,
 
không phải trên ma quỷ hay bệnh tật, nhưng trên thiên nhiên.
 
Ngài đã dùng quyền đó để bảo vệ các môn đệ khỏi bị dập vùi bởi sóng gió.
 
Thầy Giêsu đã ra lệnh cho họ qua bên kia hồ (Mt 8, 18).
 
Ngài xuống thuyền trước, các môn đệ theo sau (c. 23).
 
Đi theo Thầy Giêsu, trên cùng một con thuyền, đâu hẳn được bình an.
 
Cơn bão lớn ngoài biển đến thật bất ngờ,
 
khiến con thuyền của Thầy trò chao đảo vì sóng gió.
 
Giữa cơn cuồng nộ của biển cả, giữa sự kinh hoàng nhốn nháo của các môn đệ,
 
Thầy Giêsu vẫn ngủ yên.
 
Dường như chẳng có gì khuấy động được giấc ngủ bình an của Thầy.
 
“Thưa Ngài, xin cứu, chúng con chết mất” (c. 25).
 
Lời đánh thức vội vã, hối thúc, khi cái chết đã gần kề.
 
Nhưng Thầy Giêsu lại chẳng có vẻ gì vội vã.
 
Giữa tiếng thét gào của sóng gió và sự chòng chành của con thuyền,
 
Thầy Giêsu đã quở trách các môn đệ vì sự cuống cuồng sợ hãi của họ,
 
hậu quả của việc thiếu lòng tin (c. 26).
 
Thầy đã không làm cho biển lặng sóng yên ngay lập tức,
 
vì tập bình an giữa sóng gió là điều khó và cần hơn nhiều.
 
Lắm khi chúng ta không hiểu tại sao thuyền đời chúng ta gặp bão,
 
dù có Thầy trong thuyền, dù chúng ta đã theo Thầy nghiêm túc.
 
Chúng ta lại càng không hiểu tại sao Thầy có thể ngủ được bình an,
 
khi chúng ta gặp muôn vàn thử thách và rơi vào tuyệt vọng.
 
Nhưng Thầy Giêsu cũng không hiểu tại sao chúng ta lại sợ đến thế (c. 26).
 
Tại sao chúng ta lại sợ thuyền chìm hay sợ chết ?
 
Nếu có đức tin vào Thầy thì sóng gió đâu nhận chìm được chúng ta.
 
“Thiên Chúa ngủ” mãi mãi là điều khó hiểu và khó chịu.
 
Đừng ngại đánh thức Ngài và kêu cứu.
 
Đừng ngại la to át tiếng sóng, để làm cho Ngài nghe được.
 
Nhưng cũng nên nhìn Ngài ngủ bình an, để khỏi bị hốt hoảng.
 
Không hẳn là Ngài sẽ trỗi dậy ngay và dẹp tan bão tố.
 
Không hẳn là chúng ta sẽ được giải thoát ngay khỏi mọi nỗi hiểm nghèo.
 
Điều quan trọng là lòng ta được bình an,
 
vì biết Ngài vẫn bình an ở lại trong con thuyền đời ta.
 
 

Thứ Ba tuần XIII mùa Thường Niên - 28/6: Thánh Irênê
Lời Chúa: 
 Mt 8,23-27
23 Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thuyền, có các môn đệ theo Người. 24 Và đây biển động dữ dội, đến nỗi sóng phủ lên thuyền, thế mà Người vẫn ngủ. 25 Các môn đệ lại gần đánh thức Người dậy mà rằng: "Lạy Thầy, xin cứu lấy chúng con kẻo chết mất!" 26 Chúa phán: "Hỡi những kẻ yếu lòng tin! Sao các con nhát sợ?" Bấy giờ Người chỗi dậy, truyền lệnh cho gió và biển. Và biển yên lặng như tờ! 27 Cho nên những người ấy kinh ngạc mà rằng: "Ông này là ai mà gió và biển đều vâng phục?"

 
Lạy Chúa Giêsu,
 
con chẳng dám xin đi trên mặt nước như Phêrô,
 
nhưng nhiều khi con cảm thấy
 
sống đức tin giữa lòng cuộc đời
 
chẳng khác nào đi trên mặt nước.
 

Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.
 
Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu.
 
Cả sự nặng nề của thân xác con
 
cũng kéo ghì con xuống.
 
Đi trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng.
 
Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.
 

Xin cứu con khi con hầu chìm.
 
Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.
 
Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con,
 
để con trở nên nhẹ tênh
 

mà bước những bước dài hướng về Chúa. Amen. 

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016


HÃY THEO TA




Hôm nay, bài Tin Mừng thuật lại chuyện có một môn đệ muốn theo Đức Giêsu, nhưng anh ta xin được về chôn cha trước đã. Đức Giêsu đã không chấp nhận thái độ đó và nói: "Anh hãy theo Ta, và hãy để kẻ chết chôn kẻ chết". 
Xét theo góc độ tình cảm tự nhiên, đòi hỏi này của Đức Giêsu xem ra có vẻ ích kỷ, và phi nghĩa quá chăng? Một sự đòi hỏi không hợp tình cũng chẳng hợp lý! Là con cái mà cũng không được thi hành bổn phận sau cùng là lo chôn cất cha mình cho tròn chữ hiếu?
Tuy nhiên, càng khó chấp nhận nghịch lý của Đức Giêsu đưa ra với môn đệ này bao nhiêu thì lại càng sáng tỏ chân lý mà Đức Giêsu muốn nhắm tới bấy nhiêu.
Thật vậy, điều mà Đức Giêsu muốn người môn đệ phải có đối với Ngài và sứ vụ mà Ngài sẽ trao phó trong tương lai là một thái độ tin tưởng, phó thác, can đảm và dứt khoát. Không được chần chừ hay nửa vời, bởi lẽ, nếu lừng khừng, trong tương lai, không sớm thì muộn cũng có những thái độ thỏa hiệp và bỏ cuộc.
Nếu không thanh thoát thì làm sao chấp nhận được sự thiếu thốn trong hành trình theo Chúa và thi hành sứ vụ được! Bởi lẽ, hành trình của người môn đệ luôn phải đối diện với sự thiếu thốn như chính Đức Giêsu đã trải qua: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu". 
Như vậy, Đức Giêsu không có ý nói phải bỏ cha, bỏ mẹ để mà theo Ngài cho bằng Ngài muốn nói lên một sự lựa chọn ưu tiên cho ơn gọi và sứ vụ.
Là Kitô hữu, sống trong thời đại văn minh, kinh tế thị trường, có nhiều điều để chọn lựa. Tốt có, xấu có. Cao cả có, tầm thường cũng có. Tuy nhiên, nhiều người đã không chọn cho mình điều tốt, nhưng lại chọn những điều xấu, bởi vì những cái đó hấp dẫn và dễ thi hành hơn. Hoặc có nhiều người tin và đi theo Chúa, nhưng khi gian nan thử thách đến, họ đã viện nhiều lý do để bỏ cuộc.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức lại ơn gọi và sự trung tín của mình với Chúa? Chúng ta có chọn Chúa và những phẩm tính tốt thuộc về Ngài không? Hay chúng ta đã chọn những thứ tầm thường?

Thứ Hai tuần XIII mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Mt 8,18-22
18 Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đám đông dân chúng vây quanh Người, thì Người ra lệnh sang qua bờ bên kia. 19 Một luật sĩ đến thưa Người rằng: "Lạy Thầy, bất cứ Thầy đi đâu, con cũng xin theo Thầy". 20 Chúa Giêsu trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu". 21 Một môn đệ khác thưa Người rằng: "Thưa Thầy, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã". 22 Chúa Giêsu trả lời: "Con hãy theo Ta, và hãy để kẻ chết chôn kẻ chết".
Lạy Chúa Giêsu, theo Chúa là điều khó! Vì thế, xin cho chúng con biết thanh thản từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa, hầu tâm hồn chúng con nhẹ nhàng, thanh thoát khi thi hành sứ vụ Chúa trao cách tốt đẹp. Amen.

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016


CHỌN LỰA DỨT KHOÁT



Vào năm 1924 ở nước Anh, Eric là lực sĩ chạy nhanh nhất trong cự ly 100m. Mọi người đều hy vọng anh sẽ đoạt huy chương vàng ở thế vận hội được tổ chức tại Paris năm đó. Thế nhưng vào phút chót một sự việc xảy ra làm cho mọi người đều ngỡ ngàng và bực tức. Số là việc thi đấu cho môn chạy 100m này lại nhằm vào ngày Chúa nhật. Eric nghĩ rằng việc phụng sự Chúa không cho phép anh thi đấu vào ngày Chúa nhật. Vì thế anh đành từ chối thi môn này. Vừa nghe tin Eric từ chối thi đấu, lập tức mọi người tìm cách gây sức ép đối với anh. Ngay cả hoàng tử xứ Wales cũng cố gắng thuyết phục anh vi phạm tiếng nói của lương tâm. Thấy anh không chịu đổi ý, báo chí nước Anh đã gọi anh là tên phản bội. Tuy nhiên Eric vẫn khăng khăng không chịu làm ngược với niềm xác tín của mình. Cuối cùng anh đề nghị với các huấn luyện viên chọn một lực sĩ khác thay cho anh trong môn chạy 100m, là môn anh chưa một lần thi đấu. Kết quả là trong thế vận hội năm ấy, nước Anh đã đạt hai huy chương vàng cho môn chạy 100m và 400m.
Từ câu chuyện trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng chiều hôm nay với thái độ dứt khoát mà Chúa đòi hỏi, bởi vì Ngài đã phán dạy: Kẻ nào đã tra tay vào cày mà còn ngoái cổ lại đằng sau thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa. Chàng lực sĩ của chúng ta đã không bao giờ ngoái cổ lại đằng sau, mặc dù có những lý do chính đáng. Một khi đã quyết định theo Chúa, là anh cứ nhắm thẳng phía trước mà bước tới, chứ không ngó lại phía sau nữa, cho dù bị dư luận gọi là tên phản bội tổ quốc của mình. Còn chúng ta thì sao?
Mặc dầu chúng ta đã tin nhận và bước theo Chúa, nhưng chúng ta vẫn chưa dứt khoát lập trường, để thuộc hẳn về Ngài. Chúng ta giống như bà vợ của ông Lót, mặc dầu đã ra khỏi thành Sođoma, nhưng vì còn ngoái cổ lại để xem sự gì đang xảy rar ở phía sau, nên đã hoá thành tượng muối. Chúng ta giống như dân Do Thái trong cuộc xuất hành tìm về miền đất hứa. Trước những cực nhọc vất vả gặp phải, họ đã tưởng nhớ đến củ hành củ tỏi của Ai Cập và đã lên tiếng trách móc Maisen. Cũng vậy mặc dầu đã tin nhận và bước theo Chúa, nhưng chúng ta vẫn tưởng nhớ đến những củ hành củ tỏi, là những đam mê tội lỗi, là những ước vọng xấu xa, để rồi cuối cùng, vì chạy theo tiền bạc, chúng ta đã bán Chúa như Giuđa, vì hèn nhát chúng ta chối Chúa như Phêrô, vì sợ sệt chúng ta đã chạy trốn như các môn đệ, vì quá quyến luyến và vương vấn với tội lỗi, chúng ta đã cúi mặt bỏ đi như chàng thanh niên giàu có.
Để kết luận, chúng ta hãy kiểm điểm đời sống và hãy tự vấn lương tâm xem Đức Kitô đã chiến địa vị nào trong cuộc đời chúng ta? Ngài có phải là nhân vật số một của cõi lòng chúng ta hay chỉ là một hình ảnh đã bị phai mờ và chìm vào quên lãng.

Chúa Nhật tuần XIII mùa Thường Niên - Năm C
Lời Chúa: 
 Lc 9,51-62
Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem, và sai những người đưa tin đi trước Người. Những người này lên đường vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người. Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giêrusalem. Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?" Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: "Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến, không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta". Và các Ngài đi tới một làng khác.
Đang khi đi đường có kẻ thưa Người rằng: "Dù Thầy đi đâu tôi cũng sẽ theo Thầy". Chúa Giêsu bảo người ấy rằng: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu". Người bảo một kẻ khác rằng: "Hãy theo Ta". Người ấy thưa: "Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã". Nhưng Người đáp: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa". Một người khác thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã". Nhưng Chúa Giêsu đáp: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng, thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa".
Lạy Chúa Giêsu. Chúa nghiêm khắc đòi hỏi người đi theo Chúa phải có sự dứt khoát từ bỏ tất cả; đứng trước sự đòi hỏi này của Chúa, chúng con tin có ơn ban của Chúa trợ giúp để chúng con có quyết định. Xin cho chúng con tin vào tình thương và ơn gọi của Chúa để sẵn sàng dấn thân theo lời mời gọi của Chúa.
Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã chọn gọi con đi theo Chúa. Xin cho con biết mến yêu, phụng sự Chúa trong mọi người. Xin cũng cho con luôn biết sống hết mình, hết tình cho Chúa và tha nhân. Amen

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2016

XIN NGÀI CHỈ NÓI MỘT LỜI 



Lòng tin của người ngoại giáo
Chúng ta hay có thói quen rất chú tâm đến những lời Chúa phán cùng những việc Chúa làm. Còn những tình cảm, những xúc động, những gì rung động trong con tim Người thường ít nhiều không được để ý đến. Có lẽ cũng vì các thánh sử dẫu sao cũng khá kín đáo về vấn đề này.
Trích đoạn Phúc âm chúng ta đọc lại sáng nay, nói rõ ràng rằng Chúa Giêsu đã ngạc nhiên, sửng sốt. Ta đừng vội vã và bỏ qua chi tiết có tính rất mạc khải này.
Điều gì đã khiến Chúa Giêsu có tâm tình ngạc nhiên như vậy? Không phải chỉ vì sự kiện là viên đại đội trưởng người Rôma này bộc lộ một lòng tin đầy kính trọng, thật sâu xa và khiêm tốn đối với Người mà thôi, nhưng còn bởi tại ông ta là một người ngoại giáo. Qua tai nghe mắt thấy, Chúa Giêsu chưa hề gặp một người dân It-ra-en nào bộc lộ được một lòng tin như ông này. Ông là một người ngoại, có nghĩa là một người đã không được giáo dục theo văn hóa và tín ngưỡng Do thái, một người không biết đến Kinh thánh, và tất nhiên không biết có Đức Gia-vê là Thiên Chúa chân thật. Chính ông ta là một con người như thế mà lại đã thẳng thắn bộc lộ lòng tin vào Đức Giêsu là một người Do thái!
Chúa Giêsu phải sững sờ và ngạc nhiên là vì thế.
Biết cảm phục
Có nhiều điều tốt và đẹp nơi những người không cùng niềm tin, không cùng giáo dục, không cùng tập quán với ta. Ta có biết nhận ra điều ấy không? Nhiều người tuy không phải là Kitô hữu, mà vẫn sống lòng tin vào Chúa, một lòng tin mạnh và chân thành hơn của ta. Dó không phải là động cơ thúc đẩy ta ngạc nhiên và cảm phục sao?
Chúa Giêsu đã có ý thức về tâm tình ngỡ ngàng cảm phục. Người đã biết cảm phục những gì là đẹp, là tốt, là thiện. Người đã tìm được những cái đó ở bất cứ nơi nào, nơi bất cứ con người nào; người ấy là ai và ở đâu, không thành vấn đề đối với Người. Ta phải bắt chước Người về điểm này cũng như về nhiều điều khác.

Thứ Bảy tuần XII mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Mt 8,5-17
Khi ấy, Chúa Giêsu vào thành Capharnaum, thì có một đại đội trưởng đến thưa Chúa rằng: "Lạy Thầy, thằng nhỏ nhà tôi đau nằm ở nhà, nó bị tê liệt đau đớn lắm!" Chúa Giêsu phán bảo ông rằng: "Tôi sẽ đến chữa nó". Nhưng viên đại đội trưởng thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh. Vì chưng, cũng như tôi chỉ là người ở dưới quyền, nhưng tôi cũng có những người lính thuộc hạ, tôi bảo người này đi thì anh đi, tôi bảo người kia đến thì anh đến, tôi bảo gia nhân làm cái này thì nó làm!" Nghe vậy, Chúa Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Ta cũng nói cho các ngươi biết rằng: nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng". Ðoạn Chúa nói với viên sĩ quan rằng: "Ông cứ về, ông được như ông đã tin". Và ngay giờ ấy, gia nhân ông đã được lành mạnh. Khi Chúa Giêsu vào nhà ông Phêrô, thấy bà mẹ vợ ông đang sốt rét liệt giường. Chúa chạm đến tay bà và cơn sốt biến đi. Bà chỗi dậy tiếp đãi các ngài. Ðến chiều, họ đưa đến cho Chúa nhiều người bị quỷ ám: Chúa dùng lời đuổi quỷ, và chữa lành tất cả các bệnh nhân, để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói rằng: "Người đã gánh lấy các bệnh tật của chúng ta, và đã mang lấy những nỗi đau thương của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết làm theo ý Chúa muốn để được vào Nước Trời, chính là vào qua cửa hẹp và vào kịp thời để không bị loại ra ngoài. Amen.

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016


SỨ MẠNG CỦA MỖI NGƯỜI



Có khi ngày lễ Thánh Gioan rơi vào một ngày Chúa nhật. Lúc đó người ta cử hành ngày lễ của Ngài. Đó là vị thánh duy nhất, cùng với Đức Giêsu mà chúng ta cử hành ngày lễ sinh nhật của đời sống ở trần gian. Đối với những vị thánh khác, người ta chọn ngày chết của các ngài; đó chính là ngày của các ngài được sinh vào Thiên Đàng. Từ khởi thuỷ, vào thời kỳ thứ tư, ngày sinh nhật của Thánh Gioan Tẩy Giả rất phổ biến, đó là lễ "Thánh Gioan mùa hè " với những ngọn lửa của Thánh Gioan ".

Cũng như lễ Giáng Sinh, được đặt vào ngay hạ chí, sớm, hơn sáu tháng. Từ ngày 24 tháng sáu, ngày dài nhất trong năm, các ngày ngắn dần cho đến ngày 25 tháng mười hai, ngày ngắn nhất. Như thế, theo những huyền thoại lớn. Còn giữ lại trong vô thức của người Phương Tây, câu nói của Gioan Tẩy Giả được xác nhận: "Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi". Ánh sáng thật chính là con Thiên Chúa, mặt trời duy nhất của thế gian.

Luca đã xây dựng các câu chuyện về thời thơ ấu để đạt song song hai đứa bé.

- Truyền tin cho vị tư tế Da-ca-ri-a trong Đền thờ Giê-ru-sa-lem.

Truyền tin cho thiếu nữ Ma-ri-a trong nhà riêng ở Na-da-rét.

Gioan Tẩy Giả được sinh ra ở Tin Kanm... bởi một bà mẹ hiếm hoi.

Đức Giêsu được sinh ra ở Bê-lem... bởi một trinh nữ…

Gioan Tẩy Giả lui vào sa mạc.

Đức Giêsu được dâng vào Đền Thánh...


Trong tư tưởng của nhiều dân tộc, cái tên không chỉ là danh xưng trong đời sống dân sự hoặc một sự lệ thuộc bề ngoài với những danh từ thời thượng nào đó. Trong Kinh Thánh khi cho con mình một cái tên, cha mẹ chỉ ra một ơn gọi, một "ý nghĩa". Tất cả những tên trong trang Tin Mừng này đều là một "tin mừng". Da-ca-ri-a có nghĩa là Thiên Chúa nhớ đến"...Ê-li-sa-bét có nghĩa là "Thiên Chúa đã hứa"... "Gioan" có nghĩa là "Thiên Chúa ban ân sủng"... Mỗi một nhân vật mang một cái tên, là một động từ chỉ hành động mà Thiên Chúa là chủ ngữ, người hành động!

Tôi có tin chắc rằng mình không phải là kết quả của sự tình cờ, nhưng là kết quả của một tình yêu? Tôi có tin chắc rằng tôi có một sự quan trọng nào đó bởi vì tôi được Thiên Chúa mong muốn và yêu thương bằng một tình yêu vĩnh cửu không?

Những người vô thần nói, thế giới là phi lý. Còn những người có đức tin lại nói "thế giới tiến về chính hạnh phúc của Thiên Chúa".

Một con người đã rút vào sa mạc, xa cách mọi người, để được gần Thiên Chúa. Là tiếng bên trong hoang địa báo Đấng Mê-si-a sắp đến. Đối đầu với Hê-rô-đê đầy quyền năng (Lc 3,19). Bị bắt và giam trong pháo đài Machéronte, và Gioan Tẩy Giả chỉ ra khỏi pháo đài vòi cái đầu bị chặt và đặt trên một cái đĩa trong một bữa tiệc truy hoan... Lúc bấy giờ ông chỉ ngoài 30 tuổi:

Đấy đứa trẻ rồi sẽ như thế đó,

Một cuộc đời thất bại chăng?

Và quả thật có bàn tay Thiên Chúa phù hộ em. Cậu bé càng lớn lên thì linh thần càng vững mạnh.

Vâng Lu-ca dám viết điều đó vì ông biết rõ mọi việc ông biết.

Sự thành công thật sự của một cuộc đời dĩ nhiên không vì chúng ta cố gắng đạt cuộc đời ấy vào đâu? Làm cho một cuộc đời thất bại là không làm theo thánh ý của Thiên Chúa. Gioan Tẩy Giả, can đảm và vững mạnh đã hoàn toàn thành công cuộc đời mình: Ngài đã thực hiện điều mà Thiên Chúa chờ đợi Ngài.

Thứ Sáu tuần XII mùa Thường Niên - 24/6: Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả
Lời Chúa: 
 Lc 1,57-66.80
57 Khi đến ngày sinh, bà Êlisabeth sinh hạ một con trai. 58 Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. 59 Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Dacaria của cha nó mà đặt cho nó. 60 Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: "Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan".61 Họ bảo bà rằng: "Không ai trong họ hàng bà có tên đó". 62 Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. 63 Ông xin một tấm bảng và viết: "Tên nó là Gioan". Và mọi người đều bỡ ngỡ.
64 Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa. 65 Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. 66 Hết thảy những ai nghe biết đều để bụng nghĩ rằng: "Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó".
80 Con trẻ lớn lên, mạnh mẽ trong lòng: nó ở trong hoang địa cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Israel.

Lạy Chúa, chúng con đều được Chúa cho vào đời với một sứ vụ; chứ không tình cờ xuất hiện hay chỉ để ăn uống, hưởng thụ. Sứ vụ của chúng con là làm sao giúp cho mọi người nhận ra tình yêu và đạt được ơn cứu độ của Thiên Chúa.
- Chúng con đều có bổn phận như Thánh Gioan là dọn tâm hồn và chỉ đường cho mọi người đến với Đức Kitô;
- Để hoàn thành điều này, chúng con phải chịu nhiều đau khổ, như Đức Kitô và Thánh Gioan Tẩy Giả đã trải qua.
Xin Chúa giúp chúng con hiểu rỏ được điều ấy và mỗi ngày mỗi sống xứng đáng hơn. Amen.