Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017



HÀNH ĐỘNG


http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20170930171900

Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp : "Thưa ngài, con đây !" nhưng rồi lại không đi. (Mt 21,30)

Qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay chúng ta thấy Thiên Chúa đã trao ban cho con người sự tự do. Và với sự tự do này, con người có thể bước theo Chúa nhưng cũng có thể quay lưng chống lại Ngài. Con người có thể vâng theo thánh ý Chúa nhưng cũng có thể từ khước đường nẻo của Ngài. Thế nhưng điều quan trọng hơn đó là Thiên Chúa sẽ xử sự với chúng ta tuỳ theo việc chúng ta có hay không thực thi thánh ý Ngài, chứ không tuỳ thuộc vào lời nói của chúng ta.
Trong hai người con, người được coi là đã thực thi ý định của cha không phải là người đã mau mắn trả lời vâng trước lệnh truyền của cha, nhưng trong hành động thì lại không làm. Mà chính là người tuy đã trả lời không, nhưng trong thực tế lại đi làm điều người cha truyền dạy.
Trong xã hội thời Chúa Giêsu cũng như thời nay, vẫn có những hạng người tỏ ra ngoan đạo, công chính, siêng năng với các việc đạo đức, kinh hạt, nhà thờ nhà thánh. Lời nói thì đầy vẻ thuần phục đối với các giáo huấn của Chúa, nhưng trong hành động lại chẳng có chút vẻ gì là ưng thuận đối với điều Chúa truyền dạy. Những người bề ngoài xem ra dễ bảo, nhưng thực chất lại là người khó dạy. Họ đã có thể đánh lừa được dư luận vì cái mau mắn bên ngoài của họ.

Chúa Nhật XXVI Thường Niên, 

Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi

Lời Chúa: 
 Mt 21,28-32
28 Các ông nghĩ sao : Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho." 29 Nó đáp : "Con không muốn đâu !" Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. 30 Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp : "Thưa ngài, con đây !" nhưng rồi lại không đi. 31 Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha ?" Họ trả lời : "Người thứ nhất." Đức Giê-su nói với họ : "Tôi bảo thật các ông : những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. 32 Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy ; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy."
Lạy Chúa Giêsu là Đấng đã vâng phục và vâng phục cho đến chết và là cái chết trên thập giá giúp chúng con sống tâm tình khiêm nhường sâu thẳm để chúng con hoán cải cuộc đời chúng con hầu mong sau cõi tạm này, chúng con được cứu như những cô gái điếm và những người thu thuế biết hoán cải và được Chúa hứa Nước Trời như vậy. Amen.

Thứ Năm, 28 tháng 9, 2017



CON NGƯỜI SẼ BỊ NỘP


http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20170929145200

Người nói với các môn đệ : "Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây : Con Người sắp bị nộp vào tay người đời." (Lc 9,44)

Trong Tin Mừng hôm nay, khi loan báo cuộc khổ nạn của Ngài, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài hãy đối đầu với khổ đau, nếu khổ đau là thành phần thiết yếu của cuộc sống. Vấn đề không phải là chối bỏ hiện thực của khổ đau hay tìm cách tránh né khổ đau, mà là đối đầu với nó. Chúa Giêsu đã vạch ra cho chúng ta cách thế đối đầu với khổ đau, đó là chấp nhận khổ đau với tình yêu. Ðau khổ mà không có tình yêu thì chỉ là hỏa ngục mà thôi.
Xem chừng tất cả các vấn đề của con người đều được gắn liền với khổ đau. Vì không muốn chấp nhận khổ đau mà con người gây ra bao nhiêu tội ác, vì không muốn hy sinh mà một người mẹ đang tâm giết đứa con trong lòng mình, vì không muốn thấy người thân đau khổ mà người ta giết họ một cách êm dịu, vì không muốn đối đầu với thực tại khổ đau mà người ta tìm quên trong men rượu, ma túy và mọi thứ kích thích khác: hỏa ngục là như thế đó.
Chúa Giêsu đã đón nhận khổ đau, Ngài đã biến khổ đau thành hiến lễ tình yêu, do đó khổ đau đã trở thành nguồn ơn cứu thoát cho nhân loại. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy vác lấy thập giá mình mà đi theo Ngài. Mỗi ngày có nỗi khổ riêng của ngày đó, hạnh phúc hay không, bình an hay không, là tùy con người có biết đón nhận khổ đau với tình yêu hay không.

Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên

- THÁNH GIÊRÔNIMÔ LINH MỤC - TIẾN SĨ HỘI THÁNH - 

LỄ NHỚ.
Thánh nhân sinh quãng năm 340 tại Xơtriđôn, Đanmaxia. Người đến Rôma học văn chương và đã lãnh bí tích Thánh Tẩy tại đó. Người sang Đông phương và làm linh mục. Trở lại Rôma, người làm thư ký cho Đức Giáo Hoàng Đamaxô. Thời gian này, người bắt đầu dịch Sách Thánh sang tiếng La tinh và cổ võ nếp sống đan tu. Nhưng nhất là người đã sống 35 năm cuối đời ở Bêlem, gần cái hang nơi Đức Giêsu ra đời. Ở đây, người cầu nguyện hãm mình, chăm chỉ nghiên cứu, dịch và chú giải Kinh Thánh.Người qua đời ở Bêlem năm 420.

Lời Chúa: 
 Lc 9,43b-45
43b Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm, Người nói với các môn đệ : 44 "Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây : Con Người sắp bị nộp vào tay người đời." 45 Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.
Lạy Chúa, giữa muôn nghìn khổ đau và thử thách của cuộc sống, xin Chúa cho chúng con đón nhận tất cả với lòng tin yêu, phó thác và cảm tạ tình yêu Chúa.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh. Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa, 
xin cho chúng con biết sống cuộc Vượt qua mỗi ngày của chúng con. Amen.









SAO NGÀI BIẾT TÔI?



http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20170928145000

 "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người."(Ga 1,51)

Hôm nay Giáo Hội mừng kính tổng lãnh các Thiên Thần Micae, Gabriel và Raphael, đây là tên tuổi của ba vị Thiên Thần đã được Kinh Thánh nhắc đến nhiều lần, và khi nói đến các Thiên Thần là nói đến vô số. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác quyết với các môn đệ của Ngài về sự hiện hữu của các Thiên Thần, đây chính là mầu nhiệm gắn liền với những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Khi tự tỏ bày cho loài người, Thiên Chúa cũng một trật mạc khải cho chúng ta về thế giới của các Thiên Thần.
Một trong những dấu chỉ thời đại mang nhiều ý nghĩa, là hiện nay tại những nước văn minh như Hoa Kỳ, sách vở liên quan đến các thiên thần được xếp vào một trong những loại bán chạy nhất, ngày càng có nhiều người tin tưởng vào sự hiện diện chở che của thiên thần trong cuộc sống của họ.

Vào tháng 12 năm 1993, một cuộc thăm dò được tờ báo Time và đài truyền hình thực hiện, cho thấy rằng có đến 69% người dân Mỹ tin sự hiện hữu của các Thiên Thần. Một cuộc thăm dò khác được thực hiện trước đó cũng tìm thấy rằng, 75% dân Mỹ tin có thiên thần.
Ðầu thập niên 1970, một nhà giảng thuyết nổi tiếng của Hoa Kỳ được tạp chí Time cho vào danh sách một trong 20,000 những tư tưởng nổi bật nhất của thế kỷ XX đã viết một cuốn sách có tựa đề: "Các Thiên Thần và Nhân Viên Mật Vụ của Thiên Chúa". Trong cuốn sách được xem là bán chạy nhất này, tác giả đã viết: "Các Thiên Thần là một chủ đề mang lại niềm an ủi và phấn khởi lớn lao cho những người tin Chúa, đồng thời cũng là một thách đố để cho những người không tin phải tin".

Thật thế, nếu Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta sự hiện hữu và hoạt động của các thiên thần, hẳn Ngài cũng muốn cho chúng ta cảm nghiệm hơn về mầu nhiệm tình yêu của Ngài. Dù chúng ta có thấy các thiên thần hay không, dù các ngài có đến với chúng ta như thần linh hay dưới hình bóng người phàm, thì lời cầu xin của chúng ta luôn được đáp trả. Thiên Chúa hằng can thiệp vào cuộc sống của chúng ta cách diệu kỳ, niềm tin nơi sự hiện diện và hoạt động của các thiên thần luôn nhắc nhở chúng ta điều đó. Quả thật, cuộc sống của chúng ta được dệt bằng phép lạ từ giây phút đầu tiên được tạo thành trong lòng mẹ cho đến lúc chào đời rồi lớn lên, mỗi một nhịp đập của trái tim, mỗi một hơi thở của chúng ta không là phép lạ sao?

Thiên Chúa yêu thương mỗi người, Thiên Chúa không ngừng bao bọc che chở chúng ta bằng sự hiện diện của vô số các thiên thần. Ðó phải là niềm tin hôm nay khi mừng kính các thiên thần Micae, Gabriel và Raphael, Giáo Hội muốn mời gọi chúng ta hâm nóng lại. Thiên Chúa đã ban cho cuộc sống chúng ta như một phép lạ, nhờ các sứ thần của Ngài, Ngài hướng dẫn và che chở chúng ta trong từng đường đi nước bước của chúng ta.

Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên, 

Các TLTT Micael, Gabriel, Raphael (K)

Lời Chúa: 
 Ga 1,47-51
47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng : "Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối." 48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người : "Làm sao Ngài lại biết tôi ?" Đức Giê-su trả lời : "Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi." 49 Ông Na-tha-na-en nói : "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en !" 50 Đức Giê-su đáp : "Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin ! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa." 51 Người lại nói : "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người."

Lạy Chúa! Xin cho các Thiên Thần nhất là Thiên Thần Bản mệnh của mỗi người chúng con, luôn nhắc nhở chúng con, để chúng con luôn tiến bước trong tin yêu và hy vọng nơi Thiên Chúa là tình yêu. Amen.

Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017



ÔNG ẤY LÀ AI?


Còn vua Hê-rô-đê thì nói : "Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi ! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế ?" (Lc 9,9)

Tin Mừng hôm nay cũng muốn nhắc nhở chúng ta về chân lý ấy. Qua lời nói, việc làm, và nhất là cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu đã không ngừng là một dấu hỏi cho người đương thời. Mỗi người một câu trả lời, nhưng bất cứ ai cũng được mời gọi để bày tỏ lập trường đối với con người của Chúa Giêsu. Riêng Vua Hêrôđê, ông tiến thêm một bước là muốn đến gặp Chúa Giêsu.
"Còn các con, các con bảo Thầy là ai?" Câu hỏi ấy, Chúa Giêsu không ngừng đặt ra cho chúng ta, và qua chúng ta, Ngài tiếp tục đặt ra cho mọi người. Qua cuộc sống của mình, người Kitô hữu cũng phải là một câu hỏi cho những người chung quanh; và dĩ nhiên câu hỏi càng trở nên dồn dập khi cuộc sống ấy là một hành trình đi ngược dòng đời.
Giữa một xã hội lấy bon chen làm khuôn vàng thước ngọc, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống tinh thần nghèo khó. Giữa một xã hội lấy hận thù làm luật sống, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi nếu họ vẫn tiếp tục yêu thương và tha thứ đến cùng. Giữa một xã hội mà nhiều người thường buông xuôi, thất vọng, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống lạc quan tin tưởng vào Ðấng luôn hiện diện trong lịch sử nhân loại. Giữa một xã hội mà sự tử tế đối với nhau đã thành một thứ xa xỉ phẩm, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống tử tế với mọi người, ngay cả những người thù địch. Sống như thế quả là một đòi hỏi gay go, nhưng đó không chỉ là một cố gắng suông, mà là một thể hiện của một cuộc sống mật thiết với Chúa. Không có ơn Chúa, không sống kết hiệp với Chúa, người Kitô hữu không thể đi đến cùng những cam kết sống chứng nhân của họ.

Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên

- THÁNH VENCESLAÔ - THÁNH LAURENSÔ RUIZ và các 

bạn Tử Đạo.

Lời Chúa: 
 Lc 9,7-9
7 Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói : "Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy." 8 Kẻ khác nói : "Ông Ê-li-a xuất hiện đấy !" Kẻ khác nữa lại nói : "Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại." 9 Còn vua Hê-rô-đê thì nói : "Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi ! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế ?" Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.
Lạy Chúa,
Xin thương hướng dẫn chúng con trở về với Chúa mỗi lần chúng con lầm lỗi, xúc phạm đến Chúa và anh chị em chung quanh. Xin cho chúng con biết lắng nghe lương tâm và thực hành và thực hành điều lương tâm chỉ dạy.
Xin Chúa ban thêm sức mạnh để trong cuộc sống chứng tá của chúng con, luôn xác tín rằng: chúng con đang sống nhờ Chúa, với Chúa và cho Chúa. Amen


Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017



HÃY ĐI!



Người nói : "Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo." (Lc 9,3)

So với lần Chúa sai các môn đệ thì lần này có điểm khác biệt là thay vì được sai đi từng hai người, các Tông đồ được sai đi từng người một và được ban cho sức mạnh và quyền năng để trừ ma quỉ và chữa lành bệnh tật. Tuy nhiên, các ông cũng chỉ được sai đi trước để loan báo Ngài sắp đến. Huấn lệnh cho các Tông đồ trước khi lên đường có thể gồm 3 phần: Thứ nhất, trên đường đi các ông không được mang theo gì cả, mặc dù sứ vụ của các ông kéo dài một thời gian, chứ không phải chỉ có một vài ngày; điều đó có nghĩa là các ông phải hoàn toàn từ bỏ chính mình và chỉ tin vào sức mạnh của Lời Chúa. Thứ hai: khi tới nhà nào thì phải kiên trì, không được lùi bước; nói khác đi, các ông phải tin vào sứ mệnh của mình, tin vào sự quan phòng và chờ đợi thời giờ của Chúa. Thứ ba: các ông phải có can đảm trước sự cứng đầu của những kẻ chống đối các ông.

Đức Kitô đã làm khác với chúng ta và những nhà hùng biện, Người không chỉ dùng lời nói,mà vừa rao giảng vừa hành động. Bằng lời nói và chữa bệnh, Đức Kitô qui tụ chung quanh mình hàng ngàn, hàng ngàn người dân. Ngày nay, Người vẫn còn nói bằng rất nhiều hành động từ thiện và nhiều cách khác nữa để nâng đỡ lời giảng dạy. Như vậy việc truyền giáo đòi có cả hai điều: Lời giảng và việc làm: “Lời nói đi đôi với việc làm”.

Có lần nhà hiền triết Diogène đứng ở một góc đường và cười rã rượi như  như người điên loạn. Một khách bộ hành hỏi ông: "Có gì mà ông cười ngặt nghẽo như thế?" Ông đáp: 
: "Anh có thấy tảng đá to ở giữa đường kia không? Từ khi tôi tới đây, đã có mười người vấp ngã vì nó và nguyền rủa nó, nhưng không ai quan tâm lấy nó đi để tránh cho người khác khỏi vấp ngã".

Thứ Tư Tuần XXV Thường Niên

- THÁNH VINH-SƠN PHAO-LÔ - LINH MỤC - LỄ NHỚ.

* Thánh nhân sinh năm 1581 tại Gát-côn, nước Pháp. Người làm linh mục rồi đi Pa-ri phục vụ một giáo xứ. Người sáng lập Tu Hội Thừa Sai để giúp đào tạo các giáo sĩ và nâng đỡ những người nghèo. Được thánh nữ Lu-y Ma-ri-lắc cộng tác, người đã lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái. Người là gương mẫu hoàn hảo về việc sống đức bác ái như Chúa Kitô dạy, luôn sẵn sàng cứu giúp những người cùng khốn. Người nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô nơi bất cứ ai đang gặp đau khổ. Người qua đời tại Pa-ri năm 1660.

Lời Chúa: 
 Lc 9,1-6
1 Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. 2 Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. 3 Người nói : "Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. 4 Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi. 5 Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ." 6 Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.
Lạy Chúa, Xin Chúa giúp chúng con đáp lại lời mời của Chúa và hăng say dấn thân phục vụ những người xung quanh vì Chúa. Xin Chúa hãy thương hiện diện với chúng con và cùng hoạt động với chúng con luôn mãi. Amen









AI LÀ MẸ, LÀ ANH EM TÔI?



 Người đáp lại : "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành." (Lc 8,21)

Chúa Giêsu đến trần gian để xây dựng một gia đình duy nhất của Thiên Chúa, gia đình của những người cùng một mục đích là nguyện cho Danh Cha được cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Ðể cho thấy sự duy nhất về cùng một gia đình đó, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: "Lạy Cha, xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha". Ðó là hình ảnh Chúa Giêsu muốn diễn tả khi Ngài nói: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành".
Với ý nghĩa đó, Ðức Maria hai lần xứng đáng làm Mẹ Chúa Giêsu: Mẹ theo huyết thống và Mẹ của Thân mình mầu nhiệm của Ngài là Giáo Hội. Chẳng những là Mẹ thật vì đã sinh ra Chúa Giêsu, mà còn là Mẹ vì đã thực thi ý Cha trên trời. Trong biến cố truyền tin, Ðức Maria đã thưa với Sứ thần: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng theo lời thiên thần truyền". Ðiều đó nói lên suốt đời Ðức Maria, người luôn làm theo ý Chúa.
Câu định nghĩa của Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta con đường đi vào gia đình của Thiên Chúa, đó là làm theo thánh ý Chúa Cha

Thứ Ba Tuần XXV Thường Niên, 

T. Cosma, T. Đamianô, tử đạo.

Lời Chúa: 
 Lc 8,19-21
19 Mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. 20 Người ta báo cho Người biết : "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy." 21 Người đáp lại : "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành."

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chỉ cho chúng con phương thế trở nên dòng tộc của Chúa, đó là: “nghe Lời Chúa và đem ra thực hành”. Nhưng lạy Chúa, sức chúng con thì yếu đuối và giới hạn ! Xin Chúa ban thêm sức mạnh cho chúng con, và ở cùng chúng con mỗi ngày để chúng con được lắng nghe và đem Lời Chúa ra thực hành. Amen.


Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2017



CHẲNG CÓ GÌ LÀ BÍ ẨN!



Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. (Lc 8,17)

Bất cứ du khách nào sau một lần viếng thăm nước Mỹ, cũng đều phải thán phục tinh thần làm việc và óc thực dụng của người Mỹ: tất cả những nghiên cứu của đại học đều được kỹ nghệ đỡ đầu, tất cả những phát minh mới của khoa học đều tìm được ứng dụng trong kỹ nghệ. Người Kitô hữu có thể nhìn vào đó để rút ra bài học cho đời sống đức tin của mình không?
Thánh Giacôbê Tông đồ đã viết: "Một đức tin không có việc làm là đức tin chết". Một đức tin không được diễn đạt, không được ứng dụng trong đời sống hàng ngày phải chăng không là đức tin chết?
Trong Tin Mừng hôm nay, khi đưa ra hình ảnh chiếc đèn, Chúa Giêsu muốn nối lại truyền thống thực tiễn của Cựu Ước. Cựu Ước không thích những lý luận trừu tượng, uyên bác của Hy Lạp. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Ðấng chân thật, Cựu Ước không lý giải về những phẩm tính trừu tượng của Ngài, nhưng tìm cách đo lường sự trung thành của Ngài trong lịch sử nhân loại. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Ðấng chân thật, Cựu Ước luôn nói đến những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử con người. Khi Thiên Chúa phán một lời, lời đó không phải là một lời nói suông, mà trở thành thực tế; Thiên Chúa không chỉ nói qua các tiên tri, nhưng cuối cùng Lời của Ngài đã thành xác phàm.
Chiếc đèn được đốt lên phải đặt trên cao để soi cho mọi người trong nhà. Ðây là hình ảnh cuộc sống đức tin của người Kitô hữu: cũng như chiếc đèn, đức tin cần phải được thắp lên và chiếu sáng; nó phải được đốt lên bằng những hành động cụ thể hằng ngày. Thiên Chúa là Ðấng chân thật, bởi vì sự chân thật ấy được thể hiện bằng một chuỗi những yêu thương đối với con người. Người Kitô hữu chỉ thực sự là Kitô hữu khi cuộc sống của họ thể hiện chính cuộc sống của Chúa, là yêu thương và phục vụ.

Thứ Hai Tuần XXV Thường Niên

Lời Chúa: 
 Lc 8,16-18
16 "Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. 17 Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. 18 Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm ; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất."
Lạy Cha
Chúng con cảm tạ Cha vì đã ban cho chúng con Chúa Giêsu Kitô làm ánh sáng soi dẫn chúng con, và cho chính chúng con được biến đổi, được trở thành ánh sáng trong ánh sáng của Chúa giữa thế gian. Xin giải thoát chúng con khỏi những bóng tối tật xấu, tội lỗi, làm che mờ hình ảnh Chúa nơi chúng con; xin giúp chúng con thoát khỏi ảnh hưởng xấu của hận thù, mánh mung, láo khoét, buồn chán. Xin cho chúng con luôn bước đi trong ánh sáng của Chúa cho đến ngày chúng con được đạt đến vương quốc ánh sáng vĩnh viễn muôn đời, nơi chúng con sẽ được kết hợp với Chúa mãi mãi muôn đời. Amen.






Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2017



      NIỀM VUI CHIA SẺ NIỀM VUI LỚN



"Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng"

Hôm nay, nhân dịp Chúa nhắc nhớ cho chúng ta về thái độ sống của những người ganh tỵ, chúng ta bỏ chút thời gian để lòng nhủ lòng, dạ hỏi dạ trước mặt Chúa thái độ sống của chúng ta. Chúng ta có vui với người vui, có khóc với người khóc hay không? Hay là chúng ta bực bội, ganh tức với người vui còn với người hoạn nạn, đau đớn khóc than ta lại mỉm cười?
Chuyện căn cốt như Thánh Phaolô mời gọi chúng ta đó là thái độ sống hợp với Tin mừng, hợp với những gì Chúa dạy và chúng ta nên nhớ rằng tư tưởng của chúng ta khác Chúa nhiều lắm. Chúa thì yêu thương, bao dung, rộng rãi còn chúng ta thì ghen ghét và ganh tỵ.

Và qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, chúng ta cũng thấy: Không phải chỉ có những người thợ vào giờ đầu ban sáng mới có những thắc mắc với ông chủ, mà hầu như ai trong chúng ta rơi vào trường hợp ấy, cũng đều có chung một phản ứng tương tự. Làm sao có thể chấp nhận được lối cư xử nghịch lý như thế? Vậy mà tình thương của Thiên Chúa đã mang lại lời giải đáp khiến chúng ta đi từ chỗ ngỡ ngàng đến khâm phục, vì ai mà chẳng trông mong được hưởng nhờ tình thương ấy. Chính tình thương ấy đã vượt lên trên sự công bằng phải lẽ và đã xoá tan đi hố ngăn cách giữa người lành và kẻ dữ. Thiên Chúa không muốn xoá sổ một ai cả, Ngài sẵn lòng kêu gọi sự hợp tác của con người, từ kẻ làm giờ thứ nhất đến người làm giờ sau cùng, hoàn toàn không phải do công lao của con người, nhưng là khởi nguồn từ sáng kiến đầy lòng thương xót của Ngài.

24/09 – Chúa Nhật XXV Mùa thường niên - Năm A.
Lời Chúa: Mt 20, 1-16a
“Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20,15).
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: "Nước trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông. Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng". Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy. Đến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: "Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?" Họ thưa rằng: "Vì không có ai thuê chúng tôi". Ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta". Đến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: "Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết." Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng. Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Đang khi lãnh liền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: "Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao"? Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: "Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?" Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng? Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết".

Lạy Chúa Giêsu là ông chủ tốt bụng trong câu chuyện mà Chúa Giêsu kể hôm nay, luôn yêu thương và thông chuyển lòng tốt bụng của Chúa đến với mỗi người chúng con, để lòng chúng con bớt đi một chút ganh tỵ, bớt đi một chút hơn thua và tăng thêm một chút lòng mến, tăng thêm một chút tình yêu, tăng thêm một chút lòng bao dung với anh chị em đồng loại. Amen.


Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017





HẠT GIỐNG LỜI THIÊN CHÚA


Hạt rơi vào đất tốt : đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả. (Lc 8,15)

Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta dụ ngôn về người gieo giống.
Trước hết, cần lưu ý đến sự khác biệt giữa dụ ngôn và những lời giải thích dụ ngôn. Khi kể dụ ngôn, Chúa Giêsu xem ra nhấn mạnh đến sự hiệu nghiệm của hạt giống hay đúng hơn sự thành công của người gieo giống: có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá, có hạt rơi vào bụi gai, nhưng cũng có hạt rơi trên đất tốt và sinh hoa kết quả gấp trăm. Còn khi giải thích dụ ngôn cho các môn đệ, Chúa Giêsu như muốn nhấn mạnh đến thái độ cộng tác của con người để làm cho Lời Chúa được sinh hoa kết quả. Thật ra, hai khía cạnh này không đối nghịch nhau, nhưng được tổng hợp để diễn tả thực tại phong phú của mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa chắc chắn được phát triển, nhưng phần cộng tác của con người trong việc phát triển Nước Chúa cũng không thể bỏ qua được.
Hạt giống Lời Chúa là yếu tố chính của dụ ngôn. Hạt giống này tự nó có sức trổ sinh hoa trái, nhưng khi được gieo vãi thì gặp những hoàn cảnh đối nghịch tùy vào thái độ chấp nhận cộng tác của con người lãnh nhận Lời Chúa. Người gieo giống ở đây là chính Thiên Chúa, Ngài gieo vãi khắp nơi, trao ban nhưng không ơn cứu rỗi cho mọi người. Thiên Chúa có sáng kiến trước, nhưng con người cũng cần cộng tác vào: hai yếu tố này không thể bỏ qua được.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta canh tân đời sống, cộng tác với ơn Chúa ban để trở thành những mảnh đất tốt đón nhận và làm phát triển hạt giống Lời Chúa. 

Thứ Bảy Tuần XXIV Thường Niên

- THÁNH PIÔ PIETRELCINA - LINH MỤC - LỄ NHỚ.

Lời Chúa: 
 Lc 8,4-15
Người ta tụ họp đông đảo. Từ khắp các thành thị, người ta kéo đến cùng Đức Giê-su. Bấy giờ Người dùng dụ ngôn mà nói rằng : 5 "Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. 6 Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. 7 Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt. 8 Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm". Nói xong, Người hô lên rằng : "Ai có tai nghe thì nghe." 9 Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì. 10 Người đáp : "Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa ; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu.
11 "Đây là ý nghĩa dụ ngôn : Hạt giống là lời Thiên Chúa. 12 Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. 13 Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc. 14 Hạt rơi vào bụi gai : đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. 15 Hạt rơi vào đất tốt : đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.
Lạy Chúa. Xin ban cho chúng con được trở nên mảnh đất tốt hàng ngày đón nhận và suy niệm Lời Chúa cũng như sống thực hành những gì Chúa truyền dạy. Xin Chúa củng cố chúng con trong niềm xác tín đó.
Lạy Chúa, xin hãy phán, này tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe. Amen