Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017


CHÚA KITÔ LÀ SỰ SỐNG LẠI VÀ LÀ SỰ SỐNG 


http://gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20170321091448


"Ta là sự sống lại và là sự sống".

Bệnh tật và cái chết đeo đẳng lấy đời người. Bệnh tật làm con người bị tê liệt. Còn cái chết thì như một nhát dao cắt đứt tất cả mọi dự tính về cuộc sống. Ngay cả đối với người tín hữu, cái chết vẫn là một mầu nhiệm làm họ run rẩy.
Đức Giêsu trong Vườn Dầu cũng sợ hãi trước cái chết.
Cái chết đưa đến chia ly nên có nước mắt, tiếc thương, nhung nhớ.
Hai chị em Macta và Maria rất đau buồn trước cái chết của người em là Lagiarô. Cả hai đều tiếc vì Thầy không có mặt lúc ấy.
Bốn ngày đã trôi qua, đá đã lấp cửa mồ. Thi hài người chết đã bắt đầu rữa nát. Chẳng cònchút hy vọng nào...
Bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, Đức Giêsu vẫn trở lại Giuđê để đến thăm gia đình mà Ngài có lòng quý mến. Ngài biết Ngài sẽ làm gì để tôn vinh Chúa Cha, và qua đó chính Ngài cũng được tôn vinh.
Dầu vậy, trước nỗi đau của hai chị em, Đức Giêsu vẫn thổn thức và xao xuyến. Ngài bật khóc trên đường đi đến mộ.
Trước ngôi mộ đá, Ngài đã cất tiếng cảm tạ Cha, vì Cha đã nhận lời Ngài xin khi cho Ngài quyền làm cho người chết được sống lại.
Làm sao nói hết được niềm vui của ba chị em, và sự kinh ngạc của những người chứng kiến.
Trong sứ điệp nhân ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 1996, Đức Thánh Cha đã yêu cầu các bạn trẻ "hãy trở nên những ngôn sứ của sự sống và tình yêu, những ngôn sứ của niềm vui."
Thế giới văn minh nhưng có nhiều bóng tối sự chết: chiến tranh, đói kém, phá thai, tự tử, sida, những vụ ám sát, đặt chất nổ, tai nạn giao thông...
Cái chết thân xác phản ánh một cái chết nguy hiểm hơn, cái chết của tình yêu ở trong lòngcon người.
Cái chết thắng thế khi con người sống buông xuôi, chán chường và khép kín trong ích kỷ.
Đức Giêsu là sự sống lại và là sự sống. Ngài trả lại sự sống cho Lagiarô. Ngài lau khô nước mắt cho Macta và Maria.
Khi gắn bó với Đức Giêsu, chúng ta cũng có khả năng thông truyền sự sống và niềm vui cho thế giới.
Thiên Chúa là Thiên Chúa của sự sống, đời này và đời sau. Ngài say mê sự sống của con người.
Ước gì chúng ta dám cất đi những phiến đá che mộ để người chết có thể bước ra.

LỜI CHÚA: Ga 11, 1-45
"Ta là sự sống lại và là sự sống".
CHÚA  NHẬT TUẦN V MÙA CHAY - NĂM A.
Khi ấy, có một người đau liệt tên là Ladarô, ở Bêtania, làng quê của Maria và Martha. (Maria này chính là người đã xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Em trai bà là Ladarô lâm bệnh). Vậy hai chị sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt". Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: "Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển".
Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: "Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa". Môn đệ thưa: "Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm ném đá Thầy, mà Thầy lại trở về đó ư?" Chúa Giêsu đáp: "Một ngày lại chẳng có mười hai giờ sao? Nếu ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì người ta thấy ánh sáng mặt trời; nhưng kẻ đi ban đêm sẽ vấp ngã vì không có ánh sáng". Người nói thế, rồi lại bảo họ: "Ladarô bạn chúng ta đang ngủ, dầu vậy Ta đi đánh thức ông". Môn đệ thưa: "Thưa Thầy, nếu ông ta ngủ, ông sẽ khoẻ lại". Chúa Giêsu có ý nói về cái chết của Ladarô, nhưng môn đệ lại nghĩ Người nói về giấc ngủ. Bấy giờ Chúa Giêsu mới nói rõ: "Ladarô đã chết. Nhưng Ta mừng cho các con, vì Ta không có mặt ở đó để các con tin. Vậy chúng ta hãy đi đến nhà ông". Lúc đó Tôma, cũng có tên là Ðiđimô, nói với đồng bạn: "Chúng ta cũng đi để cùng chết với Người".
Ðến nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. (Bêtania chỉ cách Giêrusalem chừng mười lăm dặm). Nhiều người Do-thái đến nhà Martha và Maria để an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy". Chúa Giêsu nói: "Em con sẽ sống lại". Martha thưa: "Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con sẽ sống lại". Chúa Giêsu nói: "Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?" Bà thưa: "Thưa Thầy, vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian".
Nói xong bà về gọi Maria em gái bà và nói thầm với em rằng: "Thầy ở ngoài kia, Thầy gọi em". Nghe vậy, Maria vội vàng đứng dậy và đi đến cùng Chúa. Vì lúc đó Chúa Giêsu chưa vào trong làng, Người còn đang đứng ở nơi Martha đã gặp Người. Những người Do-thái cùng ở trong nhà với Maria và an ủi bà, khi thấy bà vội vã đứng dậy ra đi, họ cũng đi theo bà, tưởng rằng bà đi ra khóc ngoài mộ. Vậy khi Maria đến chỗ Chúa Giêsu đứng, thấy Người, bà liền sấp mình xuống dưới chân Người và nói: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt đây, thì em con không chết". Khi thấy bà khóc nức nở và những người Do-thái theo bà cũng khóc, Chúa Giêsu thổn thức và xúc động. Người hỏi: "Ðã an táng Ladarô ở đâu?" Họ thưa: "Thưa Thầy, xin đến mà xem". Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: "Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!" Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: "Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết ư?" Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ. Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: "Hãy đẩy tảng đá ra". Martha là chị người chết, thưa: "Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày". Chúa Giêsu lại nói: "Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?" Thế là người ta cất tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: "Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con, nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con". Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: "Ladarô! Hãy ra đây!" Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: "Hãy cởi ra cho anh ấy đi".
Một số người Do-thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người.
Lạy Chúa Giêsu thương mến, xin ban cho chúng con tỏa lan hương thơm của Chúa đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa. Amen
(Mẹ Têrêxa Calcutta)

DƯ LUẬN VỀ CHÚA GIÊSU 



"Ðấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao?"

Blondin là một trong những tên tuổi của ngành xiếc tại Mỹ. Một trong những kỳ công đáng ghi nhớ nhất của anh ta là đã có thể đi trên một sợi dây qua thác Nirgara là thác dài nhất và cao nhất thế giới. Trong một dịp biểu diễn, anh quay sang hỏi một cậu bé gần đó: “Em có tin là tôi có thể mang một người trên vai và đi xuyên qua dòng thác không? Giữa tiếng thác đổ ầm ầm, cậu bé thét lên: “Vâng, cháu tin là chú có thể làm được điều đó”. Thế nhưng khi anh đề nghị mang cậu bé trên vai, thì em đã lắc đầu từ chối, vì không đủ tin tưởng vào sự đảm bảo của người biểu diễn.
Cậu bé trên đây có thể là hình ảnh của rất nhiều người trong chúng ta khi phải trả lời cho câu hỏi của Chúa Giêsu: “Phần các con, các con bảo Ta là ai?”. Cũng như Phêrô khi đại diện cho các Tông đồ, chúng ta cũng sẽ trả lời: “Thày là Con Thiên Chúa hằng sống”.
Nhưng trong thực tế, thái độ sống của chúng ta có lẽ còn tương phản với lời tuyên xưng ấy. Chúng ta chưa là những kitô hữu thực sự, nghĩa là chưa tin tưởng và sống theo lời mời gọi của Chúa. Thái độ của chúng ta có lẽ cũng giống như của những người Do Thái trong Tin Mừng hôm nay: người thì xem Ngài như một tiên tri, kẻ nhận Ngài là Chúa Kitô, đa số thì dựa vào những hiểu biết trong Kinh Thánh để lý giải về thân thế của Ngài.
Sự hiểu biết mà Chúa Giêsu muốn chúng ta có về Ngài không phải là một hiểu biết trên lý thuyết hoặc chỉ là lời tuyên xưng trên môi miệng, mà phải là vác Thánh giá mỗi ngày và đi theo Ngài. Liền sau khi Phêrô tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã loan báo về cuộc Tử nạn của Ngài và Ngài đề ra như một mệnh lệnh: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác Thập giá và đi theo Ta”. Danh hiệu Kitô gắn liền với Thập giá. Không thể tuyên xưng Chúa Kitô mà lại chối bỏ Thập giá của Ngài, không thể tự cho mình biết Chúa Kitô mà không liên kết với Ngài trong cuộc tử nạn.
Thánh Phaolô đã nói lên kinh nghiệm của ngài: “Phần tôi, tôi chỉ biết có một Đức Kitô chịu đóng đinh”. Biết theo nghĩa Kinh Thánh là môt sự kết hợp thâm sâu. Biết do đó phải là một cam kết. Biết Đức Kitô như thánh Phaolô diễn tả chính là nên một với Chúa Kitô trong mầu nhiệm tử nạn. Biết Đức Kitô chịu đóng đinh chính là bổ túc nơi mình những gì còn thiếu trong cuộc Tử nạn của Ngài.
Mùa chay là mùa thanh luyện, chúng ta được mời gọi để sống một cách ý thức hơn bản sắc đích thực của người kitô hữu, đó là để Đức Kitô chiếm hữu và sống bằng chính sức sống của Ngài. Điều đó cũng có nghĩa là người kitô hữu không chỉ mang danh hiệu của Đức Kitô, lời tuyên xưng của họ không chỉ đọng lại trên môi miệng, mà phải là một cuộc sống kết hiệp với Ngài, với những cố gắng không ngừng của từ bỏ, quảng đại, yêu thương và phó thác.

01/04 – Thứ bảy đầu tháng, tuần 4 Mùa Chay.

"Ðấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao?"

Lời Chúa: Ga 7, 40-53

Khi ấy, sau khi nghe Chúa Giêsu giảng, có nhiều người trong đám dân chúng nói rằng: "Ông này thật là tiên tri". Kẻ khác nói: "Ông này thật là Ðấng Kitô". Người khác nữa lại nói: "Ðấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao? Nào Kinh Thánh chẳng nói: Ðấng Kitô xuất thân bởi dòng dõi Ðavit, và từ làng Bêlem, quê hương của Ðavit?"
Vì thế, dân chúng bất đồng ý kiến với nhau về Người. Trong số đó, có một ít kẻ định bắt Người, nhưng không ai dám ra tay bắt Người.
Vậy khi những người thừa hành đến với thượng tế và biệt phái, các ông này hỏi họ rằng: "Tại sao các ngươi không điệu nó tới?" Các người thừa hành thưa rằng: "Chẳng hề có ai nói như người ấy". Các người biệt phái trả lời rằng: "Chớ thì các ngươi cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong các vị thủ lãnh và các người biệt phái, có ai tin nó đâu? Chỉ có lũ khốn nạn đó nó không biết gì lề luật". Nicôđêmô là người đã tới gặp Chúa Giêsu ban đêm, cũng là người trong nhóm họ, nói với họ rằng: "Chớ thì luật của chúng ta có lên án cho ai mà không nghe họ, hoặc không biết rõ họ làm gì không?" Nhưng họ trả lời rằng: "Hay ông cũng là người Galilêa? Hãy đọc kỹ Kinh Thánh, ông sẽ thấy rằng không có tiên tri nào phát xuất từ Galilêa". Sau đó ai về nhà nấy.

Lạy Chúa, lắm lúc con cũng thường đánh giá mọi chuyện dựa theo cái vỏ bên ngoài của chúng và giải thích chúng dựa theo những kiến thức tôn giáo xã hội mà mình thụ đắc được,
những lúc đó, con tưởng mình đã nắm gọn chân lý trên tay và con lớn tiếng phê phán chỉ trích đủ điều, con không ngờ rằng nhiều lúc mình chỉ như gã mù xem voi. Mù vì thiên kiến hẹp hòi, mù vì kiêu căng tự mãn, mù vì những ghen ghét giận hờn. Làm nô lệ cho những tật xấu, những tội lỗi, những mù quáng tinh thần này, con không thể nào gặp được Chúa.
Xin Chúa cho con biết đón nhận sự thật với tâm hồn đơn sơ và một con tim đổi mới, cởi mở. Xin ban cho con Thánh Thần Chúa, thanh tẩy con với mọi tội lỗi, giúp con thoát khỏi mọi sự mù quáng để nhận ra Chúa. Amen.

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017


TIN NHẬN CHÚA GIÊSU



Các ông biết Tôi ư? Các ông biết Tôi xuất thân từ đâu ư? (Ga 7, 28)

Không ai trong chúng ta đã chọn lựa được sinh ra; không ai trong chúng ta đã chọn lựa chủng tộc, cha mẹ, dân tộc để sinh ra. Nếu được chọn lựa để sinh ra một lần nữa, có lẽ đa số chúng ta sẽ chọn lựa cho mình một cuộc sống khác.

Thế nhưng, với Chúa Giêsu thì không như thế. Ngài là người duy nhất trên trần gian đã chọn lựa cho mình tất cả để sinh làm người. Ngài đã chọn một người mẹ, một nơi sinh và những hoàn cảnh trong đó Ngài sẽ trưởng thành. Nếu phải chọn lại một lần nữa, có lẽ Chúa Giêsu cũng sẽ không thay đổi cuộc sống ấy, một cuộc nghèo khổ, tăm tối. Dĩ nhiên, chúng ta không thể hiểu được hoàn toàn tại sao Chúa Giêsu đã chọn lựa một cuộc sống như thế.

Cuộc sống nào cũng là một mầu nhiệm. Cuộc sống của Con Thiên Chúa làm người lại càng là một mầu nhiệm đối với chúng ta hơn. Vào thời Chúa Giêsu, đa số những người Do Thái đều có một suy nghĩ giống nhau về thân thế của Chúa Giêsu. Họ biết rõ Ngài là con bác thợ mộc Yuse, và Mẹ Ngài là bà Maria. Họ cũng biết rõ từ Nazaret không bao giờ có thể xuất phát một nhân vật tài ba nào cho dân tộc. Họ biết quá rõ về Ngài, nhưng chỉ biết theo sự hiểu biết và phán đoán của con người mà thôi.

Từ chìa khóa trong đoạn Tin Mừng này là động từ “biết” được lặp lại cả thảy sáu lần. Trong Thánh Kinh, động từ biết vừa có nghĩa là hiểu biết, nhận thức của lý trí, đồng thời, còn có nghĩa là kết hiệp, thông hiệp nên một, như đôi vợ chồng “biết” nhau đến mức “mình với ta tuy hai mà một,” như khi nói “A-đam biết E-va vợ mình, và bà mang thai” (Kn 4,1). Những người biệt phái, luật sĩ tưởng mình biết Đức Ki-tô, nhưng sự hiểu biết của họ hạn hẹp ở nghĩa thông thường, chưa kể là họ biết sai về Chúa nữa.

Chúa Giê-su nhắm đến nghĩa sâu xa của sự hiểu biết khi nói: “Tôi, tôi biết Chúa Cha, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi” (c. 29).

Chúng ta có khi tự hào rằng mình đã biết Chúa nhiều; trong khi thật ra, sự hiểu biết của chúng ta về Chúa còn hời hợt, nông cạn, và có khi hiểu sai nữa là đàng khác nữa. Mùa Chay là “nhịp mạnh” của đời Ki-tô hữu để ta đào sâu hơn sự hiểu biết Chúa, từ lý trí đến ý chí: từ nhận biết đến yêu mến, và để ta kết hiệp nên một với Chúa bằng một tình yêu nồng nàn hơn, cao độ hơn

Để biết Chúa hơn, mến Chúa hơn, hôm nay chúng ta nghe, đọc, suy niệm Lời Chúa và kết hiệp với Chúa Giê-su Thánh Thể với sự chú ý cầm trí và tâm tình sốt sắng.

Thứ Sáu Tuần thứ 4 Mùa Chay, năm A

Lời Chúa: 
 Ga 7,1-2.10.25-30

1Sau đó, Đức Giêsu thường đi lại trong miền Galilê; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giuđê, vì người Do Thái tìm giết Người. 2Lễ Lều của người Do Thái gần tới.10Tuy nhiên, khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật.
25Bấy giờ có những người ở Giêrusalem nói: "Ông này không phải là người họ đang tìm giết đó sao? 26Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả. Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Đấng Kitô? 27Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Kitô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả."
28Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giêsu nói lớn tiếng rằng: "Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. 29Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi." 30 Bấy giờ họ tìm cách bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.

Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát con khỏi sự mù quáng tinh thần, nhất là đừng để con vì những lợi lộc ích kỷ mà xa Chúa, hay tệ hại hơn chống đối và từ bỏ Chúa. Xin thương mở rộng tâm hồn và đôi mắt con cho con được nhìn ra Chúa. Xin Chúa thay đổi cái nhìn của con để con biết tôn trọng và lắng nghe tiếng Chúa nơi tất cả mọi người con gặp hàng ngày.
“Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con. Biết Chúa để con yêu mến Chúa...” (Th. Âu-tinh). Xin cho sự hiểu biết đưa con đến chỗ yêu mến, gắn bó với Chúa nhiều hơn, nhất là trong Tuần Thương Khó sắp đến. Amen.

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017


CHỨNG CỦA CHÚA CHA 



Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi (Ga 5,37)

“Không có một sứ mệnh nào của nhà báo có thể cao cả hơn là tìm kiếm và công bố sự thật. Chỉ trong một xã hội tiến bộ, các nhà báo mới có thể tiếp cận tốt hơn với sự thật. Và trong một xã hội mà nhân dân có cơ may tiếp cận với càng nhiều sự thật, xã hội ấy sẽ càng nhân bản hơn” (Huy Đức-Internet).
Là môn đệ Chúa Ki-tô, ta không chờ xã hội tiến bộ, có cơ hội dễ dãi mới sống và làm chứng cho sự thật, nhưng phải luôn sống sự thật, nói sự thật và rao truyền sự thật ở mọi thời và mọi nơi, cho dù gặp đau khổ, bắt bớ, và hy sinh mạng sống như Gio-an Tẩy Giả. Vì Chúa Ki-tô chính là Sự Thật. Ngài đến trần gian để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng Chúa (Ga 18,37).
Người ta thường nói vui: “thật thà thường thua thiệt”. Còn dối trá, lươn lẹo lắm khi được coi là khôn ngoan. Chính lòng háo danh, ham lợi đã tạo điều kiện cho sự dối trá hoành hành (x. Thư Chung HĐGM/VN 2007, số 11). Sự Thật là giá trị sống cao đẹp của con người, là niềm vui và hạnh phúc vĩnh cửu. Để sống theo sự thật cần có lòng can đảm: Dám nói thật, sống thật dù chung quanh mình biết bao người vẫn thản nhiên gian dối, dù có phải thiệt thòi về lợi lộc hay danh vọng.
Luôn dám nói sự thật và nói không với sự gian dối.

Thứ Năm Tuần thứ 4 Mùa Chay, năm A

Lời Chúa: 
 Ga 5,31-47

31Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật. 32Có Đấng khác làm chứng về tôi, và tôi biết: lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật. 33Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gioan, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật. 34Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ. 35Ông Gioan là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian.
36Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gioan: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi. 37Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người.

Lạy Chúa, miệng lưỡi con cưu mang Lời Chúa, trái tim con phản ánh tình thương Chúa. Xin cho con ý thức con thuộc về Chúa, để biết cộng tác với Chúa làm cho sự thật và tình yêu Chúa thống trị thế giới này. Amen .

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017


KHÔNG NGỪNG YÊU THƯƠNG 




LỜI CHÚA: Ga 5, 17-30
Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc (Ga 5,17)

Một họa sĩ chuyên vẽ chân dung nọ di chuyển đến một thành phố nhỏ với hy vọng tìm được nhiều khách hàng.

Vừa đến trước cửa thành, ông gặp ngay một người say rượu. Hai bên trao đổi với nhau và người say rượu đồng ý cho người họa sĩ vẽ chân dung của mình. Dù say túy lúy, gương mặt hốc hác, quần áo xốc xếch, người say rượu vẫn còn có thể ngồi yên để nhà họa sĩ làm việc.

So với những khách hàng khác, thì đây là bức chân dung mà nhà họa sĩ phải tốn nhiều thời giờ nhất để vẽ.

Đứng ngắm tác phẩm vừa được hoàn thành, người say rượu không thể cầm được sự ngạc nhiên: thay cho gương mặt chán đời của mình, anh thấy trong bức chân dung một nụ cười tươi tỉnh lạc quan; thay cho cách ăn mặc cẩu thả của mình, anh thấy mình được khoác lên một bộ quần áo lộng lẫy. Nhìn vào bức chân dung một lúc, anh lắc đầu và nói: “Người trong hình không phải là tôi”.

Nhà nghệ sĩ trả lời một cách khéo léo vì đã biết nhìn xuyên qua bề ngoài để thấy vẻ đẹp nội tâm: “Thưa ông, đây là con người mà ông phải đạt đến”.

Mùa chay là mùa của thanh luyện, của hoán cải. Giáo Hội mời gọi chúng ta trở về: trở về với Chúa, với anh em, với bản thân. Tựu trung tội lỗi là một chối bỏ Thiên Chúa, khước từ anh em, đánh mất bản thân. Qua những việc làm của Mùa chay, như cầu nguyện, sám hối, hãm mình, thực thi bác ái. Giáo Hội muốn chúng ta tìm lại được chính bản thân như Thiên Chúa mong muốn. Bản thân ấy chúng ta chỉ có thể nhận ra khi nhìn ngắm Chúa Giêsu.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy chân dung của Chúa Giêsu, Đấng hoàn toàn sống cho Thiên Chúa: “Ta đến không phải để làm theo ý Ta, nhưng là làm theo ý Đấng đã sai Ta”. Nên một với Thiên Chúa, thể hiện sự nên một ấy đến cùng, đó là con đường mà Chúa Giêsu đã chọn lựa và đi cho đến cùng. Thực thế, cái chết của Chúa Giêsu gắn liền với mầu nhiệm Ba Ngôi.

Người Do Thái kết án Ngài không những vì Ngài không tuân giữ ngày hưu lễ, mà còn vì Ngài tự cho mình ngang hàng với Chúa Cha.

Cái chết của Chúa Giêsu là một mạc khải về Chúa Cha. Cái chết của Chúa Giêsu nói lên tiếng xin vâng trọn vẹn với Chúa Cha. Qua cái chết ấy, quyền năng và tình yêu của Chúa Cha được tỏ bày.

Mùa chay thường gợi lại một thực hành có tính truyền thống trong Giáo Hội, đó là hãm dẹp thân xác, tức là tham dự vào cái chết của Chúa Giêsu từng ngày qua những hy sinh, quên mình, để cũng được chia phần vinh quang Phục Sinh của Ngài, nghĩa là mỗi ngày một biến đổi để trở thành con người mới cho đến khi đạt được tầm mức viên mãn của Ngài.

Đó là bức chân dung mà mỗi Kitô hữu đều mang trong mình và mỗi ngày chúng ta phải cố gắng họa lại bằng cả cuộc sống của chúng ta.
Thứ Tư Tuần thứ 4 Mùa Chay, năm A

Lời Chúa: 
 Ga 5, 17-30

17Nhưng Đức Giêsu đáp lại: "Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc."18Bởi vậy, người Do Thái lại càng tìm cách giết Đức Giêsu, vì không những Người phá luật Sabát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.
 
19Đức Giêsu lên tiếng nói với họ rằng: "Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. 20Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc. 21Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý. 22Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử, 23để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con.
 
24Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống. 25Thật, tôi bảo thật các ông: giờ đã đến và chính là lúc này đây giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống. 26Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy, 27lại ban cho người Con được quyền xét xử, vì người Con là Con Người. 28Các ông chớ ngạc nhiên về điều này, vì giờ đã đến, giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con 29và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án. 30Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn hướng mắt nhìn lên Chúa, đặt đời chúng con vào trong viễn tượng cuộc sống đời đời để chúng con được luôn can đảm, kiên trì chu toàn thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh. 
Xin cho chúng con giữ vững Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến... để xứng đáng được làm con của Chúa. Amen.

Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017


ÐỪNG PHẠM TỘI NỮA 


Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước! (Ga 5,14)

Cuốn phim Mỹ với tựa đề: “Cái chết của một thiên thần” mang một ý nghĩa sâu sắc. Tại một vùng quê hẻo lánh bên Nam Mỹ, nơi mà lòng đạo đức bình dân thường pha trộn những mê tín dị đoan, một thanh niên nọ đã ngụy tạo ra một phép lạ thu hút được rất nhiều người.

Anh lén rạch da lấy máu mình và cho vào tượng Thánh giá mà chỉ anh mới biết cách tháo ráp. Mỗi lần anh ôm Thánh giá vào lòng thì máu từ mão gai của tượng chảy ra. Dân chúng từ khắp nơi, nhất là những kẻ tàn tật, mù lòa đổ vào để chứng kiến phép lạ. Đoàn người làm thành một đám rước Thánh giá lên trên một ngọn đồi, tại đó người thanh niên quỳ cầu nguyện bên cạnh Thánh giá và máu lại chảy ra từ mão gai trên đầu Chúa.

Trong khi phép lạ ngụy tạo này diễn ra mỗi ngày, thì một đám người bất lương muốn lợi dụng cơ hội để làm tiền. Họ biết chắc đây chỉ là một sự lừa bịp, nhưng họ chưa khám phá được bí quyết của người thanh niên.

Sau một thời gian theo dõi, họ đã bắt giữ người thanh niên và tra khảo anh khai ra bí mật ấy. Không chịu nổi cuộc tra tấn, người thanh niên đành thú nhận sự thật và đó cũng là lúc khởi đầu của những hình ảnh đẹp nhất trong cuộc đời anh.

Trước đám đông đang chuẩn bị cuộc rước, người thanh niên tháo gỡ tượng Chúa Giêsu khỏi Thánh giá và cho mọi người thấy sự lường gạt của anh từ bao năm qua. Với tất cả thành tâm thống hối, anh vác Thánh giá tiến lên đồi. Đám người bất lương bắn xối xả vào người anh, anh ngã gục, nhưng đoàn người lại tiếp tục vác Thánh giá lên đồi, nhiều người tàn tật, mù lòa bỗng cảm thấy được chữa lành.

Câu chuyện trên đây có thể giúp chúng ta nhận ra phần nào sứ điệp mà Mẹ Giáo Hội muốn gửi đến chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay. Đám đông trong câu chuyện trên chờ đợi những dấu lạ từ pho tượng của Chúa Giêsu, nhưng dấu lạ lại chỉ xảy đến chính lúc họ biết khước từ những hiện tượng bên ngoài ấy để nhận ra khuôn mặt đích thực của Chúa Giêsu trên Thánh giá và thông hiệp vào chính cuộc khổ nạn của Ngài.

Phép lạ xảy ra cho người bất toại trong Tin Mừng hôm nay có thể là hình ảnh của lòng tin cần được thanh luyện. Từ 38 năm qua, con người tàn tật này chờ một phép lạ, nhưng một phép lạ gắn liền với một hiện tượng bên ngoài là nước hồ lay động đã không bao giờ xảy đến. Chỉ khi người tàn tật này gặp gỡ Chúa Giêsu, xưng thú nỗi bất lực của mình, và tin tưởng ở lời Ngài, thì lúc đó phép lạ mới thực sự được thực hiện.

Ngày nay, để cảm nhận được phép lạ của Thiên Chúa, chúng ta cũng cần vượt qua não trạng chỉ chờ đợi những hiện tượng khác lạ trong thiên nhiên. Người ta thích đổ xô tới nơi có hiện tượng lạ thường. Dĩ nhiên, trong một số trường hợp. Thiên Chúa đã thực hiện điều đó.

Thế nhưng điều quan trọng cho đức tin chúng ta không phải là những hiện tượng khác thường ấy, mà là chính sự gặp gỡ thân tình với Chúa Giêsu. Gặp gỡ Ngài, tin ở lời Ngài, kết hiệp với Ngài nhất là trong mầu nhiệm khổ nạn, con người mới cảm nhận được tác động của Ngài.

Mùa chay là mùa của thanh luyện. Giáo Hội mời gọi tín hữu kết hiệp với Đức Kitô Tử nạn bằng cách sống tâm tình tin tưởng phó thác của Ngài, nhờ đó niềm tin của họ được thanh luyện và họ sẽ cảm nhận được tình yêu của Chúa.

Thứ Ba Tuần thứ 4 Mùa Chay, năm A

Lời Chúa: 
 Ga 5, 1-3a.5-16
1Sau đó, nhân dịp lễ của người Do Thái, Đức Giêsu lên Giêrusalem. 2Tại Giêrusalem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Hípri gọi là Bếtdatha. Hồ này có năm hành lang. 3Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó, chờ cho nước động.
5Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. 6Đức Giêsu thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: "Anh có muốn khỏi bệnh không?" 7Bệnh nhân đáp: "Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!" 8Đức Giêsu bảo: "Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!" 9Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được. Hôm đó lại là ngày Sabát. 10Người Do Thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: "Hôm nay là ngày Sabát, anh không được phép vác chõng!" 11Nhưng anh đáp: "Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi: "Anh hãy vác chõng mà đi!" 12Họ hỏi anh: "Ai là người đã bảo anh: "Vác chõng mà đi?"13Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai. Quả thế, Đức Giêsu đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy. 14Sau đó, Đức Giêsu gặp người ấy trong Đền Thờ và nói: "Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!" 15Anh ta đi nói với người Do Thái: Đức Giêsu là người đã chữa anh khỏi bệnh. 16Do đó, người Do Thái chống đối Đức Giêsu, vì Người hay chữa bệnh ngày Sabát.

Lạy Chúa, xin cho con học được những bài học thiết thực khi suy niệm bài Tin Mừng của ngày hôm nay.
Xin cho con biết kiên trì hy vọng lúc gặp đau khổ, biết lưu tâm chia sẻ những nỗi đau khổ của những người khác và biết uyển chuyển linh động khi đáp ứng những nhu cầu bức thiết của anh chị em chung quanh.
Xin Chúa cho chúng con nhìn thấy họ và biết chạnh lòng thương như Chúa đã thương.
Nhưng trước hết, xin cho chúng con nhìn thấy chính bản thân của chúng con. Amen. 

Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017


ĐỨC TIN ĐƯA TỚI PHÉP LẠ 



Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình, và ra về (Ga 4,50)

Một thiếu nữ có giọng hát thiên phú, cô luyện giọng với một giáo sư âm nhạc tài ba, cô đã hát được những giai điệu tuyệt hảo. Thế nhưng khi trình diễn, cô vẫn thấy giọng hát của cô chưa được truyền cảm. Vị giáo sư âm nhạc giải thích cho cô: “Tôi đã dạy cô tất cả những gì tôi biết, nhưng cô còn thiếu một điều mà tôi không thể cung cấp cho cô được, điều đó đến từ cuộc sống: chỉ có kinh nghiệm của cuộc sống, chỉ có những điều làm tan vỡ cõi lòng mới làm cô hát với tất cả cảm xúc”.

Bước vào tuần 4 mùa chay, Giáo Hội mỗi lúc một tha thiết mời gọi chúng ta tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu để được xứng đáng chung phần vinh quang Phục Sinh của Ngài. Cuộc sống với những khổ đau mà chúng ta đang trải qua quả là một cuộc tử nạn dai dẳng.

Là người kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu bằng chính cuộc sống ấy. Sống lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu không có nghĩa là tự đày đọa mình vào cuộc sống khổ lụy. Đau khổ tự nó không phải là một giá trị để tìm kiếm. Sống lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu chính là mặc lấy tinh thần tin yêu phó thác của Ngài. Thất vọng, buông xuôi, nổi loạn, trách móc là cơn cám dỗ chung của mọi người.

Chúa Giêsu có lẽ cũng không thoát khỏi những giờ phút thử thách ấy. Thế nhưng ý hướng duy nhất của Ngài lúc đó là niềm tín thác và tha thứ. Chỉ có thái độ như thế mới đem lại giá trị cho đau khổ và biến cuộc tử nạn của Ngài thành của lễ đẹp lòng Thiên Chúa.

Đó cũng chính là tâm tình mà Giáo Hội mời gọi chúng ta mặc lấy khi cho chúng ta nghe và suy niệm về lòng tin của viên bách quản Caphanaum. Dù chỉ là một người ngoại giáo, dù chưa một lần chứng kiến phép lạ nào của Chúa Giêsu, nhưng ông đã tìm đến để xin Ngài chữa lành cho đứa con của ông, hay đúng hơn là để xoa dịu nỗi đau khổ của người cha phải chứng kiến con mình quằn quại trong đau khổ.

Đau khổ là lửa thử niềm tin con người, đau khổ có thể đưa con người đến thất vọng, chối bỏ, và lộng ngôn, nhưng đau khổ cũng có thể là khởi điểm của tin yêu phó thác.

Thứ Hai Tuần thứ 4 Mùa Chay, năm A

Lời Chúa: 
 Ga 4, 43-54
 43Sau hai ngày, Đức Giêsu bỏ nơi đó đi Galilê. 44Chính Người đã quả quyết: ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình. 45Khi Người đến Galilê, dân chúng trong miền đón tiếp Người, vì đã được chứng kiến tất cả những gì Người làm tại Giêrusalem trong dịp lễ, bởi lẽ chính họ cũng đã đi dự lễ. 46Vậy Đức Giêsu trở lại Cana miền Galilê, là nơi Người đã làm cho nước hoá thành rượu. Bấy giờ có một sĩ quan cận vệ của nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Caphácnaum. 47Khi nghe tin Đức Giêsu từ Giuđê đến Galilê, ông tới gặp và xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết. 48Đức Giêsu nói với ông: "Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu!" 49Viên sĩ quan nói: "Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất!" 50Đức Giêsu bảo: "Ông cứ về đi, con ông sống." Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình, và ra về. 51Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi. 52Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: "Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt." 53Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giêsu đã nói với mình: "Con ông sống", nên ông và cả nhà đều tin. 54Đó là dấu lạ thứ hai Đức Giêsu đã làm, khi Người từ miền Giuđê đến miền Galilê.

Lạy Chúa, chúng con có đạo nhưng hổ thẹn: Có người chỉ một lần nghe, gặp Chúa và tin ngay. Họ thấy được tình yêu thương họ, nhận ra được những hành động vì tình yêu thương Chúa. Còn chúng con ngày nào, tuần nào cũng gặp gỡ Chúa, mà chúng con đến với Chúa như cái xác không hồn của chúng con. Không trọn vẹn tâm tình của đứa con đến nhà Cha ...
Nguyện xin Ðấng là đường, là sự thật và là sự sống củng cố niềm tin cho chúng con. Amen

Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017


THẦY LÀ ÁNH SÁNG THẾ GIAN 





Tôi đến thế gian này chính là để cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù! (Ga 9,39)

Có những người mắt sáng nhưng lại nhìn sự vật qua lăng kính của những tư tưởng sai lầm, do đó đã trở thành mù. Một sự mù quáng còn trầm trọng và tai hại hơn cả cái mù nơi thể xác, vì nó khép kín tâm hồn trước tình thương và ơn sủng của Chúa. Đó là trường hợp của bọn Biệt phái trong đoạn Tin Mừng sáng hôm nay.
Thực vậy, đầu mối câu chuyện chỉ vì Chúa Giêsu đã chữa lành cho một người mù vào đúng ngày nghỉ lễ. Luật về ngày nghỉ lễ do bọn Biệt phái chủ trương cấm làm những việc Chúa Giêsu đã làm. Thế nhưng Chúa Giêsu đã làm điều cấm ấy, cho nên Ngài chỉ là một kẻ tội lỗi. Mà đã tội lỗi, thì không thể nào là người bởi Thiên Chúa, do đó không thể làm được phép lạ.
Cái lý luận chặt chẽ ấy đã che mắt họ, không cho họ nhận biết điều lạ lùng đang xảy ra. Được đặt trước sự thực, nhưng họ lại tìm cách chối bỏ sự thực ấy: Kẻ được chữa lành không phải là người mù họ thường thấy, nhưng chỉ là một người giống như hắn. Họ đã muốn phủ nhận ngay chính người được chữa lành. Họ hạch hỏi và làm khó dễ cả người cha lẫn người mẹ. Bản thân anh cũng bị tra hỏi, tất cả như muốn anh chối bỏ chính cái ơn huệ, chính cái thực tế diễn ra nơi con người anh.
Thế nhưng cuộc hạch hỏi này lại cho chúng ta thấy người sáng suốt lại chính là anh mù. Còn kẻ mù lại là bọn Biệt phái, vốn tự nhận mình là thông suốt đạo lý và lề luật. Anh mù đã muốn đi từ thực tế không thể chối cãi được, tìm hiểu về con người đã làm phép lạ, để rồi cuối cùng anh không phải chỉ được chữa để nhìn thấy sự vật chung quanh, mà còn được nhận biết ánh sáng của niềm tin, nhìn nhận Chúa Giêsu chính là Đấng từ trời đến, để thông chia cho mọi người sự sống Thiên Chúa.
Trong khi đó bọn Biệt phái lại muốn đi từ một cách hiểu về đạo giáo của họ để phán xét sự thật. Vì họ đã sai lầm trong cách hiểu và lý luận của mình, nên họ đã bị bưng bít, không thể nhận ra được sự thật, cũng như ý nghĩa của sự thật ấy.
Chúa Giêsu đã đảo ngược các hoàn cảnh. Người mù tin ở Ngài thì được khỏi và được dẫn đến chỗ nhìn nhận mạc khải của Chúa. Trái lại những kẻ vẫn tự khoe là thông thái và sáng suốt thì lại không thấy được Đấng đem ánh sáng cứu rỗi đến cho con người. Họ tự giam mình trong tối tăm của sự chết.
Đây cũng là hoàn cảnh của chúng ta. Thực vậy, một cản trở không nhỏ trên con đường đến với Chúa và nhận ra tiếng Ngài trong những biến cố của cuộc sống đó là cứ bám víu vào những tiên kiến và tự mãn với những điều chúng ta đã biết, bằng sự rập khuôn và óc câu nệ. Tất cả tạo nên một thứ hàng rào kiên cố ngăn cản chúng ta tiếp cận với sự thật để được cứu rỗi. Những người thủ cựu và cố chấp giống như những kẻ đeo cặp kính màu xám, thì nhìn cái gì cũng hoá ra xám. Họ giống như những anh mù sờ voi, phùng má trợn mắt bảo vệ lập trường của mình, mà chẳng ai nắm được sự thật.
Bọn Biệt phái đã căm thù Chúa Giêsu và cuối cùng đã tìm cách thủ tiêu Ngài chỉ vì không chấp nhận để Ngài phá vỡ cái hàng rào này của họ.

Chúa Nhật thứ 4 Mùa Chay, năm A

Lời Chúa: 
 Ga 9,1-41

1Đi ngang qua, Đức Giêsu nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. 2Các môn đệ hỏi Người: "Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?" 3Đức Giêsu trả lời: "Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. 4Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. 5Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian." 6Nói xong, Đức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, 7rồi bảo anh ta: "Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa" (Silôác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.

8Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: "Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?" 9Có người nói: "Chính hắn đó!" Kẻ khác lại rằng: "Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!" Còn anh ta thì quả quyết: "Chính tôi đây!" 10Người ta liền hỏi anh: "Vậy, làm sao mắt anh lại mở ra được như thế?" 11Anh ta trả lời: "Người tên là Giêsu đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: "Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa. Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy." 12Họ lại hỏi anh: "Ông ấy ở đâu?" Anh ta đáp: "Tôi không biết." 13Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pharisêu. 14Nhưng ngày Đức Giêsu trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày Sabát. 15Vậy, các người Pharisêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: "Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy." 16Trong nhóm Pharisêu, người thì nói: "Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày Sabát"; kẻ thì bảo: "Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?" Thế là họ đâm ra chia rẽ. 17Họ lại hỏi người mù: "Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?" Anh đáp: "Người là một vị ngôn sứ!" 18Người Do Thái không tin là trước đây anh bị mù mà nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến. 19Họ hỏi: "Anh này có phải là con ông bà không? Ông bà nói là anh bị mù từ khi mới sinh, vậy sao bây giờ anh lại nhìn thấy được?" 20Cha mẹ anh đáp: "Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. 21Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được." 22Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do Thái. Thật vậy, người Do Thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô. 23Vì thế, cha mẹ anh mới nói: "Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó."

24Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo: "Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi." 25Anh ta đáp: "Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!" 26Họ mới nói với anh: "Ông ấy đã làm gì cho anh? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào?" 27Anh trả lời: "Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa? Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng?" 28Họ liền mắng nhiếc anh: "Có mày mới là môn đệ của ông ấy; còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Môsê. 29Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Môsê; nhưng chúng ta không biết ông Giêsu ấy bởi đâu mà đến." 30Anh đáp: "Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi! 31Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. 32Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. 33Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì." 34Họ đối lại: "Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?" Rồi họ trục xuất anh.

35 Đức Giêsu nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi: "Anh có tin vào Con Người không?" 36Anh đáp: "Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?" 37Đức Giêsu trả lời: "Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây." 38Anh nói: "Thưa Ngài, tôi tin." Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người. 39Đức Giêsu nói: "Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!" 40Những người Pharisêu đang ở đó với Đức Giêsu nghe vậy, liền lên tiếng: "Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?" 41Đức Giêsu bảo họ: "Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: "Chúng tôi thấy", nên tội các ông vẫn còn!"

Lạy Chúa Giêsu là ánh sáng cho trần gian, xin chiếu dọi ánh sáng Chúa vào tâm trí chúng con, cứu chúng con khỏi bị mù quáng do dục vọng gây nên, để chúng con khỏi hư mất đời đời nhưng được cứu độ và được sống. 
Xin Chúa cho chúng con có một tâm hồn trong sạch, một ý chí ngay lành, một niềm tin vững mạnh để bước theo Chúa cho đến cùng. Chúa là đường, là sự thật, là sự sống, bước theo Chúa chúng con sẽ không lầm lạc, ở trung thành với Chúa chúng con sẽ được sống đời đời bên Chúa. Amen