Thứ Ba, 31 tháng 7, 2018



KHO TÀNG - NGỌC QUÝ


http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180731110000



Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng (Mt 13,46)

Bài thơ "Viên Ngọc Quý Giá Nhất" của thi hào Tagore có nội dung như sau:

Sanathan cầu nguyện đang lúc đi bách bộ dọc theo bờ sông, bỗng có một thanh niên tiến đến và thành khẩn van xin ngài bố thí. Nhà hiền triết đáp: "Ta không có gì cả. Ta đã cho đi tất cả rồi, Ta chỉ còn cái bị ăn mày này thôi".

Người thanh niên tiếp tục nài nỉ: - Thiên Chúa đã cho tôi đến gặp ngài, vì chỉ có ngài mới có thể giúp tôi và làm cho tôi nên giàu có.

Nhà hiền triết mới sực nhớ ngày nọ ông đã cất giấu bên cạnh bờ biển một viên ngọc quý mà ông đã tình cờ tìm được. Ông nghĩ rằng biết đâu viên ngọc này một ngày nào đó sẽ giúp ích cho một ai đó. Ông liền chỉ cho người thanh niên nơi cất giấu viên ngọc.

Người thanh niên ra đi đào bới và đã tìm được viên ngọc quý. Cầm viên ngọc sáng ngời trong tay, người thanh niên ngồi trên bãi biển và suy nghĩ suốt đêm. Khi bình minh vừa ló dạng, anh tìm đến với nhà hiền triết và khẩn khoản nài xin:

- Thưa ngài, xin hãy cho tôi viên ngọc quý hơn mọi viên ngọc quý. Xin hãy cho tôi thứ của cải vượt trên mọi thứ của cải.

Nói xong, anh ném viên ngọc xuống dòng sông và đứng dậy đi theo nhà hiền triết.

Bài thơ trên đây có thể minh họa cho chúng ta cái nghịch lý chạy xuyên suốt toàn bộ Tin Mừng: mất mát là được lợi lộc, cho là được nhận lãnh, chết là được sống. Ðó là cái nghịch lý mà Chúa Giêsu đã quảng bá và sống cho đến tận cùng: cái chết trên Thập giá và sự Phục sinh vinh hiển của Ngài là một thể hiện của cái nghịch lý ấy.

Trong Tin Mừng hôm nay, với hai dụ ngôn có nội dung gần như nhau, một lần nữa, Chúa Giêsu muốn đề ra cái nghịch lý ấy: vì Nước Trời, con người phải bán đi tất cả, phải chấp nhận mất tất cả. Thế nhưng Nước Trời là gì? Chúa Giêsu xem ra đã không mất giờ và dài dòng trong những lý thuyết khô khan. Với các môn đệ, Ngài nói như một mệnh lệnh: "Hãy theo Ta" và họ đã bỏ mọi sự để đi theo Ngài. Với người thanh niên giàu có, Ngài mời gọi: "Hãy về bán tất cả tài sản, phân phát cho người nghèo, và trở lại đi theo Ta".

Hãy đi theo Ngài, vì Ngài là tất cả. Hãy đánh đổi mọi sự để được sống với Ngài. Chúa Giêsu chính là hiện thân của Nước Trời: nơi Ngài, con người tìm được kho tàng quý giá nhất; nơi Ngài, con người được sống và sống sung mãn. Chính Chúa Giêsu đã nói: "Ta đến để cho chúng được sống và sống dồi dào". Các môn đệ được kêu gọi trước tiên để sống với Ngài. Ðược sống với Ngài, đi theo Ngài, lấy Ngài làm lẽ sống, đó là nội dung đích thực của tư cách làm môn đệ.
Kitô giáo do đó thiết yếu chính là Chúa Giêsu Kitô. Làm Kitô hữu có nghĩa là chọn Chúa làm gia nghiệp và sẵn sàng đánh đổi tất cả để sống cho Ngài và vì Ngài. Làm Kitô hữu có nghĩa là đặt Ngài vào trọng tâm cuộc sống, để dù khi ăn, dù khi uống, dù làm bất cứ việc gì, luôn luôn tôn vinh Ngài. Làm Kitô hữu là sống cho Ngài và sống bằng chính sức sống của Ngài, để có thể thốt lên như thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi". Một cuộc sống như thế chắc chắn đòi hỏi nhiều hy sinh, phấn đấu, mất mát.

Dù sống trong hoàn cảnh nào, bất cứ người môn đệ nào của Chúa Kitô cũng đều cảm nghiệm được lời tiên báo của Ngài: "Vì Danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghét bỏ". Không bị bách hại công khai, thì cũng bị chống đối hay loại trừ, đó là số phận của người Kitô hữu.


Thứ tư Tuần 17 Thường Niên

Thánh Anphong Maria Ligôri - Giám mục Tiến sĩ Hội

 Thánh - Lễ nhớ

* Thánh nhân sinh năm 1696 tại Napôli. Người từ bỏ nghề luật sư để làm linh mục, rồi sau lại nhận trách nhiệm giám mục để loan báo tình yêu của Chúa Kitô. Người đi giảng không mỏi mệt, siêng năng giải tội và rất nhân từ với các hối nhân. Người đã lập Dòng Chúa Cứu Thế nhằm mục đích loan báo Tin Mừng cho dân các miền quê (1732). Người đã giảng dạy luân lý và viết nhiều tác phẩm về đời sống thiêng liêng. Người qua đời năm 1787.


Lời Chúa: 
 Mt 13,44-46
44 "Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.
45 "Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp.46 Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.

Lạy Chúa Giêsu, có Chúa là có tất cả, không có Chúa kể như không có gì. Xin cho chúng con hiểu được điều đó, quyết tâm và đánh đổi bằng mọi giá để có Chúa làm gia nghiệp của cuộc đời chúng con. Amen.











Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018



BÀI HỌC KIÊN NHẪN


http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180730110000



Như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. (Mt 13,40)

Ngày 13/5/1917 Ðức Mẹ hiện ra với ba trẻ mục đồng tại Fatima và cho biết Nước Nga sẽ trở lại. Cũng chính năm đó, Lénine đã thực hiện cuộc cách mạng tháng mười để xóa bỏ mọi bất công của chế độ quân chủ và xây dựng thiên đàng tại thế. 80 năm trước đây, lắng nghe và tin vào những lời tiên báo của ba trẻ Fatima thật là phi lý. Nhưng thời giờ của Thiên Chúa không phải là thời giờ của con người. Lucia, một trong ba trẻ đã được diễm phúc chứng kiến sự ứng nghiệm của lời tiên báo; các bức tường đã sụp đổ, bạo động và máu nhường chỗ cho sự tha thứ, lòng nhân từ, tinh thần hòa giải.

Kiên nhẫn là một trong những bộ mặt của niềm hy vọng Kitô giáo. Con người làm lịch sử, nhưng chính Thiên Chúa mới là Ðấng hướng dẫn mọi nẻo đường về với Ngài. Ðó là bài học mà có lẽ Giáo Hội muốn nhắn gửi chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay.
Dụ ngôn về cỏ lùng thoạt tiên gợi lên cho chúng ta một trong những thảm kịch lớn của nhân loại. Ở thời đại nào cũng có những người muốn thanh tẩy xã hội bằng các cuộc sàng lọc không tiếc xót: từ Tần Thủy Hoàng đến Hitler, Pônpốt qua các cuộc chiến hiện nay. Khi người ta muốn loại bỏ cỏ lùng, thì người ta cũng nhổ đi cả cây lúa tốt tươi.

Qua dụ ngôn cỏ lùng, có lẽ Chúa Giêsu còn muốn nói đến một thảm kịch khác sâu sắc hơn, đó là thảm kịch của lòng người. Trong đáy thẳm tâm hồn, ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được sự giằng co xâu xé giữa một bên là khả năng hướng thiện và một bên là sức mạnh của tối tăm. Cỏ lùng vẫn cố gắng vươn lên trong cánh đồng tâm hồn chúng ta. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy một cách chính xác khi Ngài nói: "Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, còn sự ác không muốn thì tôi lại làm". Sức mạnh của tội ác, của ma quỷ, của sự dữ trong tâm hồn mỗi người chúng ta là một thực tại không thể chối cãi được. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã chẳng dạy chúng ta cầu nguyện: Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ đó sao?

Cảm nghiệm sâu sắc về nỗi yếu hèn và khốn khổ của mình, con người mới cảm thấy cần cảm thông, kiên nhẫn và tha thứ cho người khác hơn. Ðó là bài học thực tiễn mà có lẽ mỗi người chúng ta cần đào sâu, đồng thời cầu xin để mỗi ngày chúng ta phát hiện ra những tia sáng tình thương của Chúa và chia sẻ tình yêu với những người xung quanh.


Thứ ba Tuần 17 Thường Niên 

- Thánh I-nha-xi-ô Lôi-ô-la (Loyola), Linh mục, lễ nhớ.

Lời Chúa: 
 Mt 13,36-43.

36 Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe."37 Người đáp: "Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người.38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần.39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần.
40 Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy.41 Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người,42 rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.43 Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.

Lạy Chúa,
Xin dạy chúng con biết chấp nhận những giới hạn của chính mình, cũng như của anh chị em chung quanh như chính Chúa đã chấp nhận chúng con.

Xin dạy cho chúng con biết dấn thân làm việc cho Chúa, nhưng đồng thời cũng xin cho chúng con biết kiên nhẫn chịu đựng chờ đợi, tới ngày hạt giống Lời Chúa trổ sinh hoa trái tốt lành nơi chính chúng con, và trong xã hội chung quanh chúng con Amen..




Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018



HẠT CẢI VÀ NẮM MEN


http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180729110000



“Nước trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ gieo trong ruộng mình...  giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột”. (Mt13,31-33).

Dụ ngôn hạt cải và nắm men trong Tin Mừng hôm nay đều nhấn mạnh đến sự bất tương xứng của thời kỳ đầu của Nước Trời và của thời kỳ kết thúc. Dụ ngôn hạt cải nói đến sự tăng trưởng của Nước Trời theo chiều rộng, còn dụ ngôn nắm men trong bột ám chỉ chiều sâu, tức là sự biến đổi bên trong. Cũng như cây cải nhỏ bé thường thấy ở miền giáp hồ Tibêria có thể cao tới ba thước, Nước Trời cũng bắt đầu hiện diện từ thời kỳ truyền giáo của Chúa Giêsu và của Giáo Hội tiên khởi trong sự khó nghèo và thiếu thốn. Và đó là giáo huấn nền tảng của dụ ngôn hạt cải và nắm men.

Dựa vào những hình ảnh này, Chúa Giêsu cho thấy kiểu cách truyền giáo của Ngài không phù hợp với những chờ đợi của người Do thái, nghĩa là Nước Trời đến trong thầm lặng, như Chúa Giêsu đã nói: "Nước Thiên Chúa ở giữa các ngươi". Bởi vì thánh sử viết Phúc Âm sau thời kỳ truyền giáo của Chúa Giêsu trên đất Palestin, chúng ta có thể thấy ngay sự bành trướng đầu của Nước Trời và của Tin Mừng nơi các cộng đoàn Kitô tiên khởi. Thánh sử nói rõ: trên cành cây cải, chim trời có thể đến trú ngụ, điều này ám chỉ các dân ngoại được kết nạp vào Giáo Hội do Chúa Giêsu sáng lập.

Dụ ngôn men trong bột, một nắm men có thể làm dậy cả khối bột. Ý nghĩa và bài học của dụ ngôn này đi song song với dụ ngôn hạt cải. Men Nước Trời tức ơn thánh, dù ngấm ngầm, nhưng hiệu nghiệm nơi tâm hồn con người và trong sứ điệp của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã nói rõ về sức mạnh của men Nước Trời. Ngài không đến theo kiểu cách lôi kéo sự chú ý của con người. "Nước Thiên Chúa ở giữa các ngươi". Trong cử hành Thánh Lễ, Lời Chúa và Mình Chúa như men có sức làm lớn lên và biến đổi tâm hồn con người. Ai biết lãnh nhận với tâm hồn ngay thẳng, người đó sẽ được biến đổi nên giống Chúa Giêsu.



Thứ hai Tuần 17 Thường Niên

 – Thánh Phêrô Kim Ngôn, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.


* Chào đời khoảng năm 380 ở miền I-mô-la, Ê-mi-li-a, cũng tại đó, người đã làm linh mục, rồi khoảng năm 424-431 được chọn làm giám mục Ra-ven-na. Trong tư cách mục tử, người nuôi dưỡng đoàn chiên đặc biệt bằng những bài giảng uyên thâm. Chắc hẳn vì thế mà người được mệnh danh là Kim Ngôn. Khi giảng, người luôn tâm niệm rằng: “Phải giảng cho dân chúng bằng ngôn ngữ của dân chúng”. Người qua đời khoảng năm 450.



Lời Chúa: Mt 13,31-35.

 31 Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: "Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình.32 Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được."
33 Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: "Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men."
34 Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn,35 hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.


Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết mau mắn đón nhận Thánh ý Chúa và sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng, nhờ đó, chính chúng con được biến đổi và những ai gặp chúng con cũng được biến đổi theo. Amen.



Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2018



NĂM CHIẾC BÁNH LÚA MẠCH VÀ HAI CON CÁ


http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180728110000


"Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích".

Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe tôi ghi nhận hai thái độ để chúng ta suy nghĩ, đó là thái độ của các tông đồ và thái độ của dân chúng.

Thực vậy, Chúa Giêsu thương xót dân chúng vì đã ba ngày trời họ đi theo Ngài mà không có lấy một hột cơm bỏ vào bụng. Ngài biết mình sẽ giải quyết như thế nào. Có ông đề nghị: Thôi hãy giải tán mỗi người mỗi đường để họ tự lo lấy. Có ông đưa ra một giải pháp không thể thực hiện được: dẫu có đến 200 đồng bạc cũng không mua đủ thức ăn. Có ông đưa ra giải pháp tưởng như vô lý: ở đây chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá làm sao nuôi đủ đám đông. Các tông đồ của Chúa Giêsu đã thực thi bác ái như thế đấy. Phải chăng vì các ông không có tình yêu nên không làm phép lạ được.

Còn chúng ta, những tông đồ của Chúa trong ngày hôm nay, chúng ta sẽ nghĩ gì? Chắc chắn chúng ta không có hũ gạo như tiên tri Elia, phân phát hoài mà không hết. Chúng ta cũng chẳng có túi tiền không bao giờ cạn. Nhưng có lẽ vì không có tình yêu nên không làm được phép lạ nào cả. Một lời nói, một cử chỉ cũng có thể hoá nên phép lạ để người khác được ấm bụng, được an lòng.

Còn đối với đám đông dân chúng theo Chúa Giêsu, họ đang đói bụng, đang dao động, đang băn khoăn, đang lo âu, thế mà Chúa Giêsu lại bảo họ: Các con hãy ngồi xuống. Như thế, Ngài đòi hỏi dân chúng một điều khó khăn nhất, đắt giá nhất, đó là điều họ không muốn làm là phải ngồi xuống. Vì bao lâu họ còn đứng, còn đi lại được, họ còn có cơ may hy vọng kiếm chút gì để ăn. Một vài người, bằng hành vi phó thác đã bắt chước làm theo. Họ ngồi xuống tức là họ đã từ bỏ mình, từ bỏ ý riêng để cùng nhau làm một hành vi đức tin và đức mến. Chính vì họ mà Chúa Giêsu đã làm phép lạ tình yêu, cho bánh hoá ra nhiều để nuôi sống họ giữa chốn hoang vu.

Có tình yêu mới phát sinh ra phép lạ. Bánh được chuyền tay nhau. Phép lạ đã xảy ra và mọi người được ăn no nê.


Chúa nhật 17 Thường Niên B

Lời Chúa: 
 Ga. 6, 1-15

1 Sau đó, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a.2 Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm.3 Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ.4 Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.
5 Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?"6 Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.7 Ông Phi-líp-phê đáp: "Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút."8 Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người:9 "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!"
10 Đức Giê-su nói: "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn.11 Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý.12 Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi."13 Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.14 Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian! "15Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cho chúng con biết quảng đại bằng cách cộng tác với nhau, và nhất là cộng tác với ơn Chúa, để làm cho cuộc đời này lan tràn tình thương của Chúa và phép lạ được tiếp tục thể hiện. Amen

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2018



LÚA VÀ CỎ LÙNG


http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180727110000


"Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt".


Chứng kiến những tiêu cực trong Giáo Hội xét như là một cơ cấu, nhiều người trong chúng ta dễ rơi vào cơn cám dỗ nổi loạn và tìm những giải pháp cực đoan. Chúng ta muốn rời bỏ Giáo Hội, vì chúng ta không muốn thấy những tệ đoan trong Giáo Hội. Như dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay gợi lên, chúng ta không muốn để cho cỏ lùng được mọc lên bên cạnh lúa tốt, chúng ta muốn phân cách rạch ròi người lành với kẻ dữ.

Truyện thánh Jean d'Arc vào thế kỷ 15 có thể đem lại cho chúng ta bài học thích đáng. Cảm nhận được tiếng gọi đặc biệt của Chúa, cô gái quê 13 tuổi đã đứng lên lãnh đạo quân đội Pháp chống lại cuộc xâm lăng của nước Anh. Nhưng cô bị người Anh bắt giữ và đem ra xử tử như một người lạc giáo. Các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó cấu kết với thế quyền để tiêu diệt cô; họ tìm đủ cách để đe dọa và thị oai cô gái; họ buộc cô phải đặt tay trên Phúc Âm và thề rằng cô chỉ nói sự thật mà thôi. Một viên thẩm phán của tòa án tôn giáo lúc bấy giờ đặt câu hỏi: "Cô có nghĩ rằng cô đang ở trong tình trạng sạch tội không?". Cô gái trả lời: "Nếu tôi không ở trong tình trạng ân sủng, thì xin Chúa cho tôi được sạch tội; còn nếu tôi đang ở trong tình trạng ân sủng, thì xin Chúa giữ tôi luôn ở trong tình trạng ấy".

Không bắt bẻ được cô gái, các viên chức của tòa án tôn giáo gồm 1 Hồng y, 6 Giám mục, trên 30 nhà thần học, 7 bác sĩ, hàng trăm nguyên cáo cảm thấy tức tối vô cùng. Họ bảo rằng họ là Giáo Hội, còn cô chỉ là một thứ cỏ lùng. Jean d'Arc trả lời: "Ðối với tôi, ở đâu có Chúa Kitô, thì ở đó có Giáo Hội, không thể có mâu thuẫn giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài".

Tuy không chứng minh được sự lạc giáo của cô gái, tòa án tôn giáo lúc bấy giờ vẫn kết án tử hình cô và ra lệnh thiêu sống cô. Hai mươi lăm năm sau, một tòa án của Giáo Hội đã đảo lộn phán quyết của tòa án tôn giáo nói trên, và năm 1920, Jean d'Arc đã được Giáo Hội tôn phong hiển thánh và được đặt làm quan thày của Nước Pháp. Thánh nữ Jean d'Arc đã hiểu được thế nào là cỏ lùng trong cánh đồng Giáo Hội.

Giáo Hội vốn không phải là một xã hội hoàn hảo. Giáo Hội tự bản chất là thánh thiện, nhưng lại gồm những con người tội lỗi, đó là ý nghĩa của dụ ngôn mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe và suy niệm hôm nay. Chúng ta có một Giáo Hội gồm nhiều vị thánh, nhưng cũng có vô số tội nhân. Những tội nhân vẫn có thể trở thành các thánh trong giây phút, còn các vị thánh thì trở nên thánh thiện hơn; các tội nhân cần sự tha thứ của chúng ta; còn các thánh thì khơi dậy sự cảm phục và quyết tâm cải hóa của chúng ta. Người Pháp thường nói: "Ðể hiểu mọi sự, thì cần phải tha thứ mọi sự". Chúng ta luôn được mời gọi để nhìn Giáo Hội như một đoàn người đang lữ hành, trong đoàn người này, có người đang cố gắng tiến đến gần Chúa, có kẻ lại xa rời Ngài.


Thứ bảy Tuần 16 Thường Niên

Lời Chúa: 
 Mt 13,24-30

24 Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: "Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình.25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất.26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện.27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: "Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?"
28 Ông đáp: "Kẻ thù đã làm đó!" Đầy tớ nói: "Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?" 29 Ông đáp: "Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi."

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết yêu thương, nâng đỡ nhau trong cuộc sống, để mọi người được hưởng ơn cứu chuộc của Chúa. Amen.

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018



HẠT ĐƯỢC MỘT TRĂM, HẠT ĐƯỢC BA MƯƠI...


http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180726110000



"Kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả".

Sự gieo trồng nào cũng mang niềm hy vọng. Chúa Giêsu đã đọc được tinh thần lạc quan ấy của nhà nông, cho nên Ngài đã mượn hình ảnh gieo trồng để nói lên mầu nhiệm Nước Trời. Nhưng xem chừng những hình ảnh gieo trồng mà Chúa Giêsu dùng trong Tin Mừng hôm nay không giống với kỹ thuật canh tác hiện nay. Thật thế, vào thời Chúa Giêsu, đất Palestin vốn khô cằn, người nông dân thời Chúa Giêsu không cày bừa dọn đất trước khi gieo trồng, nhưng gieo vãi trước, rồi sau đó mới cày đất xới bón. Thành ra, có hạt rơi xuống đất tốt, có hạt rơi trên vệ đường, có hạt rơi vào bụi gai. Dù kỹ thuật có khác, dù tiến trình canh tác có khác, người nông dân ở bất cứ thời đại nào cũng giống nhau ở chỗ họ có tinh thần lạc quan. Ðất đai có tươi tốt hay khô cằn, thiên nhiên có ngược đãi hay thuận lợi, mùa gặt tươi tốt vẫn luôn là niềm hy vọng của kẻ gieo trồng.

Chúa Giêsu dường như muốn gieo chính niềm lạc quan ấy vào tâm hồn các môn đệ khi đưa ra dụ ngôn người gieo giống: có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá sỏi, có hạt rơi vào bụi gai, nhưng kết quả của mùa gặt vẫn gấp trăm, gấp ngàn. Qua muôn thế hệ, hạt giống Nước Trời vẫn được gieo vãi: có hạt rơi vào vệ đường, sỏi đá, bụi gai của những chống đối và bách hại, hạt giống ấy vẫn nẩy mầm tươi tốt sinh nhiều bông hạt. Người môn đệ Chúa Giêsu luôn tiếp tục gieo vãi hạt giống Lời Chúa, họ luôn được mời gọi đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa và kiên trì, dù thành công hay thất bại. Trong thư 1Cor. thánh Phaolô đã diễn tả đúng tinh thần lạc quan và kiên trì của người gieo giống: "Tôi trồng, Apollô tưới, nhưng Thiên Chúa cho mọc lên".

Vệ đường, sỏi đá, bụi gai vẫn tiếp tục cản trở công việc gieo trồng, nhưng người nông dân của Nước Trời không vì thế mà bỏ cuộc. Có những gieo vãi qui mô ồ ạt, nhưng cũng có những gieo vãi âm thầm: âm thầm trong thinh lặng hằng ngày, âm thầm trong những khước từ, âm thầm trong những bách hại dưới mọi hình thức, nhưng đó vẫn là sự âm thầm cơ bản nhất trong bất cứ sự gieo vãi nào, hay nói theo Ðức Phaolô VI trong Tông huấn Loan Báo Tin Mừng: đó là một sự công bố thinh lặng Tin Mừng, nhưng rất hiệu nghiệm.


Thứ Sáu tuần 16 thường niên - Năm B

Lời Chúa: Mt 13, 18-23


Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Vậy các con hãy nghe dụ ngôn về người gieo giống: Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường.
Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó: đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã.
Hạt rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến lời giảng bị chết ngạt mà không sinh hoa kết quả được.
Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả, đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi".

Lạy Chúa, Ngày hôm nay Chúa vẫn còn nói với mỗi người chúng con, ngày hôm nay Chúa đến với chúng con qua chính Lời Chúa, qua lời rao giảng của Giáo Hội và qua những tiếng kêu cầu trợ giúp của anh chị em. 
Xin cho chúng con đừng nhắm mắt làm ngơ, đừng bịt tai giả điếc, đừng đóng kín con tim, nhưng khiêm tốn lắng nghe và quảng đại đáp trả. Amen








Thứ Tư, 25 tháng 7, 2018



ĐỀN THỜ TÂM HỒN 


http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180725110000



"Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy".

Cây thấy xanh tươi chưa chắc là đã tốt, nhưng phải là cây cho sinh nhiều hoa trái xinh tươi. Mẹ Maria là hoa trái quí hóa, tuyệt vời của ông bà thánh Gio-a-kim và Anna…

Dù rằng Tin Mừng không ghi lại điều gì về cha mẹ của Đức Trinh Nữ Maria, nhưng thánh truyền đã đề cập đến vai trò của hai ông bà Gio-a-kim và Anna. Ta đi ngược dòng lịch sử cứu độ để hiểu hơn vai trò của thánh Gio-a-kim và thánh Anna. Thánh Gio-a-kim và thánh Anna có thể là cầu nối giữa Cựu Ước và Tân ước, giữa Israen cũ và Israen mới. Hai vị thánh này đã được Thiên Chúa tuyển chọn, chúc phúc và ban nhiều ân huệ quí giá, qua đó, các Ngài sinh ra Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Đức Giêsu…

Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay đề cập đến người gieo giống. Gieo giống là dấu hiệu của hy vọng. Nước Trời như mầm non đang chồi lên từ mặt đất khắp đó đây mà hạt giống ở dưới đất ta đâu có thấy được chúng, ta đâu có nghe được tiếng khi chúng đang tí tách vươn mình lên khỏi đất. Đức Hồng y Etchaygaray đã nói một câu rất chí lý:” Người ta dễ nghe tiếng cây đổ, nhưng có hàng triệu triệu hạt mầm đang tí tách vươn mình khỏi đất, nào ta có nghe được tiếng kêu. Thánh Gio-akim và thánh Anna là những cây tươi tốt, đã từng là những hạt giống tốt xinh, đã hiện diện ở cuộc đời này và sinh ra hoa trái rất tốt tươi là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Con Thiên Chúa. Quả thực, chính hạt giống là hai thánh Gio-a-kim và Anna đã chịu thối đi trong lòng đất, nên đã sinh ra hoa trái xinh tươi là Đức Giêsu Kitô.

Thánh Gio-a-kim tượng trưng cho người gia trưởng mẫu mực đạo đức, thánh thiện và luôn sẵn sàng bảo vệ, nâng đỡ bà thánh Anna, còn bà thánh Anna được tôn sùng như mẫu gương của các bà mẹ, đồng thời Hội Thánh tặng cho bà danh hiệu Mẹ của Đức Trinh Nữ Maria. Sách ngụy thư của thánh Giacôbê có ghi: “ Hai ông bà đã già mà không có con, đây là một thử thách lớn lao của hai ông bà, nhưng cuối cùng thiên thần Chúa đã hiện ra loan báo cho hai ông bà một tin vui mừng: bà sẽ thụ thai và sinh ra Đức Trinh Nữ Maria và hai ông bà đã dâng Đức Mẹ trong đền thờ cho Thiên Chúa “.

Hội Thánh đã chọn ngày 26/7 hằng năm kính nhớ hai thánh Gio-a-kim và Anna. Lòng sùng hai vị thánh này đã có từ cổ xưa và ngày nay đã lan tràn khắp thế giới.



Thứ năm Tuần 16 Thường Niên


Thánh Gioan Kim và Thánh Anna, song thân Đức Trinh nữ Maria, lễ nhớ)


Lời Chúa: 
 Mt 13,10-17

10 Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: "Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ? "11 Người đáp: "Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không.12 Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất.13 Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu.
14 Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy;15 vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.
16 "Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe.17 Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.

« Lạy thánh Gioakim và thánh Anna, đôi bạn hạnh phúc, tất cả mọi tạo vật đều mang ơn các Ngài, vì nhờ các Ngài mà tạo vật đã dâng lên cho Đấng Hóa Công một lễ vật cao trọng, đó chính là Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa “ (lời cầu của thánh Đamascênô).

Xin cho mỗi người chúng con luôn noi gương bắt chứoc hai thánh Gioakim và thánh Anna luôn hết lòng tôn vinh tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa. Amen.