Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016


ĐỨC GIÊSU HÓA BÁNH RA NHIỀU



Chúa Giêsu tìm vào hoang địa vắng vẻ. Nhưng dân chúng nghe biết thì đi theo. Họ theo quá đông, có đến trên năm ngàn người! Đến chiều, dẫu đã đói, họ vẫn cứ theo. Vì thương họ, Chúa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi họ. Tin Mừng kể rằng, Chúa cầm bánh và cá mà các môn đệ mang đến, rồi “đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ”, để các ông phân phát cho dân.

Một phép lạ phi thường: Chỉ một hành động “bẻ ra” đã trở nên lương thực nuôi bằng ấy người. Tất cả họ đều ăn mà vẫn dư đến mười hai giỏ đầy!

Nhưng phép lạ ấy không thuộc về quá khứ. Ngày hôm nay, để nuôi linh hồn, nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của ta, Chúa đã “bẻ” chính cuộc đời của Người, “bẻ” chính thân xác Người.
Trong mỗi thánh lễ, linh mục chủ tế sẽ bẻ tấm bánh mà mọi tín hữu đều tin đó là Mình thánh Chúa. Chủ tế nâng cao Mình Thánh và nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xóa tội trần gian”.

Dấu chỉ bẻ Mình Thánh từ tay linh mục là dấu chỉ Chúa Kitô tự bẻ chính mình trong bí tích Thánh Thể. Thánh Thể là lời nói chung quyết, mạnh mẽ của tình yêu, là sự bẻ ra tuyệt đỉnh mà chỉ có một mình Chúa chúng ta mới làm thế. Người bẻ ra vì yêu ta không bờ, không bến.

Tôn vinh Mình Thánh trên tay, chủ tế còn mời gọi: “Phúc cho ai được dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Bạn có yêu mến Chúa Giêsu không? Nếu yêu mến, ta hãy cung kính rước Người vào tâm hồn mình. Nếu lỡ biết mình bất xứng, lo xưng tội để được rước Chúa. Bạn hãy khao khát được rước Chúa hằng ngày suốt đời bạn, vì Chỉ có một mình Người là Của Ăn đích thực dẫn ta vào mầu nhiệm hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa mà thôi.

Thánh AN-PHONG MA-RI-A LI-GÔ-RI

Giám mục, lễ nhớ
sinh tại Marianella, gần Naples năm 1696 
qua đời tại Nocera (Canipanie) ngày 1.8.1787
iO agN 10x350.pngThánh AN-PHONG qua đời ngày 1.8,1787 thọ 91 tuổi. Ngài chào đời vào ngày 27.9.1696 trong gia đình de’Liguori ở Neapel, nước Ý.
Mới 16 tuổi, ngài đồ bằng tiến sĩ luật của cả đạo lẫn đời, trở thành một luật sư nổi tiếng. Vì ngài thấy rằng, với nghề này, người ta khó tránh được áp lực của đồng tiền, buộc phải bảo vệ sự bất công, ngài quyết định trở thành linh mục. Ngày 21.12.1726 ngài thụ phong linh mục, lúc 30 tuổi.
Qua những kinh nghiệm trong đời sống mục vụ, ngài lập “Dòng Chúa Cứu Thế” vào năm 1732. Dòng này dấn thân phục vụ cho tầng lớp nhân dân thấp hèn, bị bỏ rơi về mặt tôn giáo, đạo đức. Ngài gặp nhiều chống đối, cả về mặt tôn giáo, khi thành lập dòng, dù vậy, vào năm 1749, luật dòng cũng đã được Đức Thánh Cha Bênêđíctô XIV phê chuẩn.
Thánh AN-PHONG luôn là một tu sĩ đạo đức và là một nhà khổ hạnh nghiệm nhặt, cả lúc ngài trở thành giám mục của địa phận Agata de’ Goti vào năm 1762, lúc ngài đã 66 tuổi. Ngài dành tất cả phần lớn thời giờ cho tòa giải tội hay trên tòa giảng. Sau 15 năm cống hiến cho địa phận, ngài từ chức và lui về Nocera dei Pagani. Mười hai năm cuối đời, Ngài chịu nhiều đau khổ về mặt thể xác cũng như tinh thần, nhưng sau đó, Ngài cũng tìm được bình an và yên giấc trong tay Chúa.
Ngài viết trên 100 tác phẩm tôn giáo. Quyển “Thần học luân lý” xuất bản năm 1748 và những hướng dẫn cho các cha giải tội tạo được nhiều ảnh hưởng lớn trong Hội Thánh. Ngài được phong thánh năm 1839 và được nâng lên hàng tiến sĩ Hội Thánh vào năm 1871.
Trích tác phẩm của thánh AN PHONG
“Tất cả sự thánh thiện và trọn lành trong lòng nằm nơi việc yêu mến Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, là sự thiện tuyệt đối và là Đấng Cứu chuộc chúng ta. Vì chính lòng yêu mến sẽ tập trung và bảo toàn được mọi nhân đức làm cho con người nên trọn lành.
Thiên Chúa lại chẳng đáng cho chúng ta đem hết lòng yêu mến sao? Từ đời đời Người đã yêu ta. Người như nói với ta rằng : “Hỡi con, con nên biết: chính Ta đã yêu con trước. Ngay trước khi con chào đời, và ngay cả trước khi có vũ trụ, Ta đã yêu con. Ta yêu con ngay từ khi Ta hiện hữu.”
Thứ Hai Tuần XVIII - 1/8 Thánh Alphongsô Maria Liguori, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh
Lời Chúa: 
 Mt 14, 13-21
13 Khi ấy, Chúa Giêsu nghe tin Gioan Tẩy Giả đã chết, thì Người rời bỏ nơi đó xuống thuyền đi đến nơi hoang địa vắng vẻ. Dân chúng nghe biết, thì từ các thành phố đi bộ theo Người. 14 Ra khỏi thuyền, Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ và chữa những người bệnh tật trong họ.
15 Chiều tới, các môn đệ đến gần thưa Người rằng: "Ðây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi: xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn".
16 Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng: "Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn". 17 Các ông thưa lại rằng: "Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá". 18 Người bảo các ông rằng: "Hãy đem lại cho Thầy".
19 Khi Người đã truyền cho dân chúng ngồi trên cỏ, Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các ông này phân phát cho dân chúng. 20 Mọi người đều ăn no. Và người ta thu lượm được mười hai thúng đầy những miếng bánh vụn. 21 Số người ăn là năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con hết lòng cảm tạ Chúa, vì nhờ tình thương bao la của Chúa, chúng con được nâng lên địa vị quan trọng là được làm con Thiên Chúa,  làm công dân nước trời, và được bảo đảm được quê trời.

Xin Chúa cho chúng con biết sống xứng đáng với địa vị cao sang ấy và trung kiên đến cùng trên con đường nến thánh. Xin cho chúng con luôn khao khát rước Chúa vào linh hồn mỗi ngày, để được chính Chúa làm sức mạnh đời đời của chúng con.

Lạy Chúa, Chúa không ngừng ban cho Hội Thánh những khuôn mẫu luôn luôn mới mẻ của đời sống Kitô hữu. Xin cho chúng con hằng noi gương thánh giám mục Anphong mà nhiệt thành cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ, để mai sau được Chúa ân thưởng cùng với thánh nhân. Amen

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016


CHỚ CẬY VÀO VẬT CHẤT 




Oprah Winfrey là nữ hoàng truyền hình của Mỹ, cũng là nữ hoàng từ thiện của nhiều chương trình, nhất là tặng học bổng cho các trẻ em, thiếu nữ nghèo ở Phi Châu. Bà là người hùng, hình mẫu vĩ đại của rất nhiều người vì sự chia sẻ hào phóng ấy. Bà nói về chuyện giàu có như sau: “Tôi dễ chịu vì những gì sự giàu có mang lại, thế nhưng sự giàu có ấy không thay đổi được điều tôi là ai. Chân tôi vẫn ở trên mặt đất. Chỉ có điều tôi mang đôi giày tốt hơn thôi.” Người phú hộ trong bài Tin Mừng không hành xử được như vậy, ông chỉ mãi mê thu tích cho riêng mình. Chỉ trong một đoạn văn ngắn, ta nhận ra năm lần chữ “mình” của ông. Cái nhìn của ông về cuộc đời quá hạn hẹp, chỉ thu gọn nơi việc có nhiều của cải để hưởng thụ, mà quên mất phải tường trình cho Chúa về việc sử dụng của cải ấy trong ngày cuối đời.
Con người không tránh được cái chết: Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” Cái chết có thể đến với con người bất cứ lúc nào, vì mạng sống của con người nằm trong tay Thiên Chúa. Nếu một người dành cả cuộc đời để vất vả lao nhọc hầu tìm cho mình những lợi nhuận vật chất, mà không lo tích trữ cho mình những của cải trên trời, để rồi khi Thiên Chúa gọi anh về, anh được lợi gì đâu? Anh sẽ mất hết của cải đã tạo dựng được và mất luôn sự sống vĩnh cửu, vì đã không lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa.
Chúa Nhật tuần XVIII mùa Thường Niên - Năm C
Lời Chúa: 
 Lc 12,13-21
13 Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi". 14 Người bảo kẻ ấy rằng: "Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?" 15 Rồi Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu."
16 Người lại nói với họ thí dụ này rằng: "Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, 17 nên suy tính trong lòng rằng: 'Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?' 18 Đoạn người ấy nói: 'Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, 19 và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: "Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi." 20 Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: 'Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?' 21 Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy".
Lạy Chúa Giê-su, khi chọn cuộc sống nghèo khó của đại đa số người dân lao động, Chúa muốn chia sẻ thân phận kiếp người với chúng con. Xin cho chúng con, khi nỗ lực làm việc để kiếm tiền, ý thức tiền của ấy không phải chỉ để mua sắm, hưởng thụ, nhưng còn để chia sẻ với người nghèo. 
Tiền tài và vật chất đã nhiều lần làm cho tâm hồn chúng con ra mê muội, chỉ nghĩ đến việc tranh chấp, làm mất đi tình nghĩa anh em và bà con lối xóm. Xin Chúa cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết đặt tình thương và sự hy sinh trước mọi sự, để được sống hạnh phúc và bình an cho tâm hồn. Amen

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

ĐỊNH HƯỚNG 


Một lần đi tham dự tuần tĩnh tâm năm tại TGM Xuân Lộc, sau bữa ăn tối, một linh mục lớn tuổi đi đến vỗ vai tôi và hỏi thăm về việc sửa sang nhà thờ chính tòa Xuân Lộc. Biết là vị linh mục nhìn lầm nên tôi quay lại để cho Ngài thấy rõ, Cha liền xin lỗi rối rít : “Ồ, xin lỗi nhá, nhưng sao cha lại trông giống Cha Ngô Công Sứ thế nhỉ?”. Tôi pha trò : “Tại trời tối nên Cha Cố nhìn lộn thôi, Cha NCS đẹp hơn con nhiều, hơn nữa, nếu trời sáng Cha Cố sẽ thấy con da thì nhăn nheo còn đầu thì bạc trắng ”.
Hôm nay, Phúc Âm cũng cho ta thấy một người nhìn lộn, nhìn gà hóa cuốc, đó là tiểu vương Hêrôđê. Rõ ràng chính miệng ông đã ra lệnh giết Gioan Tẩy Giả, tay ông đã bưng mâm đặt đầu Gioan Tẩy Gỉa đưa cho cô con gái Hêrođiađê, thế mà khi nghe nói về Đức Giêsu, ông lại dám khẳng định cách mạnh mẽ:“ Đó chính là Gioan Tẩy Gỉa đã sống lại”. Phải chăng lời nói, việc làm và cuộc sống của Đức Giêsu rất giống với Gioan? Gioan được gọi là vị Ngôn Sứ cuối cùng của thời Cựu Ước, vậy phải chăng Đức Giêsu cũng là một Ngôn Sứ?
Khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, cũng chính là lúc chúng ta được “hóa đồng mẫu số” với Đức Giêsu, nghĩa là chúng ta cũng trở thành Ngôn Sứ của Thiên Chúa như Thánh Gioan, như Đức Giêsu.
Tuy nhiên, cái khác biệt giữa các Ngài và ta là ở chỗ: lời ta, đời ta không khớp với ơn gọi Ngôn Sứ của mình. Chính vì thế mà những người khác, đặc biệt là anh em lương dân không bao giờ “nhận lầm” chúng ta với Gioan, với Đức Giêsu.
Đôi khi ngược lại là đàng khác: họ tưởng chúng ta là các Kitô hữu thì sẽ sống như Đức Giêsu, cư xử như Đức Giêsu theo đúng lời Thánh Phaolô đã nói: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”, nhưng trái lại họ chỉ thấy chúng ta khác Đức Giêsu hòan tòan.
Chính nơi đây tôi hiểu rõ hơn kiểu chơi chữ của một giáo dân khi phê bình về các linh mục :“ Người ta vẫn gọi các ngài là Alter Christus, nghĩa là một Đức Kitô khác, nhưng tôi chỉ thấy các ngài khác Đức Kitô “.
Như thế đấy, khi chúng ta không sống đúng ơn gọi và sứ mệnh Ngôn Sứ của mình, chúng ta sẽ trở thành những phản chứng, những ngộ nhận và những rào cản người khác đến với Đức Kitô, đến với Giáo Hội.

Thứ Bảy tuần XVII mùa Thường Niên - Ngày 30/07: Thánh Phêrô Chrysôlogô
Lời Chúa: 
 Mt 14,1-12
1 Khi ấy quận vương Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, 2 thì nói với những kẻ hầu cận rằng: "Người này là Gioan Tẩy Giả, ông từ cõi chết sống lại, nên mới làm được các phép lạ như vậy". 3 Tại vì Hêrôđia vợ của anh mình mà vua Hêrôđê đã bắt trói Gioan tống ngục, 4 bởi Gioan đã nói với vua rằng: "Nhà vua không được lấy bà ấy làm vợ". 5 Vua muốn giết Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi Gioan như một tiên tri. 6 Nhân ngày sinh nhật của Hêrôđê, con gái Hêrôđia nhảy múa trước mặt mọi người, và đã làm cho Hêrôđê vui thích. 7 Bởi đấy vua thề hứa sẽ ban cho nó bất cứ điều gì nó xin. 8 Được mẹ nó dặn trước, nên nó nói: "Xin vua đặt đầu Gioan Tẩy Giả trên đĩa này cho con". 9 Vua lo buồn, nhưng vì đã trót thề rồi, và vì các người đang dự tiệc, nên đã truyền làm như vậy. 10 Ông sai người đi chặt đầu Gioan trong ngục,11 và để đầu Gioan trên đĩa đem trao cho cô gái, và nó đem cho mẹ nó. 12 Các môn đồ của Gioan đến lấy xác thầy và chôn cất, rồi đi báo tin cho Chúa Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, xin cho chúng con biết sống có ích cho tha nhân và đừng bao giờ làm khổ anh em. Xin cho chúng con biết sử dụng hồng ân Chúa ban để ca tụng vinh danh Chúa luôn. Amen.

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016


CHIÊM NIỆM VÀ HOẠT ĐỘNG



"Con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".
“Đức Giêsu yêu quý Mácta, Maria và Lagiarô”. Câu nói độc đáo này trong Phúc Âm của Thánh Gioan cho chúng ta biết về sự tương giao đặc biệt giữa Ðức Giêsu và Mácta, người em Maria, và người anh Lagiarô của thánh nữ.
Hiển nhiên, Ðức Giêsu là người khách thường xuyên đến nhà Mácta ở Bêtania, một ngôi làng nhỏ bé cách Giêrusalem chừng hai dặm. Chúng ta thấy ba lần đến thăm của Ðức Giêsu được nhắc đến trong Phúc Âm Luca 10,38-42, Gioan 11,1-53, và Gioan 12,1-9.
Nhiều người dễ nhận ra Mácta qua câu chuyện của Thánh Luca. Khi ấy, Mácta chào đón Ðức Giêsu và các môn đệ vào nhà của mình, và ngay sau đó Mácta chuẩn bị cơm nước. Sự hiếu khách là điều rất quan trọng trong vùng Trung Ðông và Mácta là điển hình. Thử tưởng tượng xem ngài bực mình biết chừng nào khi cô em Maria không chịu lo giúp chị tiếp khách mà cứ ngồi nghe Ðức Giêsu. Thay vì nói với cô em, Mácta xin Ðức Giêsu can thiệp. Câu trả lời ôn tồn của Ðức Giêsu giúp chúng ta biết Người rất quý mến Mácta. Ðức Giêsu thấy Mácta lo lắng nhiều quá khiến cô không còn thực sự biết đến Người. Ðức Giêsu nhắc cho Mácta biết, chỉ có một điều thực sự quan trọng là lắng nghe Người. Và đó là điều Maria đã làm. Nơi Mácta, chúng ta nhận ra chính chúng ta -- thường lo lắng và bị sao nhãng bởi những gì của thế gian và quên dành thời giờ cho Ðức Giêsu. Tuy nhiên, thật an ủi khi thấy rằng Ðức Giêsu cũng yêu quý Mácta như Maria.

Thứ Sáu Tuần XVII Mùa Thường Niên Năm chẵn
Thánh Mácta

PHÚC ÂM (kính thánh Mácta): Ga 11, 19-27
Khi ấy, nhiều người Do-thái đến nhà Martha và Maria để an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy". Chúa Giêsu nói: "Em con sẽ sống lại". Martha thưa: "Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con sẽ sống lại". Chúa Giêsu nói: "Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?" Bà thưa: "Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian".

Lạy Chúa,
Xin giúp chúng con hiểu và thành công hòa hợp được hai yếu tố không thể tách rời của đời sống Kitô đích thực là làm việc và cầu nguyện. 
Ước chi việc chúng con làm đều phát xuất từ lời cầu nguyện là việc lắng nghe Lời Chúa và được nâng đỡ bởi sức mạnh của Chúa, sức mạnh trao ban trong những giây phúc chúng con trở về lắng nghe Chúa nói.Amen

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016


CHÚA YÊU HẾT MỌI NGƯỜI





"Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4, 8), vì thế, Ngài luôn yêu thương hết mọi người không phân biệt tốt xấu, giàu nghèo hay chức vị cao thấp.
Bản chất đó hôm nay được Đức Giêsu mặc khải qua dụ ngôn “chiếc lưới”.
Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nói: chiếc lưới như là Nước Trời. Chụp xuống biển là hành động Lời Chúa được trao ban. Bắt được đủ mọi thứ cá chính là mọi người đều được Lời Chúa dạy dỗ. Cá tốt, là những người nghe và thực hành Lời Chúa. Cá xấu là những người không nghe, hay có nghe nhưng Lời Chúa không biến đổi được họ vì sự ích kỷ và kiêu ngạo. Tuy nhiên, cá tốt và cá xấu đều tồn tại! Chỉ khi chiếc lưới chụp xuống và được kéo lên, lúc ấy chúng mới bị phân biệt. Cá tốt thì cho vào giỏ. Cá xấu thì quăng ra ngoài.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy là cá tốt trong chiếc lưới của Ngài. Đồng thời cũng dạy ta bài học về sự kiên nhẫn và sẵn sàng yêu thương hết mọi người. Biết mở lòng để đón nhận sự bất toàn của anh chị em mình, hầu chờ cơ hội để Chúa và cả chúng ta cải hóa anh chị em.
Cuối cùng chúng ta cần xác định quyền xét xử là của Chúa và do Chúa. Bổn phận của chúng ta là tin tưởng, cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa.



Phúc Âm: Mt 13, 47-53

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Ðến ngày tận thế cũng như vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?" Họ thưa: "Có".

Người liền bảo họ: "Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái cũ, mới trong kho mình". Khi Chúa Giêsu phán các dụ ngôn đó xong, thì Người rời khỏi nơi ấy.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con tin tưởng, phó thác nơi Chúa, cậy dựa vào ơn Chúa để can đảm biến đổi. Xin cho chúng con được trở thành cá tốt trong ngày sau hết để được Chúa cho vào giỏ của Chúa là Nước Trời. Amen.

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

CÂU CHUYỆN VỀ NƯỚC TRỜI 



Ông Phạm Đình Nguyên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối Tổng hợp quốc tế (IDS), có trụ sở tại TP HCM là người đã trả 0,9 triệu USD để mua thị trấn Buford (bang Wyoming, Mỹ).
Ông tâm sự: “Sở hữu một phần của nước Mỹ là ước mơ của tôi. Khi đọc được một bài báo nói về việc đấu giá thị trấn Buford, tôi đã rất phấn khích. Vì vậy, tôi đã quyết định sẽ tới Wyoming để trực tiếp tham gia. Đây là một hành trình dài nhưng cuối cùng tôi cũng thực hiện được ước mơ của mình”.

Điều đáng nói: Ông Nguyên không phải là người có “của ăn, của để”. Theo thông tin chia sẻ với báo chí, ông đã có hơn 15 năm “làm thuê” với các công ty nước ngoài (Coca-Cola, Nokia) và trong nước (ICP, Kinh Đô), chủ yếu là liên quan đến phân phối và phát triển thị trường. Và công ty IDS mà ông sáng lập cũng cho thấy nó cũng tập trung vào phân phối và phát triển một số thương hiệu như O-Cleen, HapiKids, Hatrick…

Ông Nguyên cũng cho biết, 900.000 USD mua thị trấn Buford là huy động từ họ hàng, người thân ở bên Mỹ. Một khi đi mượn như vậy, ai mà dám dùng để lấy le?
 
Thực ra ông đã thấy tiềm năng từ thị trấn này. Ông coi thị trần này như viên ngọc quý mà ông tìm được nên bán gia sản để mua cho bằng được. Ông đã bất chấp lời ra tiếng vào để theo đuổi lập trường của mình. Ông bị nhiều người phê bình là mạo hiểm khi mua thị trấn “khỉ ho cò gáy” này.

Vâng, vì lợi nhuận, các nhà doanh nghiệp chẳng ngần ngại đầu tư tiền bạc vào các công trình. Chỉ vì muốn đi đến đỉnh vinh quang, các vận động viên đầu tư mọi sức lực vào việc luyện tập. Vì tương lai, người trẻ sẵn sàng đầu tư chất sám và thời gian cho sự học hỏi.

Tôi tự hỏi: “vì Nước trời, tôi đã dám nghĩ đến chuyện đầu tư cho đức tin chưa ?” Nếu nghĩ rằng Nước trời là gia nghiệp nhưng tôi đã làm gì để xây dựng gia nghiệp của mình?

Thứ tư tuần 17 Thường Niên
Lời Chúa: 
 Mt 13, 44-46
44 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. 45 Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. 46 Tìm được một viên ngọc quý, anh trở về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúng con thật hạnh phúc vì có Chúa là gia nghiệp cuôc đời chúng con. Xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con đừng vì những của cải mau qua trần gian mà đánh mất gia tài Nước Trời. 
Nhưng Chúa ơi, cuộc đời có quá nhiều những cám dỗ tội lỗi. Có biết bao cám dỗ mời mọc chúng con xa Chúa. Có biết bao cám dỗ luôn hấp dẫn chúng con từng phút từng giây. Cám dỗ nào cũng để lại trong chúng con sự lưu luyến. Đôi khi vì yếu đuối mà chúng con sa vào cám dỗ của ma quỷ. Mỗi lần chúng con phạm tội là một lần chúng con xa lìa Chúa, chúng con đánh mất viên ngọc quý là chính Chúa. Như thế, chúng con cũng đánh mất gia bảo Nước Trời mai sau.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin ban ơn sức mạnh để chúng con can đảm từ khước ước muốn tội lỗi. Xin giúp chúng con biết gìn giữ kho tàng ân sủng của Chúa để nhờ ơn Chúa chúng con luôn biết sống theo đường lối của Chúa. Xin giúp chúng con biết chọn Chúa hơn là những thú vui mau qua đời này. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016


PHÚC VÌ ĐƯỢC THẤY - PHÚC VÌ ĐƯỢC NGHE


1 - Phúc vì được thấy:
Đôi mắt của chúng ta được dựng nên, có “ơn gọi” không phải là nhìn thấy những điều hữu hình, nhưng qua những điều hữu hình, nhận ra những thực tại vô hình. Thực vậy, chúng ta được mời gọi nhìn thấy sự vật không chỉ như là sự vật, nhưng còn là những quà tặng, những ơn huệ, những dấu chỉ, nói lên sự hiện diện của ai đó, của tình thương, nói lên Đấng ban ơn, nói lên chính Đấng tạo dựng.
Đôi mắt của thánh Gioakim và thánh Anna, đôi mắt của các môn đệ và đôi mắt của chúng ta thật là có phúc, như Đức Giê-su nói: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy”, bởi vì chúng ta được ơn nhận biết Đức Giê-su Nazareth là Đức Ki-tô, Con Thiên Hằng Sống và Ngôi Lời nhập thể. Đôi mắt có phúc là đôi mắt nhận biết Đức Giê-su Ki-tô; và đôi mắt nhận biết Đức Giê-su Ki-tô là đôi mắt sống đúng với ơn gọi của mình.
2 - Phúc vì được nghe:
Cũng vậy đối với đôi tai của chúng ta: đôi tai của chúng ta được ban cho, có ơn gọi không phải là nghe tiếng động hay âm thanh, nhưng là nghe ra sự hài hòa của âm thanh, nghe được giai điệu, kết cấu của âm thanh, truyền đạt cho chúng ta một ý nghĩa, một sứ điệp, truyền đạt cho chúng ta Ngôi Lời, bởi vì « Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành » (Ga 1, 3 và St 1): Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm.
Hội Thánh đã chọn ngày 26/7 hằng năm kính nhớ hai thánh Gio-a-kim và Anna. Lòng sùng hai vị thánh này đã có từ cổ xưa và ngày nay đã lan tràn khắp thế giới.
Thánh Gio-akim và thánh Anna là những cây tươi tốt, đã từng là những hạt giống tốt xinh, đã hiện diện ở cuộc đời này và sinh ra hoa trái rất tốt tươi là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Con Thiên Chúa. Quả thực, chính hạt giống là hai thánh Gio-a-kim và Anna đã chịu thối đi trong lòng đất, nên đã sinh ra hoa trái xinh tươi là Đức Giêsu Kitô.
Thánh Gio-a-kim tượng trưng cho người gia trưởng mẫu mực đạo đức, thánh thiện và luôn sẵn sàng bảo vệ, nâng đỡ bà thánh Anna, còn bà thánh Anna được tôn sùng như mẫu gương của các bà mẹ, đồng thời Hội Thánh tặng cho bà danh hiệu Mẹ của Đức Trinh Nữ Maria. Sách nguyï thư của thánh Giacôbê có ghi: “ Hai ông bà đã già mà không có con, đây là một thử thách lớn lao của hai ông bà, nhưng cuối cùng thiên thần Chúa đã hiện ra loan báo cho hai ông bà một tin vui mừng: bà sẽ thụ thai và sinh ra Đức Trinh Nữ Maria và hai ông bà đã dâng Đức Mẹ trong đền thờ cho Thiên Chúa “.
Gia đình là nền tảng của xã hội, là Hội Thánh thu hẹp trong đó đức tin được toả sáng khắp nơi. Chính vì hiểu rõ vai trò của đời sống gia đình. Chúa Giêsu khi tới trần gian theo ý Đức Chúa Cha, Ngài cũng chọn một gia đình để sinh ra. Khi có một gia đình, có cha có mẹ, Chúa Giêsu muốn nâng cao phẩm giá của gia đình... Ngài chỉ ra rằng gia đình luôn có vai trò đặc biệt trong lịch sử cứu rỗi. Mẹ của Chúa Giêsu là Maria và Cha của Ngài là thánh Giuse. Maria cũng đã xuất thân trong một gia đình đạo đức, thánh thiện. Cha của Người là thánh Gio-a-kim và Mẹ của Người là bà thánh An-na. Hai ông bà Gioakim và Anna đã một mực tuân theo ý Chúa, một mực làm mọi sự theo khuôn mẫu của Chúa.

THỨ BA TUẦN XVII MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM C
LỄ THÁNH GIOANKIM VÀ THÁNH ANNA 
Song Thân của Đức Maria
LỜI CHÚA: Mt 13, 16-17
16 "Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. 17 Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.

Lạy Chúa là Thiên Chúa các tổ phụ của chúng con, Chúa đã ban cho hai thánh Gioakim và Anna đặc ân làm song thân của Đức Maria, Thánh Mẫu Con Nhập Thể của Chúa. Ước chi những lời cầu xin của các ngài giúp chúng con đạt được phần rỗi mà Chúa đã hứa ban cho dân Chúa. Amen

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

PHỤC VỤ


//giaophanphucuong.org/suy-niem-thu-hai-tuan-xvii-thuong-nien-c---gkgd-giao-phan-phu-cuong-2081
Thánh Giacôbê tông đồ, Giáo Hội mừng kính hôn nay, là con của ngư phủ Giêbêđê và bà Salomê, anh của tông đồ Gioan. Phúc Âm thường nhắc đến hai anh em này. Chúa có lần gọi Giacôbê là “con của thiên lôi”, điều này cho thấy rằng Ngài là con người nóng nảy và cuồng nhiệt đến thế nào. Phản ứng của Ngài đối với các dân thành Samari đã giải thích điều đó : “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống mà tiêu diệt chúng không?” (Lc 9, 54).
Với toan tính hoàn toàn con người của Bà Sa-lô-mê, là mẹ của Ngài, đã Thỉnh cầu Chúa Giêsu cho Giacôbê và Gioan rằng : “Xin Ngài truyền lệnh cho các con tôi đây được ngồi một đứa bên tả, một đứa bên hữu Ngài trong Nước của Ngài” (Mt 20, 21). Trước khi trả lời, Đức Giêsu hỏi lại: "Các ngươi có uống nổi chén Thầy sắp uống không?"
Chén": Biểu tượng của đau khổ. Chính Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu đã thốt lên "Xin cho con khỏi uống chén này" (14,36). Đức Giêsu hỏi hai ông có thể chịu những đau khổ và sự chết của Ngài không.
Mặc dù có những suy nghĩ và tham vọng đi ngược với vai trò và tinh thần của người tông đồ, nhưng Chúa Giê-su vẫn gọi và chọn Ngài đi theo Chúa và làm Tông Đồ cho Chúa. Được Chúa huấn luyện, dạy dỗ, cùng với lòng chân thành theo Chúa, Gia cô bê đã trở thành người đầu tiên trong nhóm 12 đã lấy máu đào làm chứng cho Chúa Giêsu. Vua Hêrôđê Antipas đã ra lệnh chặt đầu Ngài vào năm 44 (Cv 12,2 ).
Điều này chứng tỏ ơn thánh của Chúa Ki-tô quả là sức mạnh làm biến đổi tâm hồn và cuộc sống của Giacôbê đến độ Ngài đã hiến mình trọn vẹn cho Chúa.
Noi gương thánh Giacôbê,mỗi người không nên tự ty mặc cảm về những hèn kém của mình, nhưng tin tưởng vào tình thương và sức mạnh của ơn Chúa để hiến thân trọn vẹn cho Chúa. Dù con người mình vẫn chấp chứa đày những toan tính, ước vọng tầm thường, vẫn còn những đam mê tội lỗi. nhờ Ơn Chúa, chúng ta nỗ lực từng ngày, biết từ bỏ mọi sự và từ bỏ chính bản thân mình để hướng về Chúa, sống cho Chúa cách trọn vẹn hơn.

Thứ Hai tuần XVII mùa Thường Niên
Lời Chúa: 
 Mt 20,20-28
20 Khi ấy, bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Chúa Giêsu. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. 21 Người hỏi: "Bà muốn gì?" Bà ta thưa lại: "Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài".
22 Chúa Giêsu đáp lại: "Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây ta sắp uống chăng?" Họ nói với Người: "Thưa được". 23 Người bảo họ: "Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban, nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho ai thì người ấy mới được". 24 Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em.
25 Chúa Giêsu gọi họ lại mà bảo: "Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. 26 Giữa các con thì không được thế. 27 Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu các con, thì hãy làm tôi tớ các con. 28 Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người".
Lạy Chúa, Thập giá luôn gắn liền với Chúa. Vì thập giá là đỉnh cao của tình yêu mà Chúa dành cho Chúa Cha và cho con người. Xin cho chúng con biết rằng, đời của chúng con muốn bước theo Chúa phải luôn biết sống hy sinh, từ bỏ, hoán cải từng ngày, theo gương Thánh Giacôbê để cho Chúa biến đổi con người, để hoàn toàn mang trong lòng suy nghĩ và cách sống của chính Chúa Giêsu Amen.

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016


KIÊN TRÌ CẦU XIN




Đối với người Kitô hữu, cầu nguyện là một sự tối cần thiết cho đời sống đức tin và sự bình an trong tâm hồn, giúp đem lai sự sống đời đời cho mỗi người, mỗi gia đình và cho cả cọng đoàn chúng ta đang sống và làm việc. Như xưa các Tông Đồ xin Chúa Giêsu dạy cho biết cách cầu nguyện, và Chúa đã dạy “Kinh Lạy Cha”. Bởi vậy, ngay trong cầu nguyện riêng của mỗi người cũng phải đi vào nguyên tắc này của Chúa Giêsu: trước hết là cầu nguyện thờ lạy, tôn vinh, cảm tạ; sau đó mới xin ơn cần thiết cho mình cho gia đình và cho cộng đoàn.

Hôm nay Lời Chúa thật hấp dẫn với ước muốn của mọi người: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho.” Thế nhưng thực tế lại không như vậy. Ngày nay vẫn còn nhiều người quan niệm Thiên Chúa như vị thần của Alibaba, chỉ cần đọc câu thần chú “Vừng ơi! Mở cửa!” là tự khắc cánh cửa kho tàng sẽ mở ra cho họ.

Có những người xin mà không được, tìm mà không thấy, gõ mà không cánh cửa nào mở ra cho họ. Thực ra khi chúng ta cầu xin, Chúa luôn luôn đáp lời và ban cho chúng ta điều tốt nhất “hơn cả những gì lòng người dám ước mong” (Lời nguyện Chúa Nhật XX Thường niên); Chúa không chỉ “mở cửa” khi chúng ta gõ mà hơn thế nữa, Ngài còn đứng ngoài cửa tâm hồn chúng ta gõ (x. Kh 3,20) mong chúng ta tỉnh thức mở cửa đón Ngài (x. Lc 12,36tt) để Ngài vào ân thưởng cho chúng ta, những người tôi trung của Ngài.


Chúng ta rất vui khi có được điều mình mong muốn, nhưng đồng thời lại thật buồn khi không được như ý. Phải chăng chúng ta cầu xin được như ý chúng ta chứ không phải cầu xin cho “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”?
Phải chăng chúng ta đòi Chúa phải theo ý chúng ta thay vì chúng ta phó thác để Ngài dẫn dắt?


Lời Chúa: 
 Lc 11,1-13
1 Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: "Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông". 2 Người nói với các ông:
"Khi các con cầu nguyện, hãy nói: 'Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. 3 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. 4 Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ'".
5 Và Người còn bảo các ông rằng: "Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: 'Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, 6 vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy'. 7 Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: 'Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được'. 8 Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.
9 "Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. 10 Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho.
11 "Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? 12 Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? 13 Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người".
Lạy Chúa Giêsu, mặc dầu chúng con là những kẻ tội lỗi, không xứng đáng đứng trước mặt Chúa mà dâng lời cầu nguyện, nhưng xin Chúa ban cho chúng con ơn đức tin; vững tin vào tình thương của Chúa: Chúa thấu suốt mọi sự, Chúa luôn trợ giúp chúng con trong cầu nguyện, để những lời cầu xin của chúng con được đẹp lòng Chúa. Để được Chúa ban ơn.
Lạy Chúa, con tin Chúa đang hiện diện trong cuộc đời con, xin thêm đức tin cho con để con nhận ra thánh ý Chúa và quyết tâm thi hành. Amen

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016


KIÊN NHẪN 


Không phải đến bây giờ người ta mới đặt vấn đề tại sao Thiên Chúa là Đấng Tốt Lành lại để cho sự dữ có mặt trên đời. Dụ ngôn “Cỏ lùng và lúa tốt” hé mở cho chúng ta hiểu được ý nghĩa của nghịch lý này. Đành rằng Thiên Chúa Tốt lành không tạo ra sự dữ, nhưng Ngài có thể dùng những đau khổ do sự dữ gây ra để giáo dục con người trong hành trình thiêng liêng của mình. Đó chính là cảm nhận của chị Thea Bowman, một nữ tu tài giỏi dòng Phan Sinh. Chị mắc phải căn bệnh ung thư quái ác, nhưng đã vượt qua sự chán nản tuyệt vọng để luôn sống một cuộc đời vui tươi. Chị chia sẻ: “Tại sao có đau khổ? Tôi cũng không biết nữa… Có lẽ đó là sự khích lệ để chúng ta gặp gỡ Đức Giê-su trong thế giới của mình, để nhìn ra công việc của Người, và cảm nhận những đau khổ Người đã chịu.”


Những khi gặp đau khổ, bất công chúng ta thường tự hỏi tại sao điều bất hạnh ấy lại xảy đến với mình. Khi đối diện với đau khổ, thay vì than thân trách phận, bạn được mời gọi đón nhận điều đó để có thể đồng cảm và chia sẻ với nhiều người đang gặp đau khổ và bất hạnh khác. Và trên hết bạn được mời gọi để chia sẻ với những đau khổ trong cuộc khổ nạn của Đức Giê-su, những đau khổ có sức cứu độ chính bạn và loài người.
Thứ Bảy tuần XVI mùa Thường Niên - Ngày 23/07: Thánh Birgitta
Lời Chúa: 
 Mt 13,24-30
24 Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25 Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất.
26 Khi lúa lớn lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng lộ ra. 27 Đầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: "Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?" 28 Ông đáp: "Người thù của ta đã làm như thế". Đầy tớ nói với chủ: "Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ". 29 Chủ nhà đáp: "Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. 30 Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta".
Lạy Chúa Giêsu. Chúng con là con cái của Chúa đang sống trong Giáo Hội của Chúa. Chúng con được diễm phúc được Giáo Hội giáo huấn, giúp cho chúng con ngày càng trưởng thành trong đức tin. Xin Chúa thương gìn giữ chúng con trong ân sủng của Chúa để mắt tai và lòng trí của chúng con được Chúa chúc phúc. Amen