Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018



RAO GIẢNG


http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20180406110000

 Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo." (Mc 16,15)


Ðoạn Tin Mừng hôm nay là một tóm kết về những lần hiện ra của Chúa Giêsu khi Ngài sống lại. Thánh Marcô nhấn mạnh đến sự cứng lòng tin của các môn đệ để làm nổi bật chứng từ của Chúa Giêsu hiện ra và mệnh lệnh phải ra đi làm chứng cho Ðấng Phục Sinh. Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn mãi mãi là một, nhưng khi hiện ra, Ngài luôn đến với hình dạng của một người xa lạ. Với bà Maria Madalena, Ngài hiện ra như một người làm vườn; với hai môn đệ đi về làng Emmaus, Ngài đồng hành như một lữ khách xa lạ; với các môn đệ chài lưới, Ngài xuất hiện như một người mà họ cũng không nhận ra ngay tức khắc. Niềm tin vào Ðấng Phục Sinh luôn đòi hỏi các môn đệ phải làm một bước nhảy vọt để từ một người xa lạ, nhận ra dung mạo của Thầy mình. Từ hai ngàn năm qua, chứng từ về Ðấng Phục Sinh cũng luôn diễn ra như thế, từ cuộc sống của cộng đồng tín hữu tiên khởi, qua cái chết của các vị tông đồ đến cuộc tử đạo, của không biết bao nhiêu các tín hữu ở mọi thời đại, cuộc sống tin cậy mến ở mọi nơi là một chứng từ sống động và liên lỉ về Ðấng Phục Sinh.

Tình yêu huynh đệ là cuộc sống bác ái trong và từ Giáo Hội, là dấu chỉ rõ ràng và có tính thuyết phục nhất về dung mạo và sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh. Trong những lần hiện ra của Ngài, cử chỉ của Ngài đã thể hiện với hai người môn đệ đi về làng Emmaus mang một ý nghĩa đặc biệt, Ngài chỉ được nhận diện khi cầm lấy bánh bẻ ra và trao cho hai ông. Phải chăng nét nổi bật nhất trong dung mạo của Chúa Giêsu không là cử chỉ cầm lấy bánh, bẻ ra và trao ban sao?

Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm của Ðấng Phục Sinh, Ngài chỉ thực sự được nhận diện trong thân thể ấy qua cử chỉ trao ban mà thôi. Chính vì thế mà trọng tâm và cao điểm của Giáo Hội chính là cử hành Thánh Thể. Giáo Hội lập lại cử chỉ trao ban của Chúa Giêsu, nhưng cử chỉ ấy sẽ không diễn tả trọn vẹn dung mạo của Ðấng Phục Sinh, nếu nó không được nối dài và diễn tả cùng cuộc sống trao ban cụ thể của Giáo Hội và của các tín hữu Kitô. Cuộc đời của người tín hữu Kitô phải là một thánh lễ nối dài để mãi mãi mô tả dung mạo của Ðấng Phục Sinh.


Thứ Bảy tuần Bát Nhật Phục Sinh

Lời Chúa: 
 Mc 16,9-15


Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. 10 Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. 11Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.
12 Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. 13 Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.
14 Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. 15 Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 


Lạy Chúa Kitô Phục Sinh mà chúng con tiếp rước trong Thánh Lễ mỗi ngày, xin biến chúng con thành những chứng nhân sống động của Chúa trước mặt mọi người.
Xin cho Tin Mừng phục sinh của Chúa luôn được chúng con loan báo đến tận chân trời góc bể. Và xin cho cả cuộc sống của chúng con cũng trở thành sứ điệp Phục Sinh cho mọi người. Amen.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét