Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016


HÃY NÊN THÁNH 



Thứ Ba 01/11/2016 - CÁC THÁNH NAM NỮ. Lễ trọng. Lễ Họ.
Cầu cho giáo dân. – Những nẻo đường nên thánh.

Đại lễ kính toàn thể các Thánh nam nữ hôm nay cho ta chiêm ngưỡng đám đông hằng hà sa số những người đã được Chúa Kitô cứu chuộc, đồng thời cũng cho ta thấy trước tương lai chúng ta đang hướng tới. Nhưng lễ này còn giúp ta ý thức mối dây liên đới giữa ta với các anh chị em đã đi trước vào thế giới vô hình. Nay, họ đang được ở bên Thiên Chúa và đang chuyển cầu cho chúng ta. Họ là sức mạnh nâng đỡ cuộc đời chúng ta.
Có một cô bé, muốn được cảm thấy thế nào là câm, nên đã quyết định không nói một lời nào trong vòng 7 ngày. Ngày đầu tiên cô bé đi mua hàng với mẹ. Những người bán hàng đã mỉm cười khi thấy cô bé cố gắng làm hiệu cho biết món hàng cô bé cần. Có người cố tình đụng vào cô bé làm cô bé ngã lăn ra đất. Cô bé thầm nghĩ: đây là cách mình bị xúc phạm, mình bị tổn thương. Cuối cùng thì một tuần lễ cũng trôi qua và cô bé hớn hở bảo: Tôi thật hạnh phúc và biết ơn vì có thể nói được.
Hằng ngày trên thế giới có biết bao nhiêu người bị xúc phạm, bị tổn thương, hay gặp phải những điều bất hạnh và khổ đau. Thế nhưng Chúa Giêsu luôn đứng về phía họ khi Ngài phán với chúng ta: Phúc cho những người khó nghèo, những người khổ đau, những người hay thương xót, những người bị bách hại, những người yêu chuộng hoà bình, những người có lòng trong sạch... vì Nước Trời là của họ.
Với những lời chúc phúc trên đây, chúng ta hãy nghĩ tới những người đau yếu bệnh tật, những người mù loà, què quặt, những người già cả cô đơn, những người dốt nát, ít học và thất nghiệp. Tâm hồn họ dường như lúc nào cũng lo âu, tuyệt vọng. Chúng ta cũng hãy nghĩ đến những người không nhà ở, thiếu cơm ăn áo mặc, những người khác màu da, khác tiếng nói bị xã hội khinh bỉ và kỳ thị. Tất cả những người này, nhiều lúc đã lâm vào một cảnh buồn sầu chán nản, thiếu can đảm và nghị lực. Họ luôn lo âu và sợ hãi bởi vì họ bị hành hạ, bị đối xử một cách bất công. Thế nhưng, như chúng ta đã thấy, Chúa Giêsu luôn đứng về phía họ, Người yêu thương và chúc phúc cho họ: Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi.
Nếu như hôm nay chúng ta đang gặp phải những thử thách trên đây, thì hãy tin tưởng vào tình thương của Chúa, bởi vì chúng ta đang được Ngài yêu thương và chúc phúc. Đồng thời, hôm nay cũng là một dịp thuận tiện để chúng ta suy nghĩ về vấn đề này khi chúng ta tôn vinh các thánh, bởi vì các ngài đều đã trải qua những khổ đau và bất hạnh trong cuộc đời, thế nhưng các ngài đã biết lợi dụng chính những khổ đau và bất hạnh ấy để thăng tiến trên đường thánh thiện, cũng như giành lấy tình thương và phúc lành của Chúa.
.

Thứ Ba tuần 31 mùa Thường Niên C - Lễ các Thánh Nam Nữ
Lời Chúa: 
 Lc 14,12-14a
1 Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. 2Người mở miệng dạy họ rằng : 3 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. 4 Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. 5 Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. 6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. 7 Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. 8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. 9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. 10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. 11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. 12 Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Lạy Thiên Chúa Cha từ bi nhân ái. Chúng con xin tạ ơn Cha vì quyền năng và tình thương của Cha đã tác động trên các thánh. Nhờ lời chuyển cầu của thánh nữ đồng trinh Maria và toàn thể các thánh nam nữ, chúng con xin Cha ban cho mỗi tín hữu chúng con cũng được dồi dào ân sủng của Thánh Thần để đi trên con đường của Chúa Giêsu noi gương các thánh hôm nay chúng con mừng kính, hầu mai ngày, chúng con được cùng các ngài sum họp trong Nhà Cha trên trời để tôn vinh và chúc tụng Danh Cha đến muôn đời. Amen

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016


BÁC ÁI VÔ VỊ LỢI


http://gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20161030150242

Tâm lý thường tình của con người vẫn là: "Có qua có lại, mới toại lòng nhau" hoặc "Ông đưa miếng giò, bà thò chai rượu". Chúng ta kết bạn thân thiết với ai, chúng ta cũng muốn họ có một tâm tình như thế đối với chúng ta.

Nhưng Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay lại đưa ra một cái nhìn khác, đó là lòng bác ái vô vị lợi: "Khi ông đãi tiệc, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con, hoặc láng giềng giầu có... Nhưng hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù; họ không có gì trả lễ, và như thế ông mới thật có phúc, vì ông sẽ được trả công trong ngày các kẻ lành sống lại".

Ở đây, Chúa Giêsu hướng lòng con người về đời sau. Ðang lúc dự tiệc cưới trên trần gian, Ngài đã liên tưởng đến bữa tiệc sẽ được hoàn tất trong vinh quang Nước Chúa, ở đó những người hèn kém được nâng lên và kẻ quyền thế bị hạ xuống; ở đó những người tàn tật, đui mù thực sự là những khách được mời dự tiệc của Chúa.

Gương bác ái vô vị lợi có thể tìm thấy trong chính đời sống của Chúa Giêsu. Ngài là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa và tình yêu này được biểu lộ trong việc nhập thể. Ðây là tình yêu vô biên đến gặp con người ở tầm mức nhân loại, bởi vì khiêm nhường là một trong những bộ mặt của tình yêu. Chúa Giêsu đã xuống ngang tầm mức những kẻ nhỏ bé, yếu đuối; Ngài không tìm địa vị cao sang nổi bật, nhưng quan tâm đến những kẻ nghèo khó, bệnh tật, những kẻ bị xã hội ruồng bỏ.

Tình thương của Chúa Giêsu không đòi hỏi phải có đi có lại. Ngài đi tìm kẻ nghèo khổ để ban ơn, mà không làm cho họ mặc cảm hay nghĩ ngợi là mình chẳng có gì đền đáp. Ngài mời gọi tất cả, nhất là những người nghèo khó, vì chỉ có họ mới dễ dàng chấp nhận lời mời dự tiệc Thiên Chúa. Về mặt thiêng liêng, những người nghèo là những người không khoe khoang về kiến thức, đức hạnh, hay bất cứ ưu điểm nào của mình; họ ý thức thân phận của mình: nhận ơn huệ của Thiên Chúa mà không có gì để dâng lại; họ chỉ biết một điều là sẵn sàng đón nhận vì ý thức rằng Thiên Chúa là Ðấng tốt lành và đầy lòng thương xót. Và đó là điều Thiên Chúa chờ mong nơi họ.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi gương sống bác ái của Chúa. Ngài đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu bao la và nhưng không; do đó, chúng ta cũng có bổn phận phải cho đi một cách rộng rãi và vô vị lợi những ân huệ mà Ngài đã ban cho chúng ta. Ðược như thế chắc chắn chúng ta sẽ sống đẹp lòng Chúa và xứng đáng thông dự bàn tiệc vĩnh cửu trong Nước Chúa.

Thứ Hai Tuần thứ 31 Thường Niên
Lời Chúa: 
 Lc 14,12-14
12Rồi Đức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. 13Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. 14Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại."

Lạy Chúa! xin dạy con biết sống quảng đại,
biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài,
biết cho đi mà không tính toán,
biết chiến đấu không ngại thương tích,
biết làm việc không tìm an nghỉ,
biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào
ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa. Amen.

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016


CON NGƯỜI ĐẾN ĐỂ TÌM VÀ CỨU 


Giakêu là người thu thuế giàu có tại Giêricô. Và như chúng ta đã biết, dân chúng, nhất là những người đạo đức thường khinh bỉ những làm làm nghề thu thuế, nối giáo cho quân đội Rôma để bóc lột đồng bào của mình. Họ thường bị đồng hoá với những kẻ độc ác, bất công và tội lỗi, do đó bị loại trừ khỏi cộng đồng dân Chúa.
Ông Giakêu hẳn đã từng được nghe nói nhiều về Chúa Giêsu. Và quả thực lúc này Chúa Giêsu đã trở thành một nhân vật được đông đảo quần chúng biết đến, vì những lời Ngài giảng dạy và những việc Ngài làm, nhất là về lập trường và thái độ của Ngài. Phúc Âm kể lại: Rất đông người vây quanh Chúa Giêsu khiến cho ông Giakêu muốn được nhìn thấy Ngài nhưng không sao được, vì ông thấp bé. Nhưng ông không chịu thua. Ông chạy lên phía trước, đón đường Chúa và để chắc ăn, ông đã trèo lên một cây sung. Thái độ của Giakêu có thể là vì tò mò nhưng lại cũng là một điều thuận lợi để ông đi vào quan hệ với Chúa Giêsu.
Thế nhưng, Chúa Giêsu vẫn là người đi bước trước. Vừa thấy Giakêu, trước cả khi ông kịp nói lên một lời nào đó, Chúa Giêsu đã ngỏ lời với ông và trong lời ngỏ cùng Giakêu, Ngài đã dành cho ông một ân huệ lớn lao hơn cả điều ông có thể tưởng tượng ra. Ngài ngỏ ý muốn lưu lại tại nhà ông. Đó quả là điều ông không hề nghĩ tới. Ông phải là người hiểu rõ địa vị của ông hơn ai hết, vì ngay cả khi Ngài đến tại nhà ông, thì mọi người vẫn còn lẩm bẩm: Ông này lại đến trọ nhà một kẻ tội lỗi.
Nhưng điều bất ngờ lớn nhất đã xảy ra đó là cuộc viếng thăm của Chúa Giêsu đã hoàn toàn biến đổi con người ông. Cuộc viếng thăm ấy đã đánh dấu một khúc quanh trong cuộc đời một người thu thuế. Trước cả khi Chúa Giêsu nói một lời nào về tội lỗi của ông, thì ông đã tự động đề ra biện pháp để sửa đổi những lầm lỗi ông đã phạm. Biện pháp đó gồm hai phần: Phần thứ nhất là bố thí cho kẻ khó, và ông bố thí tới nửa phần ba gia tài của ông. Ông làm việc bố thí này hoàn toàn vì lòng đại lượng. Phần thứ hai là đền bù cho những người ông đã gây thiệt hại. Ông sẵn sàng đền bù gấp bốn lần, nghĩa là vượt quá điều luật buộc của người Do Thái, nhưng lại phù hợp với hình phạt của luật Rôma dành cho tội ăn cắp tỏ tường. Ông Giakêu quả là đã có được một sự độ lượng.
Lời Chúa Giêsu kết thúc có một ý nghĩa đặc biệt. Trước hết đó là lời tuyên bố ơn cứu độ được ban cho nhà, nơi Chúa Giêsu lưu lại, dù đó là nhà của Giakêu, người thu thuế. Đồng thời đây cũng là lời đặt ông Giakêu vào lại vị trí của ông trong cộng đồng dân Chúa, trong dòng dõi Abraham. Và cuối cùng Ngài đã mạc khải cho chúng ta chân lý lạ lùng này, đó là Ngài đến tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư đi.
Giakêu đã được gặp Chúa và cuộc gặp gỡ này đã đổi mới cuộc đời ông. Trong sự đổi mới này, ông đã không chỉ trở lại với Chúa mà còn trở lại với anh em, với những người chung quanh, nhất là với những người ông đã làm thiệt hại. Liệu chúng ta đã thực sự gặp gỡ Chúa hay chưa, và nhất là chúng ta đã thực sự đổi mới cuộc đời chúng ta hay chưa.
Chúa Nhật Thứ 31 Thường Niên C
Lời Chúa: 
 Lc 19, 1-10
1Sau khi vào Giêrikhô, Đức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy. 2Ở đó có một người tên là Dakêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. 3Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. 4Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó.5Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: "Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!" 6Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. 7Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!"8Ông Dakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn." 9 Đức Giêsu mới nói về ông ta rằng: "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. 10Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất."
Lạy Chúa Giêsu, khi đến với chúng con, Chúa thường đến như một người hành khất.
Chúa cần chút nước của người phụ nữ Samari. Chúa cần năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa cần nhà ông Giakêu để nghỉ chân. Chúa khiêm tốn cúi xuống xin chúng con, để rồi tuôn đổ trên chúng con nhiều gấp bội.
Lạy Chúa, có rất nhiều người cần chúng con nhìn họ với cái nhìn của Chúa, có rất nhiều người mong chúng con ghé thăm.
Xin cho chúng con có một tấm lòng khoan dung như Chúa, và một tâm hồn quảng đại như Giakêu, để cả thế giới này trở nên con cái Abraham, và được hưởng nhờ ơn cứu độ của Chúa. Amen.

HÃY NGỒI CHỖ CUỐI 



Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên (Lc 14,11)
Sống trong xã hội ngày càng tiến bộ, con người tự nhiên muốn vượt lên khỏi những cái tầm thường hiện tại. Họ muốn tìm cho mình một địa vị nào đó để đảm bảo cho cuộc sống; họ ham muốn giàu sang, uy quyền, muốn chiếm cho mình chỗ nhất nơi công hội, tiệc tùng. Nhưng Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay lại đề ra nét đặc thù của Kitô giáo đi ngược với thái độ hám danh và cũng là bài học cho mỗi người, đó là bài học khiêm nhường.
Thật thế, theo Tin Mừng thuật lại, hôm đó Chúa Giêsu đến dùng bữa tại nhà một đầu mục nhóm Biệt phái. Nhận thấy ở đó có những thực khách háo hức chọn chỗ nhất, Chúa Giêsu liền nói với họ một dụ ngôn, trong đó Ngài mời gọi người ta hãy sống khiêm nhường bằng cách chọn lấy địa vị sau chót: khi anh được mời đi ăn cưới, anh đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng cũng được mời... Trái lại, khi được mời, anh hãy ngồi vào chỗ cuối.
Xét bề ngoài, thì đây chỉ là một vấn đề lịch sự, bởi vì xếp chỗ ngồi là việc của chủ nhà, chứ không phải của người dự tiệc. Tuy nhiên, việc chọn chỗ cuối như thế phải được thực hiện một cách đơn sơ, tự nhiên, chứ nếu tìm chỗ cuối với hậu ý và hy vọng được mời lên chỗ cao hơn, thì đó là một sự khiêm nhường giả tạo, một sự kiêu ngạo tinh tế.
Lời khuyến cáo của Chúa Giêsu còn tiềm ẩn một ý nghĩa sâu sắc hơn. Ðối với Ngài, tiệc cưới tượng trưng cho Nước Thiên Chúa, trong đó kẻ nào nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, còn kẻ hạ mình xuống sẽ được nhắc lên. Vượt ngoài tầm đòi hỏi của xã giao, lời nói của Chúa làm cho con người đi xuống chiều sâu của khiêm nhường và tiến lên chiều cao của Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa là một vinh dự, một ân ban, mà chỉ những ai tự hạ và ý thức mình là hư vô mới có thể lãnh nhận. Còn kẻ tưởng mình cao trọng, chắc chắn không thể chiếm hữu Nước Thiên Chúa, và Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường.
Với lời mời gọi và gương sống tự hạ, khiêm nhường của Chúa từ lúc sinh ra cho đến lúc chết trên Thập giá, chúng ta hãy quyết đi vào con đường khiêm nhường bằng cách sống đúng với giới hạn của một thụ tạo nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa vô biên, để nhờ đó Ngài sẽ là tất cả cho chúng ta.

Amen.
Thứ Bảy Tuần thứ 30 Thường Niên
Lời Chúa: 
 Lc 14, 1.7-11
 1Một ngày Sa bát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. 7Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: 8"Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, 9và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: "Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. 10Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: "Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. 11Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."
Lạy Chúa Giê-su đáng mến, xin cho con biết học gương khiêm nhường của Chúa, để con biết khiêm tốn phục vụ anh chị em con. Amen

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016


TÌNH YÊU TRÊN MỌI LỀ LUẬT


HAI NHỊP CỦA TRÁI TIM TÔNG ĐỒ
“Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện và đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.” (Lc 6,12-13)
Trong cơ thể con người có một bộ phận hoạt động liên lỉ từ khi thụ thai cho tới khi lìa đời, đó là trái tim. Dẻo dai như vậy, nhưng để vận chuyển máu đi khắp cơ thể, hoạt động của nó thật đơn giản chỉ có hai nhịp: bóp vào và mở ra. Các sách Tin Mừng cho biết cuộc sống của Chúa Giê-su cũng diễn ra trong hai nhịp như vậy: cầu nguyện và hoạt động; đan cử một ví dụ: Ngài đã cầu nguyện suốt đêm trước khi chọn 12 Tông Đồ. Và khi chọn các ông, Chúa Giê-su muốn họ chu toàn một cuộc sống gồm hai nhịp: ở lại với Chúa vàø ra đi loan báo Tin Mừng. Các động từ “ở lại”, “ở trong,” “đi theo” được các thánh sử dùng nhiều lần để diễn tả mối hiệp thông phải có của các Tông Đồ đối với Chúa Giê-su như mối thông hiệp Ngài có với Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài, sự hiệp thông cần thiết đến mức trở nên ưu tiên trong các hoạt động của Ngài. Mặt khác, “tông đồ” nghĩa là “người được sai đi”, tham dự vào sứ mạng cứu độ của Chúa Giê-su. Ở lại với Chúa và ra đi loan báo Tin Mừng là hai nhịp của trái tim Tông Đồ, cần thiết và không thể tách rời nhau.
Kiểm tra lại đời sống tông đồ của chúng ta. Đời sống tông đồ của chúng ta vẫn đều đặn hai nhịp đập đấy chứ?
Dành thời giờ cầu nguyện trước khi làm công tác tông đồ .
Bạn có cho là tốn giờ vô ích khi


Thứ Sáu Tuần thứ 30 Thường Niên C- T.Simon và Giuđa, tông đồ - Lễ Kính
Lời Chúa: 
 Lc 14, 1-6
 1Một ngày Sa bát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. 2Và kìa trước mặt Đức Giêsu, có một người mắc bệnh phù thũng.3Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pharisêu: "Có được phép chữa bệnh ngày Sa bát hay không?" 4Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về. 5Rồi Người nói với họ: "Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày Sa bát?" 6Và họ không thể đáp lại những lời đó.
Lạy Chúa Giêsu. Lời trong Kinh Thánh dẫn đưa chúng con đi vào đời sống cầu nguyện; cho chúng con biết cầu nguyện là hoa trái của sự lắng nghe Lời Thiên Chúa; là lúc con người trả lời Thiên Chúa, thảo luận với Ngài, suy tư trước mặt Ngài.
Lạy Chúa, Chúa chọn gọi con tham dự vào sứ mạng của Chúa. Xin cho con biết ở lại trong Chúa và đam mê chia sẻ niềm vui này cho tha nhân.Xin cho chúng con thể hiện lòng tin của mình qua đời sống cầu nguyện của chúng con. Amen

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016


ĐÓN NHẬN ĐỨC KI-TÔ


“Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu…” (Lc 13,34)
Khước từ một hành động yêu thương chính đáng là sự phản bội nặng nề, và làm tan nát trái tim đối với người dâng hiến tình yêu ấy cho ta. Kinh nghiệm này có thể ta học được khi tình nghĩa vợ chồng bị đổ vỡ, bạn bè lừa lọc nhau, con cái không nghe lời cha mẹ… Nhờ kinh nghiệm đó, chúng ta có thể hiểu phần nào tâm tình của Chúa khi Ngài thốt lên: “Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu…” Trong tình yêu những suy nghĩ lựa chọn hơn thiệt nhiều quá cũng dễ làm mất đi tính vô vị lợi, dẫn đến chỗ không còn tin tưởng nhau nữa. Chúa đã không áp dụng kiểu yêu thương này nên Ngài lúc nào cũng bị thua thiệt và bị phản bội.
Còn chưa đầy một tháng nữa chúng ta kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa. Chúng ta cần suy nghĩ xem Đức Ki-tô và Giáo hội đau khổ thế nào khi chúng ta là tín hữu không chấp nhận sống theo qui luật Chúa và Giáo Hội dạy dỗ… Chúng ta đã và sẽ phải làm gì để tình Chúa yêu ta và ta yêu Chúa không bị suy suyển vì sự ngoan cố “không chịu” để cho Ngài liên kết ta dưới bóng cánh của Ngài.
Chúng ta hãy suy nghĩ lời ngôn sứ Mi-kha: “Ta đã làm gì khiến người phiền lòng?... Có chi phải làm mà Ta đã không làm cho ngươi?” . Chúng ta dâng lên Chúa một lời tâm sự thống hối để đền bù, vì đã thờ ơ, vô tâm với Ngài.

Thứ Năm Tuần thứ 30 Thường Niên C
Lời Chúa: 
 Lc 13,31-35
31Cũng vào giờ ấy, có mấy người Pharisêu đến thưa Đức Giêsu rằng: "Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!" 32Người bảo họ: "Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: "Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. 33Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không  được.” 34"Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.35Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Mà Ta nói cho các ngươi hay: các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!"
Lạy Chúa Giêsu. Trong mọi xã hội mà con cái của Chúa đang sống, Chúa luôn ban cho có những người hiền lành và thiện chí muốn cứu giúp con cái của Chúa trong hoàn cảnh nguy khốn. Xin Cho mỗi người chúng con biết tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho những anh chị em đó.
Lạy Chúa, xin cho con biết sống quảng đại hơn với Chúa và với tha nhân bằng những việc làm vô vị lợi như Chúa đối xử với con. Amen.

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016


BÀN TIỆC NƯỚC TRỜI 



Khi nói về ngày giờ “Con Người sẽ đến,” Chúa Giê-su không cho biết ngày nào giờ nào mà ra chỉ thị “hãy sẵn sàng” (Lc 12,40); cũng vậy khi được hỏi về số lượng những người được cứu thoát, Ngài dùng hình ảnh “cửa hẹp” với yêu cầu “Hãy chiến đấu!” “Cửa” dẫn đến hạnh phúc thì “hẹp” vì để đi tới đó chỉ có một Con Đường là Chúa Giê-su, Đấng Cứu Độ duy nhất (x. Cv 4,12) và vì con đường Chúa đã đi qua để cứu độ nhân loại chính là con đường thập giá. Đi con đường thập giá với Chúa Ki-tô chắc chắn không phải là một cuộc dạo chơi, mà là một cuộc chiến đấu, cuộc chiến đến giọt máu cuối cùng.
Đường vào Nước Trời không rộng thênh thang để người ta tha hồ thoả mãn những đam mê tội lỗi. Trái lại đó là cả một cuộc chiến đấu thiêng liêng chống lại cái tôi kiêu ngạo, ích kỷ, tham lam. Để đạt chiến thắng cuối cùng trong ngày cánh chung, phải chiến đấu từ bây giờ trong cuộc sống hiện sinh này. Nếu không, cánh cửa sẽ đóng lại trước mắt chúng ta với lời tuyên án khủng khiếp: “Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính.”
Hãy lấy Lời Chúa làm vũ khí để chiến đấu chống lại ma quỷ: “…binh giáp vũ khí của Thiên Chúa,… lưng thắt đai là chân lý,… mang áo giáp là sự công chính,.. chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng,… cầm khiên mộc là đức tin,… đội mũ chiến là ơn cứu độ,… tay cầm gươm của Thần Khi, tức là Lời Thiên Chúa” (x. Ep 6,10-17).
Thứ Tư Tuần thứ 30 Thường Niên C
Lời Chúa: 
 Lc 13, 22-30
22Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. 23Có kẻ hỏi Người: "Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?" Người bảo họ: 24"Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. 25"Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: "Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!, thì ông sẽ bảo anh em: "Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến! 26Bấy giờ anh em mới nói: "Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi. 27Nhưng ông sẽ đáp lại: "Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!” 28"Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Ápraham, Ixaác và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. 29Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. 30"Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót."
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đang mời gọi chúng con chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào Nước Chúa. Xin cho chúng con vâng nghe tiếng Chúa cùng chiến đấu, dẫn đưa nhau qua cửa hẹp mà Chúa đang mời gọi.
Lạy Chúa, xin cho con biết nỗ lực chiến đấu không ngừng để quyết đi qua cửa hẹp là hy sinh, thương xót, phục vụ và sẻ chia hầu đem lại cho con hạnh phúc, bình an và Nước Chúa ngay đời này và đời sau. Amen.

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016


NƯỚC THIÊN CHÚA 






Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men."(Lc 13, 21)
Một hạt cải nhỏ bé được vùi trong lòng đất, nảy mầm, rồi trở thành cây lớn. Một nắm men được vùi trong đấu bột, làm cả đấu bột dậy men. Cả hai đều bé nhỏ, mỏng manh lúc ban đầu, nhưng một khi phát triển tiềm năng vốn có, sẽ đem lại kết quả tốt đẹp bất ngờ. Phải là hạt cải tốt để có thể nảy mầm trong các điều kiện thuận tiện; phải là men chất lượng cao để khi khi hòa tan trong khối bột, làm khối bột ấy dậy men. Nước Trời khởi đầu từ một nhóm nhỏ môn đệ tựa như hạt cải âm thầm triển nở, hay như nắm men kín đáo tác động, để rồi ngày qua ngày trở thành một sức mạnh có sức biến đổi cả thế giới này. Cây đức tin, đức cậy, đức mến cũng như men công bằng, bác ái là dấu chỉ sự hiện diện của Nước Trời trong thế giới, mỗi khi Ki-tô hữu sống trọn ân sủng và sứ mạng của mình.
“Hãy cho tôi một điểm tựa và tôi sẽ nhấc bổng quả đất lên” (Archimedes).
Điểm tựa Giêsu vẫn có đó, khi chúng ta gặp gỡ Ngài trong đời sống của Giáo Hội. Ước gì mỗi ngày chúng ta vun đắp cho cây đời của ta sinh nhiều bông hạt tốt, để tiếp tay cùng Thiên Chúa gieo vãi tình yêu thương cho những người xung quanh. Ước gì nắm men Tin Mừng mà ta đã lãnh nhận, ngày thêm hiệu năng để làm dậy lên khối bột tình mến trong môi trường của chúng ta.
Tận dụng và sắp xếp thời giờ để gặp gỡ Chúa qua các Bí tích - Lời Chúa - Cầu nguyện,… để hạt giống, nắm men Kitô hữu trong chúng ta luôn được bảo tồn và triển nở.
Thứ Ba Tuần thứ 30 Thường Niên
Lời Chúa: 
 Lc 13, 18-21
18Vậy Người nói: "Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì? 19Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được." 20Người lại nói: "Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì? 21Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men."

Lạy Chúa Giêsu. Chúng con đang sống trong một thời đại mà mọi cái xấu và sự dữ đang tung hoành khắp mọi nơi và mọi lãnh vực. Xin cho chúng con vững tin vào quyền năng của Chúa, tin Nước Thiên Chúa đang tác động trên mọi thụ tạo đặc biệt đối với con người, để mai ngày Nước Chúa sẽ biến đổi tất cả trở thành tốt lành và thánh thiện.
Lạy Chúa, con ước muốn làm men, muốn làm muối, ướp cho mặn đời. Và con cũng ước muốn liều thân đem Tin Mừng đi khắp nơi, như Chúa đã dạy bảo chúng con.
Xin giúp chúng con, Chúa ơi! Amen

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016


LÒNG THƯƠNG XÓT 


Một đêm mùa Ðông lạnh như cắt, một vị ẩn sĩ không chịu nổi cái lạnh của sa mạc, đã tìm đến xin trú ẩn tại một ngôi chùa. Nhìn thấy gương mặt tiều tụy của vị ẩn sĩ, tu sĩ canh giữ ngôi chùa không nỡ để ông ta đứng mãi giữa trời. Vị tu sĩ cho ông vào, nhưng lại nói một cách cương quyết: "Ông có thể ngủ đêm trong chùa, nhưng chỉ một đêm thôi, ngày mai ông phải rời khỏi nơi này tức khắc, vì đây là nơi tu hành, chứ không phải là trại tế bần".
Giữa đêm, vị tu sĩ nghe thấy tiếng động kỳ lạ. Ông thức dậy và chứng kiến cảnh tượng khác thường: giữa ngôi chùa vị ẩn sĩ đang ngồi sưởi ấm bên một đống lửa cháy phừng. Nhìn lên bàn thờ, vị tu sĩ không còn thấy tượng Phật bằng gỗ nữa. Ông hỏi vị ẩn sĩ, vị này chỉ vào đống lửa điềm nhiên đáp: "Tôi không chịu nổi cái lạnh, nên đã dùng tượng Phật để nhóm lên đống lửa này". Nghe thế, vị tu sĩ quát lớn: "Ông khùng rồi sao? Ông có biết ông đã làm gì không? Ðây là tượng Phật, ông đã đốt cháy Ðức Thích Ca của chúng tôi".
Sáng hôm sau, vị tu sĩ trở lại để đuổi vị ẩn sĩ ra khỏi chùa; ông thấy vị ẩn sĩ đang bới đống tro như để tìm kiếm vật gì đó. Thấy vị tu sĩ thắc mắc, ông ta trả lời: "Tôi đang tìm kiếm những cái xương của Ðức Phật mà ngài bảo là tôi đã thiêu đốt tối hôm qua".
Về sau, vị tu sĩ canh giữ ngôi chùa kể lại câu truyện cho một Thiền sư, và Thiền sư đã trách ông như sau: "Ông là một tu sĩ xấu, bởi vì ông xem một tượng Phật chết trọng hơn một mạng người sống".
Một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu, chính là cuộc xung đột giữa Ngài và những người Biệt phái. Những người Biệt phái bám vào việc tuân giữ nghi thức và luật lệ đến độ dẫm lên trên cả mạng sống con người.
Trong khi đó, đối với Chúa Giêsu, cốt lõi của đạo chính là tình yêu. Phân định về việc giữ ngày Hưu lễ, Chúa Giêsu tuyên bố dứt khoát: "Ngày Hưu lễ được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày Hưu lễ". Ngài đã giải thoát một người đàn bà khỏi bị còng lưng trong ngày Hưu lễ, để chứng tỏ sự sống của con người, giá trị của con người, hay đúng hơn, tình yêu thương cao cả hơn tất cả những nghi thức và việc tuân giữ bên ngoài.

Thứ Hai Tuần thứ 30 Thường Niên C - T. Antôn Maria Claret, giám mục
Lời Chúa: 
 Lc 13,10-17
10Ngày Sa bát kia, Đức Giêsu giảng dạy trong một hội đường. 11Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. 12Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: "Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!" 13Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa. 14Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giêsu đã chữa bệnh vào ngày Sa bát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: "Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày Sa bát!" 15Chúa đáp: "Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày Sa bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? 16Còn bà này, là con cháu ông Ápraham, bị Xatan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày Sa bát sao?" 17Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.

Lạy Chúa!
Xin cho chúng con hiểu rằng cái cốt lõi của đạo, chính là tình thương. Xin cho những lời cầu kinh, những việc tuân giữ luật lệ không là những cái vỏ hình thức bên ngoài, mà phải dẫn chúng con đến những hành động cụ thể của tình yêu. 
Xin cho chúng con luôn xác tín rằng sống cho tình yêu là được sống trong Chúa. Amen.

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2016


KHIÊM TỐN - SÁM HỐI - CẦU NGUYỆN


http://gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20161021154639
Hai nhân vật được đặt đối diện nhau trong bài Tin Mừng sáng hôm nay là đại diện cho hai hạng người trong xã hội Do Thái, đồng thời cũng tượng trưng cho hai thái độ tôn giáo ở bất cứ thời điểm nào.
Trước hết là người biệt phái. Họ được nhìn nhận thuộc thành phần ưu tú và đạo đức. Họ có học thức, thông thạo lề luật, giữ các quy định và tập tục tôn giáo một cách nghiêm chỉnh từng li từng tí. Họ tự nhận mình là người công chính và đi tìm sự công chính trong việc giữ luật hình thức. Không phải mọi việc họ làm đều xấu. Thật ra họ cũng có nhiều đức tính tốt đẹp. Tuy nhiên nơi họ, những điều tự bản chất là tốt đã bị nhiễm độc bởi thứ vi khuẩn tinh tế là lòng tự mãn và tính kiêu căng. Họ tự thoả mãn với chính mình, tự coi mình là hơn kẻ khác và tự đặt mình làm khuôn mẫu cho mọi người noi theo.
Còn người thu thuế thì bị coi là hạng bất lương, bị đồng hoá với phường tội lỗi. Họ bị xã hội khinh chê và xa lánh bởi vì họ thường lạm thu quá mức, làm giàu nhờ gian lận, cộng tác với đế quốc Lamã mà bóc lột đồng bào của mình. Hơn ai hết người biệt phái khinh miệt giới thu thuế và bực tức vì Chúa Giêsu thường tiếp xúc với họ. Thế nhưng qua đoạn Tin Mừng vừa nghe chúng ta thấy người thu thuế đã đem lại cho chúng ta những tình cảm tốt đẹp và lời cầu của anh thực sự có một giá trị to lớn.
Đó là một lời cầu chân thành của một người sáng suốt về mình, biết rõ thân phận mình, không ảo tưởng; trái lại ý thức được tình trạng nghèo nàn của mình. Vì thế, thay vì tin tưởng nơi mình, anh đã hướng tới Thiên Chúa, tìm ơn tha thứ và sự công chính nơi Ngài: Lạy Chúa xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi. Chỉ những ai thất vọng về mình mới có thể khát khao và cậy trông nơi Chúa. Và ai trông cậy nơi Chúa thì Ngài sẽ biến đổi nỗi thất vọng của người ấy thành niềm hy vọng. Ơn công chính chỉ được ban cho những tâm hồn khiêm tốn và chân thành nhận lỗi.
Trái lại lời cầu của người biệt phái không đáng được gọi là lời cầu. Đây là những lời ngạo mạn của một kẻ tự mãn. Và không thể có ơn tha thứ cho một kẻ tự mãn. Thiên Chúa chỉ có thể làm no đầy người đói khát, còn những người coi mình là no đầy thì vô phương cầu cứu. Thiên Chúa đuổi họ về tay không vì ơn tha thứ không có lối để vào một tâm hồn khép kín. Những ai biết mình không công chính thì Thiên Chúa sẽ làm cho họ nên công chính, còn những ai tự nhận mình là công chính thì họ không còn là công chính nữa.
Thiên Chúa không phân chia nhân loại làm hai hạng người có tội và không có tội, bởi vì tất cả chúng ta đều là tội nhân. Nhưng Ngài phân chia cách khác thành người có tội biết hối cải và người có tội không nhận tội. Một bên thì được tha thứ còn một bên thì nặng tội thêm.

Chúa Nhật thứ 30 Thường Niên C
Lời Chúa: 
 Lc 18, 9-14
9Đức Giêsu còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: 10"Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. 11Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. 13Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. 14Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ ơn Chúa đã cho một Phê-rô, một Ma-đa-lê-na, một Mát-thêu, một tên gian phi thống hối, được trở nên công chính! 
Chúng con cũng hằng được Chúa mời gọi chiêm ngưỡng sự công chính cao cả của Đức Ma-ri-a nơi cõi lòng khiêm cung sâu thẳm của người; 
Xin hãy giúp chúng con để mỗi khi vì bất hạnh rơi vào vòng tội lỗi, chúng con biết cầu xin Chúa như Thánh Phê-rô, như Madalena, như Thánh Mat-thêu như tên gian phi thống hối ... để được Chúa xót thương tha thứ tội lỗi cho chúng con. Amen.

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

NHẬN ĐỊNH VỀ NHỮNG TAI HỌA




"Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy". (Lc 13,5)
GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLO ĐỆ II:
* Karol Jozef Wojtyla sinh ngày 18/05/1920 tại Ba Lan. Tuổi thơ của Karol mang nhiều tang tóc. Giữa bao nhiêu khó khăn cấm cản tại quê hương Ba Lan do bị quân Đức chiếm đóng, Karol khám phá ra ơn gọi tu trì và quyết định xin theo các khóa huấn luyện đào tạo linh mục lén lút tại Cracovia.
Ngày 16/10/1978, ngài được chọn làm Giáo Hoàng với tên hiệu là Gioan Phaolo 2. Ngày 13/05/1981, ngài bị mưu sát nhưng thoát chết nhờ sự che chở của Đức Maria. Ngài miệt mài hoạt động phục vụ không biết mỏi mệt. Ngài qua đời ngày 02/04/2005 tại Vatican.
Và ngày Chúa nhật 27/04/2014 là ngày mà giới báo chí gọi là “Chúa nhật 4 Giáo Hoàng”; lần đầu tiên hai vị Giáo Hoàng cùng được tôn phong hiển thánh trong một buổi lễ: đó là ĐGH. Gioan 23 và ĐGH. Gioan Phaolô 2 và lần đầu tiên hai vị Giáo Hoàng: một vị đương kim và một vị cựu, cùng hiện diện trong buổi lễ; đó là Đức Phanxicô và Đức Bênêđictô 16.

Cùng một biến cố, nhưng người ta có thể nhìn dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Bệnh AIDS (SIDA) chẳng hạn, các nhà Y học coi đó như một thách đố cho việc tìm tòi, một số kỹ nghệ gia coi đó là dịp để tung ra các sản phẩm phòng ngừa, các nhà đạo đức thì coi đó như là chiếc roi của Thiên Chúa trừng phạt nhân loại, còn người có đức tin thực sự lại nhận ra ở đó khởi điểm của tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.
Chúa Giêsu đã nhắc đến phản ứng rất thông thường của người Do thái và có lẽ cũng là của nhiều Kitô hữu, đó là qui trách cho Thiên Chúa mọi sự trừng phạt. Khi Philatô ra lệnh xử tử một số người Galilê nổi loạn, thì người Do thái cho rằng những người này đáng bị trừng phạt vì là những kẻ tội lỗi. Khi tháp Silôê đổ xuống làm một số người chết, người ta cũng bảo là họ bị Chúa phạt.
"Chúa phạt", đó có thể là phản ứng của chúng ta khi đứng trước một tai họa cho người khác. Chúng ta vừa gán cho Chúa một hình ảnh không mấy đúng đắn về công bình, vừa vô tình kết án người khác mà quên đi thân phận yếu hèn của mình.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn vào các biến cố với niềm tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa. Dù con người tội lỗi đến đâu, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương, tha thứ cho họ. Ý thức về tình yêu ấy, con người cũng được mời gọi hoán cải. Càng nhận ra tình yêu Thiên Chúa, càng ý thức về thân phận yếu hèn của mình và càng phải cảm thông và yêu thương người khác nhiều hơn. Sám hối trước tiên phải là sám hối trong cái nhìn về Thiên Chúa nhân từ, đồng thời thay đổi cái nhìn đối với người khác.

Thứ Bảy Tuần thứ 29 Thường Niên - Thánh Gioan Phaolô 2, Giáo Hoàng.
Lời Chúa: 
 Lc 13, 1-9
1Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. 2Đức Giêsu đáp lại rằng: "Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? 3Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. 4Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? 5Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy."
 
6Rồi Đức Giêsu kể dụ ngôn này: "Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, 7nên bảo người làm vườn: "Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? 8Nhưng người làm vườn đáp: "Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó.9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi."

Lạy Chúa.
Chúng con cảm tạ Chúa vì đã luôn thức tỉnh chúng con, mời gọi chúng con sám hối, canh tân. Chúng con muốn vượt ra khỏi những vòng nô lệ của tật xấu và tội lỗi. Xin thương ban ơn thánh Chúa, thanh luyện giúp chúng con trở thành những con người mới, sống theo mẫu gương của Chúa, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong mọi hoàn cảnh. Amen

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

NHẬN XÉT THỜI ĐẠI NÀY

http://tonggiaophanhue.net/home/index.php…

"Các ngươi biết tìm hiểu diện mạo trời đất? Còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu?"
Cuộc sống con người được dệt bằng muôn ngàn dấu chỉ. Các thứ bảng hiệu, đèn xanh đèn đỏ, là dấu chỉ; thậm chí tiền bạc, nụ hôn, bản nhạc buồn vui… tất cả đều là dấu chỉ, nói lên những sắc thái của đời sống xã hội, qua đó con người giao tế, biểu cảm và xây dựng cộng đoàn. Chưa hết, con người rất thích những dấu chỉ lạ, sẵn sàng bỏ tiền, bỏ thời giờ, dù có phải lặn lội đường xa để đến xem cho kỳ được, chẳng hạng một danh ca, một người mẫu nổi tiếng, một nhà trí thức… Tuy nhiên, trước những dấu chỉ của thời đại mời gọi con người nhận ra ý nghĩa siêu nhiên, nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa thì con người vẫn cứ lì lợm không chịu sám hối ăn năn bỏ đàng tội lỗi. Đây là một thực tế đau lòng khiến Chúa phải nhiều lần quở trách.
Dấu chỉ thường đi liền với chứng nhân. Chứng nhân làm tốt, dấu chỉ sẽ đẹp; ngược lại dấu chỉ sẽ mờ đi hay dẫn tới nguy hiểm nếu chứng nhân làm điều xấu. “Lời nói bay đi, gương bày lôi kéo”. Khi bạn làm được một điều tốt, bạn nâng cả thế giới lên (Émile Leseur). Vì vậy ta phải thận trọng trong cách ăn nết ở để không trở nên những dấu chỉ phản cảm cho người khác.
Khi bạn làm một việc thờ phượng, một việc bác ái với tất cả sự trân trọng và tấm lòng của bạn, lúc đó bạn đang là chứng nhân, đang làm một dấu chỉ tốt cho tha nhân.

Thứ Sáu Tuần thứ 29 Thường Niên C
Lời Chúa: 
 Lc 12, 54-59
54Đức Giêsu cũng nói với đám đông rằng: "Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: "Mưa đến nơi rồi,” và xảy ra đúng như vậy. 55Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: "Trời sẽ oi bức,” và xảy ra đúng như vậy. 56Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét? 57"Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải? 58Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. 59Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng."

Lạy Chúa, thiên nhiên và cuộc sống là hai trang sách Chúa mở sẵn cho con đọc và ghi chú vào đó. Xin giúp con biết nhận ra ý Chúa và sống sao cho đẹp lòng Chúa mỗi ngày. Amen.