Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017


CÕI VINH PHÚC ĐỜI ĐỜI


http://dcvxuanloc.net/lich/thu-hai-sau-chua-nhat-3-phuc-sinh-ngay-01052017.html

“Các ông hãy ra công làm việc, không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh, (Ga 6, 27).

Bài Tin Mừng của Thánh Gioan hôm nay tiếp nối phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều nuôi hơn 5000 người. Sau khi được ăn no nê, dân chúng hào hứng muốn tôn Chúa lên làm vua (x. Ga 6,13). Thế nhưng dân chúng phấn khởi bao nhiêu thì Chúa Giêsu lại thất vọng bấy nhiêu vì tâm trí họ thấp hèn chỉ biết mơ ước đến những của ăn vật chất. Đức Giêsu muốn nâng tâm hồn mọi người hướng tới một thứ lương thực vô giá là Bánh Trường Sinh, tức chính thân thể Ngài được ban cho con người qua bí tích Thánh Thể.

“Theo đạo có gạo mà ăn” một cách nào đó đã trở thành mục tiêu sống của nhiều người Kitô hữu. Biết bao tín hữu đã cố gắng giữ đạo mà chỉ mong được Chúa ban những ơn phần xác: sức khỏe, lương thực, bằng an, công ăn việc làm ổn định… và chỉ có thế thôi! Chắc hẳn Chúa cũng “ngán ngẩm” khi chúng ta chỉ quan tâm tới như cầu tầm thường của phần xác.

Con người mang trong mình phẩm giá là hình ảnh của Thiên Chúa, có cả phần hồn cao cả và vận mệnh vĩnh cửu. Ngoài những nhu cầu phần xác hôm nay, con người còn có những nhu cầu thiêng liêng nhắm tới hạnh phúc vĩnh hằng mai sau. Sự sống phần xác là điều đáng quí nhưng sự sống đời đời còn đáng quí hơn gặp bội đến nỗi có thể nói mất sự sống đời đời là mất tất cả.

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nói rõ cho dân Do Thái: “Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời” (Ga 6, 27). Tinh thần lao động Công Giáo không nhắm đến những giá trị vật chất chóng qua mà là đến những giá trị trường tồn. Qua lao động con người tham gia cộng tác vào chính công trình sáng tạo của Thiên Chúa và hoàn thiện chính mình. Lao động phải hướng đến hoàn thiện con người, đưa con người đến với những giá trị chân thật về chính họ, những thụ tạo mang hình ảnh của Thiên Chúa.



THỨ HAI SAU CHÚA NHẬT III MÙA PHỤC SINH - NĂM A

LỜI CHÚA: Ga 6,22-29

22 Hôm ấy, các môn đệ thấy Đức Giê-su đi trên mặt Biển Hồ. Hôm sau, đám đông dân chúng còn đứng ở bờ bên kia Biển Hồ, thấy rằng ở đó chỉ có một chiếc thuyền và Đức Giê-su lại không cùng xuống thuyền đó với các môn đệ, nhưng chỉ có các ông đi mà thôi. 23 Tuy nhiên, có những thuyền khác từ Ti-bê-ri-a đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn. 24 Vậy khi dân chúng thấy Đức Giê-su cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người. 25 Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói : "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy ?" 26 Đức Giê-su đáp : "Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. 27 Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận."  28 Họ liền hỏi Người : "Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn ?" 29 Đức Giê-su trả lời : "Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến."


Lạy Chúa! Hôm nay mừng lễ Thánh Giuse thợ, xin cho chúng con luôn là những con người lao động, để tiếp tục công trình của Chúa, Nguyện xin Thiên Chúa xin nhậm lời Thánh Giuse chuyển cầu, ban cho chúng con biết chu toàn nhiệm vụ Người trao phó mà vượt thắng mọi đam mê tội lỗi, biết dùng thời giờ đến với Chúa hàng ngày qua bí tích thánh thể, học hỏi lời Chúa, sống và thực thi lời Chúa, nhờ đó chúng con tìm được phúc trường sinh vĩnh cửu đời sau. Amen.

Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017


CHÚNG TÔI ĐÃ THẤY NGƯỜI 



Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. (Lc 24, 35)

Sau khi Chúa Giê-su chịu khổ nạn và chịu chết tủi nhục đau thương, các môn đệ của Ngài bị lâm vào tình trạng khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng. Đức Giê-su là Đấng mà họ tôn làm thần tượng, là "một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân" (Lc 24,19), Đấng mà họ "hy vọng rằng chính Ngài là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en" (Lc 24,21)… giờ đây đã trở thành người thiên cổ.
Chán nản và thất vọng, hai môn đệ Chúa Giê-su lầm lũi lê gót về Em-mau, lòng nặng trĩu ưu phiền.
Niềm vui thứ nhất
Đang khi hai môn đệ đi đường trong tâm trạng rầu rĩ âu sầu như vậy thì lại có một người bộ hành khác tiến đến bắt chuyện với họ. Người nầy rất am tường Kinh thánh, đã cặn kẽ giải thích cho họ biết rằng vị Tôn sư của họ phải chịu khổ hình như vậy rồi mới tiến vào vinh quang. Trong suốt cả quảng đường dài mười một cây số, được người bạn đường giảng giải Kinh thánh cho, đôi bạn quên cả mệt nhọc đường xa, tâm hồn trở nên hỉ hoan phấn chấn, nỗi buồn vơi hẳn, niềm vui dâng trào. Những lời Kinh thánh phát ra từ môi miệng người bạn đồng hành đã làm cho “tâm hồn họ bừng cháy lên.” (Lc 24, 32)
Niềm vui thứ hai
Thế là hai môn đệ Em-mau không muốn rời xa người bạn đồng hành tinh thông Kinh thánh, đã nhen lên trong lòng họ niềm tin và hy vọng nên đã khẩn khoản mời người ấy vào quán trọ ăn tối và nghỉ đêm với mình: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn."
Khi ngồi vào bàn ăn, đôi bạn trố mắt kinh ngạc nhìn người kia “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.” (Lc 24,30)
Bấy giờ như người mơ bừng tỉnh, đôi bạn nhận ra đây chính thật là Thầy Giê-su! Nhưng chưa kịp reo mừng thì Chúa vụt biến mất!
Tuy biến đi nhưng Chúa Giê-su để lại niềm vui và hạnh phúc chan hòa trong tâm hồn hai người môn đệ. Niềm vui lớn đến nỗi “ngay lúc ấy” (Lc 24,33) hai vị nầy tức tốc quay trở lại Giê-ru-sa-lem, không ngại đêm đen đang dần dần buông xuống, không ngại mệt nhọc vì đường xa… Phải quay về Giê-ru-sa-lem gấp để chia sẻ cho các môn đệ khác niềm vui đang tràn ngập tâm hồn mình, vui vì được đồng bàn với Đấng phục sinh, dù chỉ trong giây lát.
Đối với hai môn đệ hôm ấy, đây quả là hai niềm vui tuyệt vời trong một lần gặp gỡ Đấng phục sinh.
Hai niềm vui lớn hơn nơi Bàn Tiệc thánh
Có lẽ nhiều lúc trong đời, nhất là khi gặp thất bại, sầu đau, chúng ta mong sao cho mình có được diễm phúc như hai môn đệ trên đường về Em-mau năm xưa. Niềm hoan lạc mừng vui của hai môn đệ đang khi thất vọng ê chề, lại được gặp Chúa Giê-su trong buổi chiều vàng hôm ấy, được Ngài hâm nóng tâm hồn bằng lời Kinh thánh, được Đấng phục sinh tỏ mình cho gặp ngay trong bữa ăn, là điều biết bao người đang mong chờ ao ước.
Vậy mà niềm vui đó, hạnh phúc đó đang nằm trong tầm tay chúng ta từ bấy lâu nay mà không mấy ai cảm nhận. Hôm nay, mỗi lần tham dự Thánh lễ, chúng ta được diễm phúc còn hơn cả hai môn đệ Em-mau mà lắm khi chúng ta không lưu ý.
Thực vậy,
-Qua Bàn Tiệc Lời Chúa trong Thánh lễ hằng ngày, Chúa Giê-su tiếp tục đồng hành với chúng ta như với hai môn đệ xưa, tiếp tục lấy Lời Chúa để sưởi ấm tâm hồn băng giá của chúng ta, để soi sáng tâm trí u tối của chúng ta, để lấp đầy những khát vọng trong tim ta.
-Và qua Bàn tiệc Mình Máu thánh, Chúa Giê-su cho ta được “hiệp thông nên một với Ngài, cùng một thân mình, cùng một giòng máu” với Ngài và nhờ đó, sự sống thần linh của Chúa Giê-su, một sự sống vô cùng cao quý và không bao giờ tàn lụi, được thông truyền cho chúng ta.
Vậy mà tiếc thay, vì không nhận thức cho đúng ơn huệ cao vời đó nên nhiều người trong chúng ta đã tỏ ra vô cảm, thờ ơ với hồng ân vô giá.
Chúa Nhật III Phục Sinh, năm A

Lời Chúa: 
 Lc 24,13-35
13Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. 14Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. 16Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?" Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.18Một trong hai người tên là Cleopat trả lời: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay." 19Đức Giêsu hỏi: "Chuyện gì vậy? "
Họ thưa: "Chuyện ông Giêsu Nadaret. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá.21Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel.
Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm,23không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. 24Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy." 25Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! 26Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? 27
Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. 28Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. 32Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? " 33
Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34Những người này bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon." 35Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
Lạy Chúa Giê-su,
Hôm nay, Chúa vẫn tiếp tục cống hiến cho chúng con hai niềm vui vượt xa niềm vui của hai môn đệ Em-mau, ngay tại Bàn tiệc thánh hằng ngày và Ngài vẫn tha thiết mời gọi chúng con đến chung phần.
Xin cho “tâm hồn chúng con được bừng cháy lên” khi nghe Lời Chúa dạy trong bàn tiệc Lời Chúa như hai môn đệ xưa; và xin cho chúng con được hiệp thông nên một với Chúa, cùng một thân mình, cùng một giòng máu” với Ngài khi lãnh nhận Mình thánh Chúa nơi Bàn Tiệc yêu thương. Amen.

CHÚA LUÔN HIỆN DIỆN



"Thầy đây mà, đừng sợ! " (Ga 6,20)

Thử đặt mình vào vị trí của các tông đồ: tiếc nuối bỏ lại sau lưng ảo tưởng hào quang từ phép lạ hoá bánh ra nhiều, âu lo chèo chống trên Biển Hồ Ga-li-lê trong đêm tối đầy sóng gió. Giữa tình cảnh chơi vơi đó, Chúa Giê-su bỗng xuất hiện như một bóng ma. Sẽ không dễ chút nào để nhận ra người đang đi trên mặt biển lại là người vừa làm phép lạ. Vừa gặp sóng to gió mạnh, vừa thấy có bóng người lướt đi trên sóng đến với mình, làm sao mà không hoảng sợ? Thế nhưng, Chúa lên tiếng: “Thầy đây, đừng sợ!” Và rồi Chúa lên thuyền. Các tông đồ liền bình an cập bến. Lời Chúa dẹp yên sóng gió, xua tan nỗi sợ. Sự hiện diện của Chúa khiến cơn khủng hoảng bỗng trở thành thoáng qua như một giấc mộng.
Lắm khi chúng ta cũng phải chèo chống cuộc đời giữa cơn khủng hoảng như thế: vật giá leo thang, thất nghiệp, bệnh tật, con cái hư hỏng, v.v... Chúng ta không kịp tỉnh táo nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình. Và chúng ta lo âu, sợ hãi. Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta nhớ rằng cuộc đời chúng ta dù có chao đảo đến đâu đi nữa thì Chúa vẫn hiện diện bên chứng ta. Chúng ta hãy rước Người vào “thuyền” của chúng ta. Lúc đó chúng ta thật có phúc, vì giống như các môn đệ biết người đi trên mặt nước là Chúa của mình.
Dù rất bận rộn chúng ta phải nhớ dành ít phút cầu nguyện sốt sắng để cảm nghiệm Chúa đang ở với chúng ta.

Thứ Bảy sau Chúa Nhật II Phục Sinh


Lời Chúa: 
 Ga 6,16-21

16Chiều đến, các môn đệ xuống bờ Biển Hồ, 17rồi xuống thuyền đi về phía Caphácnaum bên kia Biển Hồ. Trời đã tối mà Đức Giêsu chưa đến với các ông. 18Biển động, vì gió thổi mạnh. 19Khi đã chèo được chừng năm hoặc sáu cây số, các ông thấy Đức Giêsu đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền. Các ông hoảng sợ. 20Nhưng Người bảo các ông: "Thầy đây mà, đừng sợ! " 21Các ông muốn rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc đó thuyền đã tới bờ, nơi các ông định đến.

Lạy Chúa, cuộc sống lắm lúc làm cho chúng con mệt mỏi, sợ hãi và quên Chúa luôn hiện diện và nói với chúng con “Thầy đây, đừng sợ!” Xin cho chúng con biết nhận ra Chúa trong từng khoảnh khắc của cuộc đời và cho chúng con gặp được Chúa đang đồng hành với chúng con. Amen.

Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017


PHÉP LẠ TỪ LÒNG QUẢNG ĐẠI 




Đức Giêsu nói: "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." (Ga 6,10)

Chuyện ăn uống là điều cần thiết để duy trì sự sống con người, và điều đó càng trở nên cấp thiết hơn đối với những lữ khách bộ hành đang rong ruổi trên hành trình dài theo chân Thầy Giêsu. Tin Mừng thánh Gioan kể lại, khi dân chúng được tận mắt chứng kiến những phép lạ Đức Giêsu, họ bị hấp dẫn và để thoả mãn muốn biết rõ Người là ai, họ đã miệt mài theo chân Người. Thấy đám đông đi theo, Đức Giêsu đã chạnh lòng thương, Người hỏi tông đồ Philípphê:“Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”. Người hỏi như thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi” (Ga 6,5b-6). Chúa hỏi thế nhằm khơi lên sứ vụ của các tông đồ sau này sẽ phải thực hiện khi Người hoàn tất sứ mạng của mình ở trần gian. Chỉ một chút nguyên liệu năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ của em bé mà Chúa đã nuôi đám đông ăn no nê, riêng đàn ông năm ngàn người, phụ nữ và trẻ em chưa kể.
Nguyên liệu làm nên phép lạ này không chỉ năm chiếc bánh và hai con cá nhưng nguyên liệu chính yếu là lòng thương xót của vị mục tử nhân lành hiểu được nhu cầu thiết yếu của đoàn chiên. Còn chúng ta, những người Thừa Sai sẽ tiếp bước Đức Kitô trong sứ mạng rao giảng, sẽ là những cánh tay nối dài của Người trong việc thể hiện tình yêu và lòng thương cảm, chúng ta có sẵn sàng dấn thân phục vụ tất cả mọi người như Chúa không.
Lời mời gọi và gương phục vụ của Đức Kitô luôn thúc bách chúng ta hãy biết nhạy cảm với nhu cầu của anh chị em mình, qua đó hình ảnh Đức Kitô thực sự được lớn lên trong ta và đây chính là sứ mạng của người Thừa Sai Đức Tin phải thi hành.

Thứ Sáu sau Chúa nhật II Phục sinh
Lời Chúa: 
 Ga 6,1-15
1Sau đó, Đức Giêsu sang bên kia Biển Hồ Galilê, cũng gọi là Biển Hồ Tibêria. 2Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. 3Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. 4Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Dothái.
5Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philípphê: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? " 6Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. 7Ông Philípphê đáp: "Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút." 8Một trong các môn đệ, là ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, thưa với Người: 9"Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu! "10Đức Giêsu nói: "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. 11Vậy, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý.
12Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi." 13Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. 14Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian! " 15Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết sống quảng đại, biết nghĩ đến người khác hơn là nghĩ đến bản thân mình. Biết sống tình bác ái huynh đệ để trở thành môn đệ của Chúa đích thực. Xin cũng ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con luôn vững tin vào quyền năng Chúa. Amen.


Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017


HƯỚNG NHÌN LÊN CAO 



Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời (Ga 3,36)

Ngày nay, trên thế giới, người Việt Nam của chúng ta gần như có mặt hầu hết nơi các quốc gia! Để gợi nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, đã có nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo về nguồn gốc, văn hóa Việt!
Trong các buổi hội họp đó, gần như không thể quên, người ta luôn nhắc nhớ nhau hãy giữ gìn bản sắc, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt, cho dù hiện diện ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì!
Tại sao vậy? Thưa, con người chỉ có thể lớn lên cách quân bình khi người ta còn giữ được bản chất, văn hóa, truyền thống của dân tộc mình. Nếu không, họ là một người thiếu trưởng thành!
Là người Công Giáo, ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được trở thành Kitô hữu, tức là chúng ta mang trong mình hình ảnh Đức Kitô. Nói cách khác, chúng ta thuộc về Đức Kitô. Vì thế, bổn phận của chúng ta phải làm sao cho Đức Kitô được hiện tại hóa trong lời nói, hành động và cử chỉ của chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải khước từ những gì không phù hợp với bản chất của mình.
Hôm nay, vẫn trong trình thuật giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô, nhưng câu chuyện ngày càng đi sâu vào cốt lõi của vấn đề, đó là, Đức Giêsu cho Nicôđêmô biết được bản chất của Ngài và những công việc Ngài làm do được lãnh nhận từ Chúa Cha, Ngài nói: “Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người” (Ga 3, 34 - 35).
Với câu chuyện trên, qua Nicôđêmô, Đức Giêsu mở rộng ra cho mọi người thấy được tầm quan trọng và giá trị cho những ai được hạnh phúc thuộc về Đức Giêsu, đồng thời cũng mạc khải cho biết hậu quả của những kẻ không tin: “Ai tin vào người Con, thì được sự sống đời dời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con, thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy” (Ga 3, 36.

Thứ Năm sau Chúa nhật II Phục sinh
Lời Chúa: 
 Ga 3, 31-36
31Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người; kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người; 32Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người. 33Ai nhận lời chứng của Người, thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật.
34Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn. 35Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. 36Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy.
Xin Chúa ban cho chúng ta biết luôn luôn ý thức mình thuộc về Đức Kitô và phải có trách nhiệm làm cho Đức Kitô lớn lên và rạng ngời ngang qua cuộc sống của chúng ta. Amen.
Giuse Vinsơn Ngọc Biển SSP

ÁNH SÁNG CUỘC ĐỜI

  
Kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng (Ga 3, 21)
Câu đầu tiên của đoạn Phúc Âm hôm nay nhắc cho chúng ta nhớ lại tình trạng tinh thần của các tông đồ lúc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện đến và trao cho họ sứ mạng làm chứng cho Chúa. Tình trạng đó là tinh thần của nhóm mười một trước và liền sau biến cố Vượt Qua. Các ông chậm hiểu hay chưa hiểu gì về mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa Giêsu.
Hơn nữa, sau khi Chúa đã sống lại và đã hiện ra cho một số đồ đệ để những người này loan báo tin vui Chúa sống lại cho các ông, thì các ông còn cứng lòng không tin, đến độ bị Chúa khiển trách. Phúc Âm ghi lại cho chúng ta như sau: "Sau cùng, Chúa Giêsu Phục Sinh tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng. Bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người phục sinh". Các tông đồ còn có thái độ tiêu cực như vậy. Mặc dù đã theo Chúa ngay từ đầu và đã được Chúa huấn luyện đặc biệt hơn dân chúng trong suốt thời gian sống bên cạnh Chúa.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã không thất vọng, không bỏ đi chương trình cứu rỗi nhân loại, không rút lại những gì Chúa muốn các ngài thực hiện, vì thế, Chúa ra lệnh cho các tông đồ và cho những ai tiếp tục sứ mạng của Ngài trong dòng thời gian:
"Hãy ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Hãy làm chứng cho Chúa khắp nơi", đây là sứ mạng quan trọng nhất liên quan đến tương lai của Giáo Hội Chúa trong lịch sử nhân loại. Sứ mạng được cô đọng lời Chúa Giêsu cho các tông đồ như sau: "Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ. Còn ai không tin thì sẽ bị kết án". Chúa Giêsu Phục Sinh đã không ngần ngại trao phó cho những con người bất toàn một sứ mạng rất cao cả. Chúa tỏ cho thấy Người cần đến sự cộng tác của con người phàm trần, có và còn rất nhiều khuyết điểm để thực hiện sứ mạng cứu rỗi. Những khuyết điểm của những con người đã được tuyển chọn, không thể làm hư chương trình của Người.


Thứ Tư sau Chúa nhật II Phục Sinh

Lời Chúa: 
 Ga 3,16-21
16Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. 18Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.
19Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. 20Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. 21Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa."
Lạy Chúa, nhờ lời khẩn cầu của thánh sử Marcô mà Giáo Hội mừng lễ hôm nay, xin thương biến đổi mỗi người chúng con trở thành những tông đồ, những cộng tác viên xứng đáng và trung thành của Chúa trong mọi hoàn cảnh. Amen


Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017


ĐƯỜNG GIÊSU - HƯỚNG ĐI CHO ĐỜI TÔI 


Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14,6)

Khách du lịch đến thưởng ngoạn Venezia, một thành phố mơ mộng nằm trên sông nước và được làm tăng thêm vẻ đẹp bằng những công trình kiến trúc độc đáo cũng như bằng những tác phẩm nghệ thuật thời danh nằm ở mạn đông bắc Italia, không thể bỏ qua công trường Marcô, công trình mang tên của vị thánh bổn mạng của thành phố Venezia và cũng là vị thánh Giáo hội mừng kính hôm nay.
Trên con đường tiến gần đến công trường Marcô, du khách nhìn thấy một con sư tử có đôi cánh đứng sừng sững trên một ngọn tháp cao. Hình sư tử này nhắc đến sự nghiệp viết sách Phúc Âm đầu tiên của thánh Marcô, như chứng từ của sử gia Papias, sinh sống vào cuối thế kỷ thứ hai viết như sau:
"Marcô, người thông ngôn của Phêrô, đã viết ra đúng những gì nhớ được, tuy không theo thứ tự, về những điều Ðức Kitô đã nói và đã làm. Marcô không trực tiếp nghe Chúa giảng, cũng không phải là môn đệ của Ngài. Nhưng ông đã tháp tùng Phêrô, người đã giảng dạy theo những gì ông cảm thấy cần thiết, chứ không phải chủ tâm thuật lại lời Chúa một cách có hệ thống".
Marcô là người thông ngôn và lãnh trách nhiệm chép lại những lời Phêrô giảng, vì thế không lạ gì ở cuối bức thư thứ nhất, Phêrô gọi ông là "Marcô, người con của tôi".
Ngoài sự gần gũi với thánh Phêrô, Marcô cũng tiếp xúc lân cận với Phaolô, bắt đầu vào lần gặp gỡ đầu tiên vào năm 44, khi Phaolô và Barnaba đưa về Giêrusalem số tiền cộng đoàn Antiokia quyên được để trợ giúp cộng đoàn Mẹ. Khi trở về, Barnaba đem theo Marcô, là cháu của ông
.
Sau đó, trong khi đồng hành với Phaolô và Barnaba để hoạt động truyền giáo ở đảo Cypre, vì một sự bất đồng ý kiến nào đó, Marcô đã bỏ về Giêrusalem. Vì lý do này, trong chuyến truyền giáo thứ hai, Phaolô đã nhất quyết không cho Marcô theo, mặc dù Barnaba tha thiết yêu cầu. Sự kiện này đã gây đổ vỡ đến sự cộng tác giữa Phaolô và Barnaba.
Nhưng trong những ngày cuối đời, khi chờ đợi ngày hành quyết, Phaolô đã viết thư nhắn với Timôthê: "Hãy đem cả Marcô đến nữa, vì tôi cần sự giúp đỡ của anh ấy lắm". Bạn bè người ta muốn gặp trong những ngày cuối đời phải là những người đồng sinh đồng tử!
Những chi tiết khác nhau đó của cuộc đời của thánh Marcô không lấy gì làm chắc. Có tài liệu cho là thánh nhân chết tự nhiên. Tài liệu khác lại cho là thánh nhân được phúc tử đạo. Vương cung thánh đường tại công trường Marcô ở Venezia tự hào là còn giữ lại hài cốt của Ngài.
Trong cuộc sống, Marcô đã chu toàn bổn phận mà mọi người Kitô được kêu gọi phải thực thi: Ðó là rao giảng Tin Mừng và làm chứng về Ðức Kitô. Marcô đã thực hiện công việc này đặc biệt qua công tác viết sách Phúc Âm, những người Kitô khác qua kịch nghệ, âm nhạc, thơ phú hay qua việc dạy đạo cho con em quanh bàn ăn của gia đình hoặc qua cuộc sống chứng tá trong những sinh hoạt và nếp sống hằng ngày.

Thứ Ba sau Chúa Nhật II Phục Sinh

Lời Chúa: 
 Ga 14,6-14

6Đức Giê-su đáp: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. 7Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người." 8Ông Phi-líp-phê nói: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện."
9Đức Giê-su trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha"? 10Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. 11Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. 12Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. 13Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. 14Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.

“Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Mác-cô vinh dự rao giảng và ghi chép Tin Mừng. Xin cho chúng con được hiểu thấu những lời thánh nhân giảng dạy để trung thành bước theo Chúa Kitô “

Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2017


SỰ CẦN THIẾT PHẢI TÁI SINH 




Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. (Ga 3, 3)
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và một vị thủ lãnh Do Thái. Sau khi thanh tẩy đền thờ Jérusalem, có nhiều người tin vào Chúa Giêsu qua các dấu lạ Người thực hiện, nhưng Chúa Giêsu cảm thấy và biết rằng niềm tin của họ chưa đâm rễ sâu, còn nông cạn và hời hợt, điển hình qua cuộc đối thoại với Nicôđêmô sau đây.
Mở đầu bằng câu 1, Thánh sử Gioan giới thiệu nhân vật muốn đến tìm gặp Chúa Giêsu. Ông thuộc nhóm Pha-ri-siêu, với tên gọi rõ ràng và được nhấn mạnh là một trong những quan chức của người Do Thái. Thời gian ông đi gặp Chúa Giêsu lại vào ban đêm. Lý do ở đây chúng ta không biết rõ, nhưng trong Kinh Thánh bóng đêm ám chỉ tội lỗi, ma quỉ và những công việc của chúng ta (x. Ga 13,30 ) và cũng có thể ông sợ đồng nghiệp của mình bắt gặp chăng ?
Ông là một ký lục Do Thái đi tìm chân lý, tìm ánh sáng giữa đêm tối. Kể ra ông cũng là một con người thiện chí và ông đã lờ mờ nhận ra danh phận của Chúa Giêsu “ Thầy là vị Tôn Sư được Thiên Chúa sau đến. Chẳng ai làm được dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy” (c. 2). Ông rất am hiểu Kinh Thánh nên suy diễn, lập luận khá chính xác, nhưng đó chỉ là ngôn từ, trên bình diện lý trí mà thôi. Và khi Chúa Giêsu nói : “ không ai thấy Nước Thiên Chúa mà không sinh ra một lần nữa” (c.3), thì đầu óc ông trở thành đen tối, mịt mù. Ông chỉ hiểu theo nghĩa đen, mặt chữ : một ông già, lại có thể chui vào lòng mẹ, để được sinh ra lần nữa sao ? (c. 4).
Đây là câu nói đơn sơ được phát xuất từ đáy lòng nói lên con người của ông. Ông không hiểu tư tưởng của Chúa Giêsu “ sinh ra một lần nữa” là sinh ra bởi Nước vàThần Khí, (x. c 5). Người nào được sinh ra bởi Thần Khí, sẽ lãnh nhận Thần Khí và để cho Thần Khí hoạt động. Thần Khí hoạt động sẽ sinh ra hiệu quả nơi người đó. Hiệu quả đó là : Bình an, hoan lạc, bác ái, nhân hậu, hiền hoà, trung tín, tiết độ... (x Gl 5,22). Còn người nào do xác thịt sinh ra, chỉ là những con người bình thường, không có Thần Khí nơi họ, và Thần Khí không gây tác động nơi họ, họ không được hưởng hoa trái của Thần Khí ban cho.
“Sinh lại bởi Nước và Thần Khí” nhắc chúng ta nhớ đến trong Cựu Ước: hình ảnh dân Israel vượt qua biển đỏ, như một dấu hiệu tẩy rửa trước khi vào Đất Hứa. Ngày nay, trong đêm Thánh Phục Sinh, mọi Kitô hữu đều lập lại nghi thức thanh tẩy như muốn nói lên dấu chỉ thuộc về Đức Kitô, trở thành Dân của Người. “ Nước” ở đây chính là Bí Tích Rửa Tội, hầu tẩy xoá mọi vết nhơ tội lỗi.
Con người phải sinh ra bởi ơn trên, nghĩa là lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy và Thần Khí, thì mới thông phần vào sự sống đời đời, mới được vào dự kiến sự sống ấy mà ở đây tác giả gọi là Nước Thiên Chúa. Sự sống này là sự sống Thần Linh, hiệp thông với sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi , để đi sâu vào trong Nhiệm Mầu của Thiên Chúa qua việc được kết hiệp với Thiên Chúa. Đây là một cách thức mới do chính Thần Khí Thiên Chúa tác động.
“Gió muốn thổi đâu thì thổi... không biết gió từ đâu đến và đi đâu”. Thật thế, giữa trưa hè oi bức có một ngọn gió nam thổi đến, chúng ta cảm thấy mát mẻ, dễ chịu... chúng ta không biết nguồn gốc gió xuất phát hay điểm cuối cùng gió đến, nhưng chúng ta biết có gió. Cũng thế, con người do Thần Khí sinh ra cũng vậy. Đó là một biến cố vô hình, Mầu Nhiệm, không thể cân, đo ,đong, đếm, để hiểu được. Nhưng chúng ta sẽ thấy hiệu quả xảy ra nơi nhiều con người có Thần Khí hướng dẫn. Chúng ta không nắm bắt và giam hãm Thần Khí hay hoạt động của Người, vì Người hoạt động rất tự do và muôn mầu muôn vẻ.
Sau khi đã giải thích cho Nicôđêmô về Thần Khí, Chúa Giêsu như muốn khẳng định rằng : Ông chưa có niềm tin. Vì chưa tin nên ông không thể hiểu nổi những vấn đề mà Chúa Giêsu đặt ra. Ông chỉ hiểu bằng lý trí, nên khi có vấn đề về đức tin ông trở nên lúng túng, bối rối.

Thứ Hai sau Chúa Nhật II Phục Sinh
Lời Chúa: 
 Ga 3,1-8
1Trong nhóm Pharisêu, có một người tên là Nicôđêmô, một thủ lãnh của người Dothái. 2Ông đến gặp Đức Giêsu ban đêm. Ông nói với Người: "Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy." 3Đức Giêsu trả lời: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên." 4Ông Nicôđêmô thưa: "Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao? " 5Đức Giêsu đáp: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. 6Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. 7Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. 8Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy."

Lạy Chúa, trong xã hội ngày nay, nhiều người đã đánh mất niềm tin vào cuộc sống, vào con người và họ chỉ chọn cách giải quyết cuộc đời mình bằng những viên thuốc để có những cái chết êm ả, một số khác lại lao vào những cuộc ăn chơi truỵ lạc đánh mất nhân phẩm. Xin cho họ và cho mỗi người chúng con biết tìm đến Chúa như một nguồn cậy trông an ủi, như chốn náu thân nương ẩn và nhất là xin ban thêm đức tin, để chúng con trung kiên theo Chúa đến cùng , không bị bất cứ làn sóng nào có thể dập vùi được chúng con. Amen./.

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017


THẤY VÀ TIN



Phúc thay những người không thấy mà tin! (Ga 20,29)

Hoa bạch chỉ là loại hoa nổi tiếng quý giá. Có một người dân thành thị về chốn thôn dã tìm hái hoa này. Anh ta nghĩ hoa quý, ắt phải nở trên đỉnh núi cao, bèn cố sức trèo lên đỉnh núi tìm hoa. Lên đến đỉnh núi, anh ta lục lạo suốt buổi mà chẳng thấy bông hoa nào, đành thất vọng xuống núi, ra về tay không.
Hôm sau, anh ta lại tìm theo lối cũ lên núi lục lạo thêm một phen nữa, vẫn không kiếm ra. Ngày thứ ba, anh vẫn chưa nản chí, tiếp tục leo lên đỉnh núi tìm hoa bạch chỉ. Anh tự nhủ:
- Giống hoa quý này chỉ có trên đỉnh núi cao, ta không tin là sẽ không kiếm ra nó trên đỉnh núi cao!
Nhưng cuối cùng, anh ta vẫn không kiếm ra loại hoa quý này. Trong lúc chán nản thất thểu xuống núi, anh ta chợt thấy trong đám cỏ mọc dướii chân núi có hoa bạch chỉ. Đáng tiếc là nó đã bị chính anh giẫm nát mất rồi.
* * *
Những người quá tin vào ý nghĩ chủ quan của mình thường cố cháp, không lắng nghe ai, để rồi công sức của mình đều đem ra đổ sông, đổ biển. Tin Mừng hôm nay thuật lại sự kiện Đức Giêsu Phục Sinh, hiện ra với các tông đồ, vắng mặt Tôma.
Vì thế, khi nghe các môn đệ khác nói: "Chúng tôi đã được thấy" (Ga 10,25), ông đã không tin. Tôma đúng là một con người của thực nghịệm, việc gì cũng đòi phải kiểm chứng, đòi phải "thấy và chạm đến" mới tin.
Nhưng thực ra đâu phải những gì "thấy mới tin". Có ai thấy lúc cha mẹ sinh ra mình đâu, thế nhưng vẫn tin đó là cha mẹ của mình. Có ai thấy luồng điện chạy qua sợi dây điện đâu, thế mà mọi người vẫn tin là có điện ở trên đó. Người ta thường "tin" vào các sự kiện mà người khác "thấy". Chúng ta tin Đức Thánh Cha đang cai quản Hội thánh tại kinh thành Roma, co dù chúng ta chưa bao giờ thấy ngài. Chúng ta tin Đức Kitô chết và sống lại , cho dù chúng ta chẳng hề thấy người. Niềm tin của chúng ta chỉ dựa vào lời chứng của các Tông đồ: "Chúng tôi đã được thấy Chúa".
Như thế, niềm tin đâu chỉ dựa vào giác quan mà còn dựa vào đức tin của những kẻ đã "thấy và đã tin", những kẻ đã dám lấy cái chết để chứng minh cho niềm tin của mình.
Nếu Đức Kitô đã thỏa mãn lòng mong ước của Tôma là cho ông được "thấy và chạm đến" vết thương của Người là để củng cố niềm tin của ông. Đôi khi trong cuộc sống, Thiên Chúa cũng cho chúng ta được "thấy và chạm đến" những quyền năng phép lạ, những hồng ân bất ngờ, là để chúng ta thêm niềm tin tưởng nơi Người.
Đứng trước ân ban của Đức Giêsu cho Tôma được "thấy và chạm đến" Người, thì ông đã đáp lại bằng một cử chỉ tuyệt vời, là sấp mình xuống thưa:
"Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con" ! (Ga 20,28). Lời tuyên xưng của Tôma quả là rõ ràng, trong suốt như pha lê. Đó là niềm tin của chúng ta. Niềm tin mãnh liệt vào Đức Giêsu đã chết và đã sống lại. Người là Chúa và là Thiên Chúa thật. Chính nhờ Tôma mà niềm tin của chúng ta được chúc phúc: "Phúc thay những ngưồi không thấy mà tin" (Ga 20,39).
* * *


Chúa Nhật Thứ II Phục Sinh

Lời Chúa: 
 Ga 20,19-31
19Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em! " 20Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." 22Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." 24Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tô-ma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." 26Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em." 27Rồi Người bảo ông Tôma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." 28Ông Tôma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! " 29Đức Giê-su bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin! "30Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.
Lạy Chúa, Đức tin là một ân huệ Chúa ban, chúng con xin cảm tạ Chúa. Xin thêm đức tin cho chúng con, để dù bao thăng trầm của cuộc sống, chúng con vẫn vững một niềm tin vào Thiên Chúa và con người. Amen.



LÀM CHỨNG VỀ CHÚA PHỤC SINH 



"Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15)

Ðoạn Tin Mừng hôm nay là một tóm kết về những lần hiện ra của Chúa Giêsu khi Ngài sống lại. Thánh Marcô nhấn mạnh đến sự cứng lòng tin của các môn đệ để làm nổi bật chứng từ của Chúa Giêsu hiện ra và mệnh lệnh phải ra đi làm chứng cho Ðấng Phục Sinh.
Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn mãi mãi là một, nhưng khi hiện ra, Ngài luôn đến với hình dạng của một người xa lạ. Với bà Maria Madalena, Ngài hiện ra như một người làm vườn; với hai môn đệ đi về làng Emmaus, Ngài đồng hành như một lữ khách xa lạ; với các môn đệ chài lưới, Ngài xuất hiện như một người mà họ cũng không nhận ra ngay tức khắc.
Niềm tin vào Ðấng Phục Sinh luôn đòi hỏi các môn đệ phải làm một bước nhảy vọt để từ một người xa lạ, nhận ra dung mạo của Thầy mình. Từ hai ngàn năm qua, chứng từ về Ðấng Phục Sinh cũng luôn diễn ra như thế, từ cuộc sống của cộng đồng tín hữu tiên khởi, qua cái chết của các vị tông đồ đến cuộc tử đạo, của không biết bao nhiêu các tín hữu ở mọi thời đại, cuộc sống tin cậy mến ở mọi nơi là một chứng từ sống động và liên lỉ về Ðấng Phục Sinh.
Niềm tin vào Ðấng Phục Sinh và chứng từ về Ngài luôn được diễn tả bằng một cách sống mới trong cộng đồng. Sách Tông Ðồ Công Vụ ghi lại một bức tranh vô cùng sống động về cuộc sống mới trong Ðấng Phục Sinh ấy. Sự bình an được Ðấng ban tặng đã tạo ra một cộng đồng hòa giải, nghĩa là một nhóm tín hữu sống trong hài hòa hiệp nhất và chia sẻ của cải cho nhau.
Nét nổi bật của cộng đồng này không hẳn là nghèo khó, bởi vì trong đó, không ai phải thiếu thốn điều gì, mà chính là tình yêu thương của mọi người. Của cải vật chất, thay vì là đối tượng của sự chiếm hữu ích kỷ và do đó là nguyên nhân của tranh chấp chia rẽ, đã trở thành bí tích của tình bạn và huynh đệ. Tựu trung, mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu tuyên bố khi hiện ra với thánh Tomas "Phúc cho những ai không thấy mà tin" không loại trừ đòi hỏi phải được thấy một cách cụ thể chứng từ về Ðấng Phục Sinh trong Giáo Hội, và chứng từ ấy thiết yếu là chứng từ về tình yêu huynh đệ.
Tình yêu huynh đệ là cuộc sống bác ái trong và từ Giáo Hội, là dấu chỉ rõ ràng và có tính thuyết phục nhất về dung mạo và sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh. Trong những lần hiện ra của Ngài, cử chỉ của Ngài đã thể hiện với hai người môn đệ đi về làng Emmaus mang một ý nghĩa đặc biệt, Ngài chỉ được nhận diện khi cầm lấy bánh bẻ ra và trao cho hai ông. Phải chăng nét nổi bật nhất trong dung mạo của Chúa Giêsu không là cử chỉ cầm lấy bánh, bẻ ra và trao ban sao?
Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm của Ðấng Phục Sinh, Ngài chỉ thực sự được nhận diện trong thân thể ấy qua cử chỉ trao ban mà thôi. Chính vì thế mà trọng tâm và cao điểm của Giáo Hội chính là cử hành Thánh Thể. Giáo Hội lập lại cử chỉ trao ban của Chúa Giêsu, nhưng cử chỉ ấy sẽ không diễn tả trọn vẹn dung mạo của Ðấng Phục Sinh, nếu nó không được nối dài và diễn tả cùng cuộc sống trao ban cụ thể của Giáo Hội và của các tín hữu Kitô. Cuộc đời của người tín hữu Kitô phải là một thánh lễ nối dài để mãi mãi mô tả dung mạo của Ðấng Phục Sinh.

Thứ Bảy Trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh

Lời Chúa: 
 (Mc 16, 9-15)

9Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Maria Mácđala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. 10Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. 11Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.
12Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. 13Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.
14Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. 15Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”
Lạy Chúa Giêsu. Gần kết thúc Tuần Bát Nhật Phục Sinh. Chúa, mời gọi tất cả chúng con nhìn vào Chúa và nhận sứ vụ loan báo Tin Mừng. Xin cho mỗi người trong chúng con, luôn hướng nhìn Chúa, và sẵn sàng lên đường Loan báo Tin Mừng bằng chính cuộc sống của mình. Xin giải thoát chúng con khỏi mọi nỗi ưu phiền và thất vọng, để chúng con biết loan truyền cho người khác những gì Chúa làm cho chúng con. Amen.