Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016


THỰC THI LỜI CHÚA 



"Ai thực hiện ý Chúa Cha, sẽ được vào nước trời". (Mt 7,21)
Ở bất cứ một xã hội nào, một quốc gia nào, một thời đại nào, người ta vẫn trọng chữ "Tín", nghĩa là tin tưởng nhau, đặt trọn niềm tin ở nhau. Ai cũng muốn sống chân thật, không lừa dối, phỉnh phờ... Khi tìm bạn để kết nghĩa, ai cũng muốn sống với nhau bằng trái tim chân thành. Không lạ gì khi người ta có quan niệm: "Một túp lều tranh, hai quả tim vàng". Người ta sợ nhất những người ăn nói dẻo miệng, ăn nói ngọt ngào, vì ai cũng cho là "mật ngọt chết ruồi". Những người có khoa ăn nói dễ thành công khi ngoại giao tiếp xúc với bên ngoài nhưng không mấy ai kết thân trong tình nghĩa.
Và hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta một nhận xét: "Không phải những ai nói Lạy Chúa! Lạy Chúa là được vào Nước Trời nhưng chỉ có những người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời". Chúa Giêsu cũng thường lên án những người Do Thái bấy giờ: "Dân này thờ Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta".
Chúng ta đi tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật để thờ phượng Thiên Chúa, thế nhưng chúng ta đã không hẳn hoàn toàn nhớ đến Chúa. Chúng ta vẫn để ý những câu chuyện đâu đâu, từ nhà đến phố chợ, từ công sở cho đến những việc giải trí. Chúng ta không tìm hiểu Thánh Lễ là gì đối với những phần chính yếu trong Thánh Lễ mang một ý nghĩa nào. Qua các phần đó, Chúa Giêsu muốn nói gì với chúng ta qua Giáo Hội. Chúng ta giữ đạo chứ chúng ta chưa sống đạo
Chúng ta sống đạo, sống luật Chúa trong tình yêu thương. Thiên Chúa thực sự và gần anh chị em trong tâm tình con một Cha chung trên trời, khi chúng ta cùng nhau đọc lời kinh Lạy Cha, có như thế chúng ta mới thực sự sống đạo, có như thế chúng ta mới xây nhà trên đá được. Dù sóng gió, bão táp của cuộc đời, ngôi nhà sống đạo của chúng ta vẫn vững bền, dù sóng gió có lùa vào thì cũng không thể làm sập nổi, dù có mưa sa nước lũ, căn nhà đức tin của chúng ta cũng không hề hấn gì, vì được bao bọc bằng tình thương quan phòng của Thiên Chúa che chở. Ðó là người khôn ngoan mà Chúa Giêsu đã nói hôm nay: "Ai nghe và giữ lời Ta nói đây mà đem ra thực hành thì giống như người khôn ngoan xây nhà trên đá". Nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, đó là một cần thiết cho mọi Kitô hữu. Và Chúa Giêsu còn quả quyết thêm: "Ai nghe và giữ lời Ta thì là Mẹ Ta, là anh em Ta".
Thứ năm đầu tháng. Tuần 1 Mùa Vọng năm A
Lời Chúa: 
 Mt 7,21.24-27
21 "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : "Lạy Chúa ! lạy Chúa !" là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. 22 Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng : "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao ?"24 "Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. 25 Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. 26 Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. 27 Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành".
Lạy Chúa, xin cho chúng con chuẩn bị mừng Chúa đến trong tâm tình yêu mến và ý thức cảm nghiệm được thức ăn bổ dưỡng tâm linh cho chúng con, đó là thức ăn Lời Chúa và Mình Máu Chúa. Amen.

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2016


"Các ông bỏ lưới mà đi theo Người".


30/11 – THỨ TƯ TUẦN I MÙA VỌNG.
– THÁNH ANRÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính.
"Các ông bỏ lưới mà đi theo Người".
* Thánh Anrê quê ở Bétsaiđa. Ban đầu người là môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả, sau đó theo Chúa Kitô. Người cũng đã dẫn em là thánh Phêrô đến gặp Chúa. Chính người cùng với thánh Philipphê đã giới thiệu những người ngoại giáo với Chúa Kitô và đã cho biết có một em bé mang theo bánh và cá khi những người nghe Chúa giảng không có gì ăn. Sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, người đã đi loan báo Tin Mừng ở nhiều nơi và đã bị đóng đinh thập giá ở A-khai-a.

Lễ Thánh Andrê là lễ trước nhất trong lịch sử phụng vụ chư thánh, Ngài là người trước nhất đi theo Đức Giêsu và là người trước nhất tuyên bố Đức Giêsu là Đấng Messia. Thánh Gioan kể nhiiều chi tiết về Thánh Andrê hơn Thánh Matthêu cho chúng ta biết thái độ của Thánh Andrê.
Andrê là anh của Simon. Ngài đã thuộc nhóm đạo đức của Thánh Gioan tiền hô. Ngài cùng với Thánh Gioan đi tháp tùng Thánh Gioan Tiền Hô. Khi Thày thấy Đức Giêsu đi ngang qua, thày đã nói: “Đây Chiên Thiên Chúa Andrê đã bỏ thày lại và đi theo Đức Giêsu, đến nơi ở của Người và họ đã ở lại với Người từ ngày đó!”
Ngày hôm sau, khi em mình là Simon, Ngài nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia, rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu”. (Ga 1, 41-42)
Theo truyền khẩu Ngài chết ở Patras Hy Lạp, bị đóng đinh vào thập giá hình chữ X.
Ngày nay, ta luôn luôn có cảm tưởng rằng để noi gương các thánh, chúng ta phải thực hành nhân đức đặc sác của Ngài. Đúng thế! Nhưng suy nghĩ về các Thánh mà chúng ta biết điều thúc dục chúng ta là luôn cầu nguyện theo gương các Ngài, như phụng vụ khêu gợi cho chúng ta. Tờ kê khai các nhân đức của các Ngài thì dài vô tận và chúng ta sẽ như chim chích vào rừng, nói thế không phải chuyện dỡn!
Nhưng thay vì lạc vào rừng, tiên Việt Nam hãy theo Thánh Andrê, cũng như các thánh, muốn dạy chúng ta bài học độc nhất là: gặp gỡ Đức Ki-tô và yêu mến Người. Đó là đúng nhất. Không còn bài học nò khác, cũng không phải tìm ai nữa, Ngài đã tìm được Đấng giải thích cho lý trí của Ngài: “Tôi đã gặp được Đấng tôi yêu và yêu tôi”. “Tôi yêu Người trọn vẹn vì lý do đó”.
Andrê nghĩa là dâng hiến, là trung tín, là tất cả trong tình yêu, tình bạn khiêm tốn.


LỜI CHÚA: Mt 4, 18-22

Khi ấy, nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo hai ông rằng: "Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta". Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. Ði xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.
ĐÓ LÀ LỜI CHÚA .

Lạy Chúa, hôm nay chúng con mừng kính thánh Anrê, người ngư phủ đã tin Ðức Giêsu là Ðấng Mêsia và mau mắn giới thiệu cho em mình. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp mà củng cố niềm tin của chúng con để chúng con cũnng chia sẻ niềm tin của mình cho những người chúng con gặp gỡ. Amen.



ĂN NO NÊ.


"Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn". (Mt 15,32)
Bài Tin mừng hôm nay, cho thấy Chúa Giê su tiếp tục lên đường truyền giáo, Ngài rời khỏi Ca-na-an và đi đến Biển Hồ Ga-li-lê. Chính nơi đây, Ngài đã chữa rất nhiều bệnh nhân với đủ mọi thứ bệnh hoạn, tật nguyền (Mt 15,29-30) và làm phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai (Mt 15,32-39) nhằm cho các môn đệ cũng như những người đang nghe Chúa đây, hiểu được phần nào sứ mạng cứu thế và mục tử của Ngài
Thật vậy, cuộc đời của Chúa là cứu thế, cuộc sống của Ngài là sống cho, sống vì yêu thương con người để con người được sống hạnh phúc. Ngài đi khắp các thành thị cho đến các vùng nông thôn hẻo lánh để tìm kiếm, chữa lành và cứu vớt con người. Ngài làm cho người mù đươc thấy (Mc 8,22-26), người què đi được, kẻ điếc được nghe (Mc 7,31-37) và kẻ chết sống lại (Ga 11, 1-44 ). Đặc biệt, Ngài rất quan tâm tới những người nghèo khổ, bất hạnh và tội lỗi. Ngài cảm thông, tha thứ, sẵn sàng đồng bàn ăn uống với họ (Mt 9, 10-13; Mc2, 15-17;Lc 5, 29-32).Chính vì yêu thương mà Ngài làm phép lạ để cứu họ không những khỏi bệnh tật phần xác mà cả phần hồn nữa.Tất cả những việc Ngài làm xuất phát từ tình yêu, một tình yêu trao ban nhưng không, tình yêu Thiên Chúa đối với loài người.
Nhìn đám người ngày càng đông bao quanh Ngài, theo Ngài để nghe Ngài giảng dạy, để được chứng kiến những phép lạ Ngài làm. Ngài “chạnh lòng thương”, vì “họ ở luôn với Ngài đã ba ngày rồi mà không có gì ăn” . Ngài không đành lòng nhìn họ đói khát như vậy. Ngài mời gọi các tông đồ cộng tác với Ngài để giải quyết cơn đói của dân chúng trước mắt vì Ngài “không muốn”để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường. Trước lời đề nghị của Chúa, các tông đồ lo lắng bối rối “Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?”. Nhưng rồi với sự đóng góp nhỏ bé của các tông đồ “bảy chiếc bánh và những con cá nhỏ”mà phép lạ đã xảy ra. Ai nấy đều ăn no nê và còn dư bảy thúng bánh đầy.
Cũng vậy, hằng ngày Chúa vẫn đang dõi mắt quan tâm “chạnh lòng thương” đến nhân loại để trao ban tình thương. Ngài đang cần sự cộng tác, đóng góp nho nhỏ của mỗi người chúng ta để phép lạ được thực hiện, đặc biệt là những ai được Ngài tuyển chọn tiếp nối sứ mạng cứu thế và mục tử của Ngài

Thứ Tư Tuần thứ 1 Mùa Vọng C - Thánh Anrê Tông Đồ - Lễ kính
Lời Chúa: 
 Mt 15, 29-37
29Đức Giêsu xuống khỏi miền ấy, đến ven Biển Hồ Galilê. Người lên núi và ngồi ở đó. 30Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, 31khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ítraen.32Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường." 33Các môn đệ thưa: "Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?" 34Đức Giêsu hỏi: "Anh em có mấy chiếc bánh?" Các ông đáp: "Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ." 35Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất. 36Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. 37Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được bảy thúng đầy.

Trong tâm tình sống tinh thần Mùa vọng, mùa mong chờ Chúa đến, xin cho mỗi người chúng con biết mở rộng lòng ra, giơ hai tay để đón nhận ơn Chúa. Và xin cho chúng con cũng biết quảng đại, “chạnh lòng thương”, mở tay ra để chia sẻ cho tha nhân những gì chúng con lãnh nhận từ Chúa.
Bởi “Đức tin không hành động là đức tin chết” (x Gc 2,17).
Yêu mến Chúa là tuân giữ, thi hành điều Chúa dạy. Đó cũng chính là khát vọng của Chúa nơi mỗi người chúng con, là bức tâm thư mà Chúa gởi cho mỗi người chúng con trong từng giây phút của cuộc sống này. Amen

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016


MẠC KHẢI  CHO KẺ BÉ MỌN


Cha đã mặc khải cho những người bé mọn (Lc 10,21)
Chúng ta đang bước vào Mùa Vọng là mùa trông đợi Ðấng Cứu Thế mang ơn cứu độ đến cho nhân loại. Chờ đợi là thời gian dài thăm thẳm, vì theo tâm lý thì thời gian như kéo dài thêm ra. Trải qua một thời kỳ lịch sử Cựu Ước, kể từ khi con người phạm tội phản nghịch qua Adam và Evà, biết bao nhiêu tổ phụ, bao nhiêu tiên tri đã được sai đến dọn đường cho Con Thiên Chúa là Ngôi Hai mặc lấy thân xác con người, gánh lấy tội lỗi con người và làm cho con người được ơn cứu rỗi.
Ðoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta lời cầu nguyện của Chúa Giêsu để mạc khải cho chúng ta biết bản tính Thiên Chúa của Ngài: "Không ai biết Chúa Con ngoại trừ ra Cha, cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào ngoài Chúa Con và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết".
Ðôi mắt con người chỉ nhìn xem những vật hữu hình, nếu quá nhỏ có thể dùng kính hiển vi, nếu quá xa có thể dùng kính thiên văn. Trí óc con người có thể suy nghĩ một cách hạn hẹp trong khả năng giới hạn nào đó mà thôi, ví dụ chúng ta có thể nhìn thấy ngôi nhà chúng ta đang ở, chúng ta biết nó không phải tự nhiên mà có nhưng phải do bàn tay thợ nề, thợ mộc, do con người làm nên và tạo ra. Khi nhìn đồng hồ treo tường hay treo đồng hồ đeo tay, chắc hẳn trong chúng ta không ai nghĩ rằng nó tự nhiên mà có nhưng phải có người suy tính và tạo ra.
Từ những thí dụ cụ thể trên, chúng ta có ý nghĩ: Con người chúng ta không phải tình cờ hay ngẫu nhiên mà được sinh ra. Ða số ai cũng chấp nhận có ông Trời tạo dựng nên và điều khiển vũ trụ. Tuy nhiên trí óc con người không dừng lại ở đó, trí óc họ không thể hiểu thêm gì về ông Trời đó, chỉ có thể tưởng tượng ra ông Trời cũng biết thương, biết giận, biết ghét, biết khen thưởng hay trừng phạt như con người. Và con người cũng thường nói: "Ông Trời có mắt" để cùng nhau làm lành làm dữ, sống hòa thuận, bớt làm điều tai ác.
Chúa Giêsu mặc lấy thân phận con người để tiết lộ cho chúng ta biết về Thiên Chúa qua lời cầu nguyện của Ngài hôm nay với Thiên Chúa Cha: "Không ai biết Thiên Chúa Cha ngoại trừ ra Con". Thiên Chúa Con, Ngài từ trời xuống nên Ngài biết rõ những việc trên trời nơi Ngài đã ở với Thiên Chúa Cha.
Chúa Giêsu đã chúc lành cho chúng ta: "Hạnh phúc cho những người được xem thấy những điều chúng con xem thấy, vì đã có nhiều tiên tri, vua chúa đã muốn xem những điều chúng con thấy mà chẳng được xem". Biết bao nhiêu người hiện nay chưa biết, chưa được nghe đến Tin Mừng của Chúa, vì chưa được ai rao giảng cho họ.

Thứ Ba Tuần thứ 1 Mùa Vọng, năm A
Lời Chúa: 
 Lc 10,21-24

21Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” 22"Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho." 23Rồi Đức Giêsu quay lại với các môn đệ và bảo riêng: "Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! 24Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe."

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con tin vững vàng vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ngôi Hai Nhập Thể để chúng con sống thật với mầu nhiệm yêu thương ấy. Xin Chúa cho mỗi người trong chúng con sống trọn vẹn tâm tình tha thiết mong đợi Ðấng Cứu Thế đến để cứu rỗi nhân loại chúng con. Amen.

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2016


MÙA CỦA ĐỨC CẬY VÀ ĐỨC TIN

"Ông cứ về đi! Ông tin thế nào thì được như vậy! (Mt 8,13)
“Tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” (Mt 8,8)
Là sĩ quan của đế quốc Rô-ma đang cai trị người Do Thái, thế mà ông đến xin ân huệ từ một 'kẻ bị trị'! Ông tin mãnh liệt rằng Đức Giê-su có hảo tâm và có quyền lực chữa lành người đầy tớ ông. Đức Giê-su gọi đó là lòng tin, và Ngài đã đáp lại bằng một phép lạ chữa lành. Để phép lạ xảy ra, con người cần lòng tin. Tin Mừng luôn cho thấy rằng đức tin làm ra phép lạ, chứ không ngược lại. Tin ở đây là tin vào con người Đức Giê-su. Tin không hệ tại việc khuất phục quyền lực cách mù quáng, nhưng là nhìn nhận thân phận bất toàn bất túc của mình và tìm kiếm sự viên mãn nơi Đức Giê-su. Tin như thế bao hàm một thái độ dám liều dấn thân trọn con người mình, chứ không duy chỉ là một sự chấp nhận của lý trí đối với một số tín điều trừu tượng nào đó.
Khám phá lại về lòng tin của viên sĩ quan Rô-ma. Ông đã không đọc Kinh Tin Kính trước mặt Đức Giêsu (lúc đó chưa hề có kinh này!) Ông kinh nghiệm về một khát vọng không tự mình giải quyết được. Ông hết mực khiêm tốn. Ông dũng cảm dấn thân (ở vị thế của ông mà đến với Đức Giêsu để van xin như thế là phải vượt qua cả một bức tường dư luận đó!) Và thật thú vị, lòng tin của ông đã có thể đem lại sự chữa lành cho một người khác!
Sống tin tưởng nói với Chúa về những khó khăn của mình.

Thứ Hai Tuần thứ 1 Mùa Vọng, năm A

Lời Chúa: 
 Mt 8,5-11

5Khi Đức Giêsu vào thành Caphácnaum, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: 6"Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm." 7Người nói: "Chính tôi sẽ đến chữa nó." Viên đại đội trưởng đáp: 8"Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. 9Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: "Đi!", là nó đi, bảo người kia: "Đến!", là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: "Làm cái này!", là nó làm." 10Nghe vậy, Đức Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: "Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ítraen nào có lòng tin như thế. 11Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. 12Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng." 13Rồi Đức Giêsu nói với viên đại đội trưởng rằng: "Ông cứ về đi! Ông tin thế nào thì được như vậy! " Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh.

Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ được lành mạnh. Amen.

TỈNH THỨC ĐÓN CHỜ CHÚA



 “Hãy Tỉnh Thức vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến” (Mt 24,42)
Mùa Vọng là mùa trông chờ Chúa đến. Chúng ta trông chờ Chúa đến là bởi vì chúng ta không được thoả mãn với tình trạng hiện tại của chúng ta. Dầu có tận tâm tận lực, chúng ta vẫn gặp phải không biết bao nhiêu điều trái ý, chẳng hạn như bệnh tật, nghèo đói, cô đơn, chia ly và chết chóc. Chúng ta tin rằng Chúa sẽ đến để lấp đầy những khát vọng chính đáng của chúng ta, đồng thời sẽ mang lại một đời sống hạnh phúc:
Sẽ không còn chiến tranh, thù hận và hao tốn tiền của nữa, vì thời đại của Chúa là thời đại hoà bình. Bản thân Chúa chính là sự bình an như lời các thiên thần hát vang trên cánh đồng Bêlem: Bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Thời đại của Chúa là thời đại hòa bình như tiên tri Isaia đã diễn tả: Khi Chúa đến, người ta sẽ lấy gươm mà rèn nên lưỡi cày, lấy giáo mà rèn nên lưỡi hái. Nước này sẽ không còn tuốt gươm ra xông đánh nước kia. Mọi người sẽ chung sống với nhau trong hoà thuận và yêu thương. Sẽ không còn cái cảnh cá đớp cá, người trói người. Sẽ không còn cái cung cách người với người là chó sói của nhau bởi vì tứ hai giai huynh đệ, bốn bể đều là anh em ruột thịt vì cùng là con của Cha trên trời.
Người ta sẽ không còn tranh chấp lừa đảo nhau nữa bởi vì Chúa sẽ dạy chúng ta đường lối của Ngài và chúng ta sẽ tuân theo ý định của Ngài. Mọi mơ ước của con người sẽ được thoả mãn, sẽ trở thành sự thật. Vậy cảnh địa đàng này bao giờ sẽ tới? Bao giờ Chúa mới ban cho chúng ta hoà bình và hạnh phúc đích thực và lâu dài?
Điều đó chúng ta không hay biết bởi vì Chúa đã phán: Vào lúc các con không ngờ thì Con Người sẽ đến. Lúc Chúa đến có thể hiểu là giờ chết của mỗi người chúng ta, hay là ngày tận thế. Chúng ta không biết lúc nào sẽ xảy ra hai việc ấy. Do đó, lo lắng tìm biết lúc nào mình sẽ chết hay lúc nào sẽ là ngày tận thế? Đó là một việc làm luống công và vô ích. Trái lại hãy phó thác tương lai cho Chúa như lời Ngài đã phán: Chớ áy náy về ngày mai. Ngày mai sẽ lo cho ngày mai, ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy, nhưng tiên vàn hãy lo tìm kiếm Nước Trời và sự công chính của Ngài.

Chúa nhật 1 mùa vọng, năm A
Lời Chúa: 
 Mt 24, 37-44
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ: 37“Quả thế, thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. 38Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. 39Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thuỷ ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. 40Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; 41hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại.
 42“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. 43Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. 44Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.

Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con và tha thứ mọi tội lỗi, mọi thiếu sót mà trong một năm qua, chúng con đã xúc phạm đến Chúa, đến anh chị em của mình. Xin cho mỗi chúng con, bước vào năm Phụng vụ mới, biết ý thức từng giây phút sống, để chúng con luôn sống cho Chúa và sống trong Chúa. Xin cho chúng con luôn nhận tinh thần tĩnh thức, là sống thánh thiện, sống nhân đức, sống hiến dâng, sống phó thác làm phương cách chuẩn bị cho giờ ra đi của mình. Amen

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

TỈNH THỨC CẦU NGUYỆN


Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến (Lc 21,36)
Kết thúc diễn từ về ngày tận thế, Chúa Giêsu đưa ra hai thái độ sống cụ thể trong khi chờ ngày của Chúa. Thứ nhất là thái độ sống thanh thoát: "Các con phải đề phòng, chớ để lòng mình đắm say tửu sắc, đa mang sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu các con, vì ngày ấy sẽ ập tới mọi dân cư trên khắp mặt đất". Nói khác đi, Chúa muốn chúng ta sống sứ điệp và giá trị Tin Mừng, không để mình bị mê hoặc chạy theo các chủ trương duy vật, hưởng thụ, qua lo thu tích của cải như một bảo đảm an toàn cho cuộc sống mà lãng quên những nhu cầu tâm linh và các giá trị siêu việt của cuộc sống.
Ðể khỏi rơi vào tình trạng thiếu chuẩn bị trong ngày của Chúa, Chúa Giêsu nêu ra điều kiện tiên quyết, đó là tỉnh thức và cầu nguyện: "Các con phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có đủ sức thoát khỏi những điều sắp xẩy đến và đứng vững trước mặt Con Người". Cầu nguyện là nhìn nhận Chúa là tất cả, là đặt thánh ý Chúa trên hết. Ðồng thời, cầu nguyện là nhận biết mình yếu đuối và cậy trông vào ơn Chúa. Nhờ cầu nguyện, chúng ta sẽ có thái độ tỉnh thức trong đời sống thường ngày, sẽ nhạy bén với tiếng gọi của Chúa qua những biến cố cuộc sống để luôn tìm đẹp lòng Chúa.
Ngày mai chúng ta không biết sẽ ra sao, ngày cuối đời lại càng mù tịt. Xin Chúa cho chúng ta biết sống từng giây phút hiện tại, sao cho luôn được Chúa chúc lành và được tình thương Chúa che chở, để ngày Chúa đến sẽ là ngày hạnh phúc cho chúng ta.


Thứ Bảy Tuần thứ 34 Thường Niên C

Lời Chúa: 
 Lc 21, 34-36

31Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. 32Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. 33Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.34"Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, 35vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. 36Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người."

Lạy Chúa, hôm nay là ngày cuối cùng của năm phụng vụ C. Chúng con xin cảm tạ Ơn Chúa đã cho chúng con qua một năm bình an, khỏe mạnh. Nhiều người trong chúng con còn được nhận nhiều những Ơn Thiên đặt biệt Chúa ban cho riêng nữa...
Chúng con là những đưa con ngu hèn của Chúa, chỉ biết đón nhận mà chưa làm cho Chúa vui lòng. Xin Chúa tha thứ tội lỗi cho con cái của Chúa. Xin mở lòng mở trí cho con cái của Chúa biết đường sám hối ăn năn. Mỗi ngày mỗi biết sống xứng đáng hơn.
Lạy Chúa xin tha tội cho chúng con, cho chúng con Năm Phụng Vụ A sắp đến, biết sống chờ đợi, biết sống trong nguyện cầu... để tâm hồn lẫn thể xác lúc nào cũng luôn cận kề bên Chúa.
Để bất cứ giờ phút nào Chúa gọi, chúng con cũng sẵn sàng. Amen

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016


NƯỚC TRỜI LÊN NGÔI 




Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.(Lc 21,33)
Như cây vả mùa đông trụi lá chết khô để rồi sống dậy, đâm chồi nẩy lộc khi “mùa hè gần đến,” cũng thế khi “những sự ấy xảy ra” thì Nước Thiên Chúa cũng đến gần. Trong những đoạn trước đó (cc. 9-11.25-28), Phúc Âm theo thánh Lu-ca mô tả “những sự ấy” là chiến tranh loạn lạc và những xáo trộn kinh hoàng chấn động cả vũ trụ. Rồi trước đó nữa là những bách hại ngược đãi mà các môn đệ Chúa phải chịu (c. 12). Qua những lời đó, Chúa nhắc ta một chân lý rất quen thuộc: Nước Thiên Chúa mà Ngài loan báo là “đã đến gần,” chỉ đến qua con đường thập giá, con đường chính Ngài đã đi qua: chịu khổ hình, chịu chết rồi mới sống lại vinh quang.
Chúng ta có xu hướng muốn Nước Chúa trị đến mà không muốn “những sự ấy” xảy ra. Hoặc có khi chúng ta có thái độ chờ đợi thụ động theo kiểu ‘qua cơn mưa trời lại sáng’. Một mặt Nước Chúa sẽ đến khi “mãn thời của dân ngoại” (c. 24). Nhưng mặt khác chúng ta có thể góp phần làm cho Nước Chúa đến bằng cách tích cực tham dự vào mầu nhiệm thập giá của Đức Ki-tô, một cách cụ thể: dám chấp nhận chịu thiệt thòi để thực thi công bằng và trung thực trong công việc nghề nghiệp hằng ngày của mình, dấn thân vào các hoạt động bảo vệ sự sống dù có phải đón nhận những khó khăn nguy hiểm.


Thứ Sáu Tuần thứ 34 Thường Niên C - T. Catarina Alexandria, trinh nữ, tử đạo
Lời Chúa: 
 Lc 21, 29-33
29Đức Giêsu kể cho các môn đệ nghe một dụ ngôn: "Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả những cây khác. 30Khi cây đâm chồi, anh em nhìn thì đủ biết là mùa hè đã đến gần rồi. 31Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. 32Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. 33Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.


Lạy Chúa, chúng con đang mong chờ ngày Chúa lại đến, xin cho chúng con biết thay đổi cuộc đời để xứng đáng được Chúa đón nhận vào vinh quang Nước Chúa. Xin giúp chúng con nhận ra dấu chỉ của Nước Chúa đang đến giữa chúng con qua các ơn lành của Chúa, qua những dấu chỉ thời đại để chúng con biết chu toàn bổn phận theo thánh ý Chúa. Xin giúp chúng con đừng vì lười biếng mà lãng quên bổn phận với Chúa. Xin cho chúng con luôn canh tân đổi mới cuộc đời theo giáo huấn của Chúa. Và sẳn sàng chờ ngày Chúa đến. Amen.

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016


SẮP ĐƯỢC CỨU CHUỘC 

RA ĐI LÀM CHỨNG ĐỨC TIN
“Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9,24)
Mỗi lần đến lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta lại thấy lòng rộn lên niềm tự hào, hãnh diện vì sự kiên cường xả thân để minh chứng đức tin của cha ông mình.
Trong số 118 vị tử đạo, có 21 vị là các nhà truyền giáo Châu Âu (11 đến từ Tây Ban Nha, 10 đến từ Pháp), hình như chúng ta thường ít để ý đến các vị này. Các ngài đã sẵn sàng rời quê hương, từ bỏ chốn phồn hoa, nếp sống văn minh, để đem giá trị của nền “văn minh tình thương, văn hóa sự sống” cho chúng ta. Một cách nào đó, các ngài thật sự đã “tử đạo” ngay khi quyết định lên đường. Vâng, các ngài đã không tiếc nuối, đã anh dũng ra đi rao giảng Tin Mừng.
Sống đức tin hôm nay là tiếp nối bước chân các ngài, can đảm đi ra khỏi chính mình để làm chứng cho Tin Mừng sự sống, để sống niềm tự hào là con cháu các vị anh hùng. Đó như một lời tạ ơn Thiên Chúa và tri ân Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Ngày nay, chúng ta không dễ có cơ hội để đổ máu vì đức tin, nhưng được mời gọi sống đức tin ấy cách son sắt hằng ngày, để không hổ danh “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.”
Trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta cần làm gì?
Âm thầm và vui tươi đón nhận những hy sinh, từ bỏ nho nhỏ hằng ngày để theo Chúa. Noi theo gương sáng của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Thứ Năm Tuần thứ 34 Thường Niên C - Các Thánh Tử Đạo Việt Nam _ Lễ trọng
Lời Chúa: 
 Lc 21,20-28
20"Khi anh em thấy thành Giêrusalem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành. 21Bấy giờ, ai ở miền Giuđê, hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành. 22Thật vậy, đó sẽ là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm.” 23Khốn thay những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó! "Vì sẽ có cơn khốn khổ cùng cực trên đất này, và cơn thịnh nộ sẽ giáng xuống dân này.” 24Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân các nước, và Giêrusalem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại. 25"Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. 26Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. 27Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 28Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc."

Lạy Chúa Giêsu. Các thánh Tử Đạo Việt Nam, đã liều mất mạng sống của mình vì Chúa, mà hôm nay chúng con mừng kính lễ các Ngài. Xin cho dòng máu các thánh Tử Đạo Việt Nam làm trổ sinh nhiều qua trái đức tin trên đất nước của chúng con, trong đó có con và gia đình của chúng con. Amen

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016


KIÊN TRÌ 



Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình (Lc 21, 19)
Bài Tin Mừng hôm nay là một đoạn ngắn trong diễn từ về ngày tận thế. Có một câu chúng ta cần lưu ý, trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Các con sẽ bị người ta bắt bớ, ngược đãi, nộp cho Hội đường, và điệu đến trước nhà cầm quyền, vì Danh Thầy. Ðó là cơ hội để các con làm chứng về Thầy". Thật lạ lùng: bị bắt bớ, ngược đãi, tống ngục là chuyện đau khổ, nhục nhã, thất bại, thế mà Chúa Giêsu lại cho là hân hoan, là cơ hội tốt để làm chứng.
Trong thực tế, các môn đệ đã sống và thực hành điều đó. Phêrô và Gioan bị bắt và bị điệu ra trước Công nghị Do thái, các ngài chẳng những không buồn phiền, lo sợ, mà còn hân hoan, vui vẻ, vì nhờ đó có dịp để nói về Chúa Giêsu cho người khác. Phaolô bị bắt và bị xét xử, ngài cũng mạnh dạn nói về Chúa Giêsu cho các nhân vật cỡ lớn, như Tổng trấn Felix, Festo, và cả Hoàng đế Herode Agrippa nữa.
Nhưng cái gì đã tạo ra sự biến đổi nơi các môn đệ, cũng là bắt bớ, bách hại mà có người cho là thất bại, người khác lại cho là cơ may? Thánh Augustinô giải thích: cuộc sống con người là sự xung đột giữa hai tình yêu: yêu Chúa đến độ khinh mình, hoặc yêu mình đến coi rẻ Thiên Chúa. Nếu tội là yêu mình đến coi rẻ Thiên Chúa thì dĩ nhiên tôi sẽ bám vào những gì tôi cho là sung sướng ở trần gian, như tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, và khi bị bắt bớ, tôi bị mất tất cả, lúc đó, bắt bớ bị coi là thất bại. Nhưng nếu tôi yêu Chúa đến độ coi thường bản thân, thì có bị bắt bớ vì Chúa, cũng chẳng mất mát gì; người ta có thể lấy tiền bạc, danh vọng, địa vị của tôi, chứ không thể lấy mất Chúa của tôi được, và đó còn là dịp để tôi rao giảng về Chúa cho họ là khác. Do đó, chẳng sợ gì hết, chỉ sợ tội mà thôi; cái căn bản là tình yêu đối với Chúa, nó làm thay đổi cuộc đời.
Trong thực tế, muốn biết chúng ta có yêu Chúa hay không, cứ nhìn vào cuộc sống hàng ngày xem chúng ta có dám vì Chúa mà can đảm khước từ những đam mê bất chính, những tham vọng không hợp ý Chúa, những thú vui không đẹp lòng Chúa, cho dẫu có vì thế chúng ta phải nghèo túng, phải vất vả hay không? Nếu trong cuộc sống, chúng ta dám hy sinh tất cả vì Chúa, lúc đó chúng ta mới có thể coi trường hợp bị bắt bớ vì Chúa là cơ hội để làm chứng cho Chúa.
Thứ Tư Tuần thứ 34 Thường Niên C
Lời Chúa: 
 Lc 21,12-19
12"Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. 13Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. 14Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. 15Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. 16Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. 17Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. 18Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. 19Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,
Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.
Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,
lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.
Thế gian này vàng thau lẫn lộn.
Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.
Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,
giữ được vị mặn của muối,
và sức tác động của men,
để đem đến cho thế gian
một linh hồn, một sức sống.
Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,
chỉ sợ mình bỏ sống đạo
vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.
Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng
chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,
những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.
Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,
thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui
của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016


ĐỀN THỜ SỤP ĐỔ 



THÁNH CÉCILIA TRINH NỮ TỬ ĐẠO - LỄ NHỚ .
* Cuối thế kỷ V, câu chuyện về cuộc thương khó của các chứng nhân tử đạo Cêcilia, Valêrianô và Tibuốc đã ca ngợi đức đồng trinh của Kitô giáo, khiến cho tên tuổi của một thiếu nữ người Rôma tên là Cêcilia trở thành lừng lẫy. Chị đã chịu tử đạo và được mai táng ở nghĩa trang Calíttô. Một thánh đường đã được xây dựng để kính thánh nữ và một đoản văn trong câu chuyện trên đã khiến cho các nhạc sĩ chọn chị làm bổn mạng.



Không còn tảng đá nào trên tảng đá nào (Lc 21,6)
Ðối với người Do thái, Ðền thờ Giêrusalem là biểu tượng cho niềm vui và hãnh diện, và là nơi Thiên Chúa ngự, là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc, là nơi hằng năm muôn dân tuôn về đó để mừng lễ. Ðền thờ được xây bằng đá quí, sừng sững trên ngọn đồi này vẫn được xem là nơi nương tựa vững chắc có thể đương đầu với thời gian. Thế mà Chúa Giêsu lại tuyên bố sẽ có ngày nó bị tàn phá, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.
Về thời điểm các sự việc đó xảy ra, dưới ngòi bút của thánh Luca, câu trả lời của Chúa Giêsu không chỉ riêng cho Giêrusalem mà còn bao gồm cả chiều kích lịch sử cứu độ: cũng như Ðền thờ Giêrusalem, thế giới này dù có vững vàng đến đâu, thì một ngày nào đó cũng sẽ tàn lụi.
Trong khoảng thời gian trước ngày Chúa trở lại sẽ có nhiều tai ương khốn khó. Hình ảnh các biến cố thiên nhiên, như động đất, hạn hán, mất mùa, ôn dịch; những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ trên trời, hay hình ảnh chiến tranh, loạn lạc, là những yếu tố trong lối hành văn được các Tiên tri sử dụng để báo trước về ngày chung thẩm của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, các biến cố đó không phải chỉ là những hình ảnh, mà là sự thật; chúng cũng tác dụng như một nhắc nhở con người ý thức bản chất thụ tạo yếu đuối và mỏng dòn của mình, đồng thời soi sáng cho con người biết chiều kích về ơn gọi siêu việt của mình là sống như con cái Thiên Chúa và trung thành thực hiện ơn gọi đó, trong khi chờ đợi ngày Chúa lại đến.
Thứ Ba Tuần thứ 34 Thường Niên C - 
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo - Lễ nhớ
Lời Chúa: 
 Lc 21, 5-11

5Nhân có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giêsu bảo: 6"Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào." 7Họ hỏi Người: "Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?" 8Đức Giêsu đáp: "Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: "Chính ta đây", và: "Thời kỳ đã đến gần"; anh em chớ có theo họ. 9Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu". 10Rồi Người nói tiếp: "Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. 11Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.

Lạy Chúa, chúng con chúc tụng Chúa là chủ của vũ trụ và lịch sử, vì Chúa hiện diện trong chúng con và trong thế giới, trong những nỗi lo âu cũng như những nỗi vui mừng và hy vọng của chúng con. Xin thương giúp chúng con biết chăm chú, biết lắng nghe lời Chúa dạy và khám phá Chúa hiện vẫn đang ở với chúng con mỗi ngày mỗi lúc nơi người anh chị em đang cần được giúp đỡ, cần được yêu thương. Amen .

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

ÐỨC MẸ DÂNG MÌNH VÀO ĐỀN THỜ

Theo truyền thống Do Thái, người ta thường dâng con trẻ vào đền thờ để được thánh hiến và sau đó con trẻ sẽ ở trong đền thờ một thời gian giúp việc các vị chủ tế... Phúc Âm không đề cập đến thời thơ ấu của Ðức Trinh Nữ Maria. Nhưng theo Thánh Truyền thì Ðức Mẹ cũng đã thi hành tập tục nói trên. Tại đền thánh Giêrusalem, ngài đã thực hành biết bao hy sinh với một tâm hồn quảng đại.
Mười hai năm suy gẫm và cầu nguyện, chính là thời gian chuẩn bị cho chức vụ Mẹ Thiên Chúa. Theo thánh Hiêronimô, chương trình ngày sống của Ðức Mẹ trong đền thờ được phác họa như sau: Từ hừng đông đến 9 giờ sáng, Ngài cầu nguyện; từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều, Ngài làm việc chân tay và sau đó ngài lại cầu nguyện, sốt sắng suy gẫm Thánh Kinh và siêng năng đọc Thánh Vịnh.
Ngày lễ Mẹ dâng mình như bước đầu dẫn tới Ðức Khiết Tịnh Kitô giáo. Sau Ngài, biết bao trinh nữ đã tận hiến toàn thân cho Thiên Chúa. Vì thế Mẹ Maria thực là gương mẫu bất diệt, là Ðấng bảo trợ nhiệt thành và là Ðấng hướng dẫn chắc chắn trên đường nhân đức vậy.
Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt
Vietnamese Missionaries in Asia

CÓ PHÚC VÌ LÀM THEO LỜI CHÚA
Hôm nay 21 tháng 11, cùng với Giáo Hội chúng ta mừng nhớ Lễ Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Tương truyền, vào lúc 3 tuổi, Đức Maria đã có ý muốn dâng mình cho Thiên Chúa ngay trong đền thờ, để suốt đời chỉ yêu mến và phụng sự một mình Thiên Chúa mà thôi. Nhưng Thánh ý Thiên Chúa lại khác, Ngài muốn Đức Maria trở thành cung lòng và dưỡng nuôi Chúa Giêsu, Đấng cứu chuộc muôn dân. Đức Maria đã đón nhận với lời thưa xin vâng suốt cả cuộc đời để chu toàn thánh ý Thiên Chúa.
Lời Chúa hôm nay như muốn nói với chúng ta rằng: ai cũng có thể là người có phúc, ai cũng có thể trở nên huyết thống thiêng liêng của Chúa, miễn là họ biết lắng nghe và làm theo Lời Chúa. Đức Maria ko những cưu mang Chúa Giêsu nơi cung lòng theo huyết thống loài người, nhưng Mẹ còn lắng nghe và làm theo Lời Chúa để trở nên huyết thống thiêng liêng với Chúa. Cho nên, Mẹ được muôn thế hệ ca tụng Mẹ là người diễm phúc, người đầy ơn phúc, người luôn được Thiên Chúa ở cùng.
Chúng ta thật hạnh phúc vì được làm con của Chúa, được Chúa tạo dựng và đồng hành với chúng ta… và để ý một chút, trong lãnh vực nào đó chúng ta đã được nổi danh hơn những người khác về nhiều mặt (x. Bài đọc 1 – Is 61,9-11) là vì chúng ta thuộc dòng dõi của Chúa.


LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH
"Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy". Lc 11, 27-28
Lời Chúa: : Lc 11, 27-28
Khi ấy, Chúa Giêsu đang giảng cho dân chúng, thì từ giữa đám dân chúng, có một phụ nữ cất tiếng nói rằng: "Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!" Nhưng Người phán rằng: "Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn". Đó là lời Chúa.


Lạy Chúa, trong thế giới ồn ào hay thế giới ảo… xin Chúa ban ơn giúp sức, để chúng con ý thức mình được Thiên Chúa tạo dựng mà sống tâm tình tạ ơn, cũng như biết noi gương Mẹ mà luôn biết lắng nghe và làm theo Lời Chúa dạy với tâm tình xin vâng suốt đời, nhờ đó, chúng con trở nên người có phúc, người được Chúa chúc phúc.
Lm Joseph PS.

BỎ VÀO TẤT CẢ 



LỜI CHÚA : Lc 21, 1-4
Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết (Lc 21, 3)
Những vẻ bề ngoài thường làm ta lầm. Những người quảng đại nhất không hẳn là những người bỏ nhiều tiền nhất vào thùng dâng cúng. Lòng quảng đại thật cũng không đo của mà người ta cho. Muốn đánh giá đúng lòng quảng đại, phải xem họ cho cái họ thiếu thốn. Người ta cho nhiều tiền không phải là rất quảng đại. Người ta có thể cho ít mà vẫn quảng đại.
Sự thật đó hoàn toàn đơn giản. Đức Giêsu không phải nhắc nhở điều đó một cách vô ích đâu, vì chúng ta dễ lầm tưởng đánh giá theo bề ngoài. Đức Giêsu đánh giá tận đáy lòng người ta, nên Người nói: “Bà góa nghèo này bỏ vào nhiều hơn ai hết”. Người ta ngày nay có thể nói như thế về nhiều người nghèo, mặc dầu bề ngoài nghèo, nhưng lại tỏ ra quảng đại hơn nhiều người giàu.
Dư thừa của cải:
Có phải vô tình Tin mừng cho thấy bà góa này có lòng quảng đại hơn các ông bà giàu kia không? Có lẽ không.
Quả thật, người ta có thể thấy nhiều người giàu có lòng quảng đại thật, và cũng có nhiều người nghèo hà tiện ghê gớm. Nhưng thật ra có lẽ có nhiều người nghèo quảng đại hơn nhiều người giàu. Đó là điều Đức Giêsu muốn nói. Họ cho nhiều khi họ túng thiếu hơn là lúc họ dư thừa. Lòng quảng đại đáng giá thật khi cho lúc lâm cảnh túng quẫn.
Chúng ta biết rất nhiều người nghèo dâng cúng lúc họ đang túng thiếu. Còn nhiều người giàu dâng cúng được nhiều hơn không, nếu xét theo lòng quảng đại? Có bao nhiêu người giàu dâng cúng nhiều hơn cái dư thừa của họ?
Có lẽ phải nói rằng giàu sang quá làm ngăn trở để nên quảng đại thật.
Thứ Hai Tuần thứ 34 Thường Niên C - Đức Mẹ Dâng Mình Trong Đền Thờ - Lễ nhớ

Lời Chúa: 
 Lc 21, 1-4

1Ngước mắt lên nhìn, Đức Giêsu thấy những người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền.2 Người cũng thấy một bà goá túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. 3Người liền nói: "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. 4Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình."


Lạy Chúa, xin ban cho chúng con trái tim của Chúa để chúng con luôn biết đem lại niềm vui cho mọi người. Xin ban cho con tình yêu của Chúa, để chúng con sẵn lòng giúp đỡ những ai cậy nhờ chúng con. Xin cho chúng con luôn biết sống vì tha nhân như Chúa đã sống vì yêu thương chúng con. Amen